Tin liên quan:
Vì sao nhượng quyền?
Gần đây mô hình nhượng quyền thương mại (franchise) đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp khi lựa chọn khởi nghiệp cũng nghĩ đến nhận nhượng quyền thương mại để kinh doanh thay vì tự mình nghĩ và phát triển mô hình kinh doanh riêng. Bên cạnh đó, định hình phát triển theo chuỗi nhượng quyền cũng là mục tiêu của doanh nghiệp.
Nhượng quyền thương mại đảm bảo tỷ lệ thành công trên 90% trong khi tỷ lệ này ở doanh nghiệp thông thường là 36%. Một con số quá thuyết phục để người ta có thể lao vào mô hình này - Luật sư Phạm Duy Khương
Theo thống kê của tổ chức Franchise.org thì nhượng quyền thương mại đảm bảo tỷ lệ thành công trên 90% trong khi tỷ lệ này ở doanh nghiệp thông thường là 36%. Một con số quá thuyết phục để người ta có thể lao vào mô hình này. Xu thế này cũng đang diễn ra tại Việt Nam với những lĩnh vực nhượng quyền thương mại cực kỳ nóng là: F&B (thức ăn &và đồ uống), giáo dục.
Các bên kỳ vọng gì ở nhau qua nhượng quyền thương mại? Bên nhượng quyền thương mại kỳ vọng sẽ mở rộng thị trường nhanh nhất có thể trong khi khả năng tài chính có hạn. Khi đó, lựa chọn nhượng quyền thương mại là mô hình thích hợp nhất. Hiểu đơn giản là cho người khác sử dụng mô hình kinh doanh của mình với những điều kiện ràng buộc nhất định.
Bên nhận nhượng quyền thì mong muốn được tiếp nhận một mô hình kinh doanh thành công mà không nhất thiết đòi hỏi người đầu tư phải có kinh nghiệm. Tất cả cái họ cần chuẩn bị là vốn, mặt bằng và sẵn sàn tuân thủ điều kiện của bên nhượng quyền đặt ra. Còn lại, tất cả về mặt sản phẩm, phương thức kinh doanh, đào tạo, quản lý sẽ được bên Nhượng quyền lo.
Không phải chỉ màu hồng
Nhượng quyền thương mại không phải là mô hình toàn màu hồng mà nó đòi hỏi sự chuyên nghiệp đến khắc nghiệt từ cả hai phía nhận và nhượng quyền thương mại.
Thử thách đối với bên nhượng quyền thương mại là đảm bảo sự đồng nhất trong toàn bộ hệ thống nhận nhượng quyền thương mại. Để làm được điều này đòi hỏi bên nhượng quyền phải có bộ phận giám sát, kiểm tra mạnh. Nếu không, rất dễ xảy ra trường hợp loạn hình ảnh, sản phẩm và mất kiểm soát. Mà sự kiểm soát của bên nhượng quyền đối với bên nhận nhượng quyền là yếu tố sống còn của một mô hình nhượng quyền thương mại.
Thử thách đối với bên nhận nhượng quyền chính là sự phụ thuộc gần như tuyệt đối vào bên nhượng quyền, bên cạnh cam kết doanh thu - Luật sư Phạm Duy Khương
Trên thế giới có trường hợp một hãng đồ ăn nhanh nổi tiếng từng xử lý triệt để bên nhượng quyền chỉ vì bên nhượng quyền thay đổi số lượng rau xà lách trong một chiếc bánh, dùng sữa hộp hoàn nguyên thay vì sữa tươi nguyên chất.
Trong khi đó, thử thách đối với bên nhận nhượng quyền chính là sự phụ thuộc gần như tuyệt đối vào bên nhượng quyền. Một thay đổi nhỏ trong mô hình kinh doanh tưởng là tuỳ biến để phù hợp với văn hoá kinh doanh địa phương cũng cần phải có sự phê duyệt của bên nhượng quyền.
Ngoài ra, bên nhận nhượng quyền cũng phải đảm bảo cam kết doanh thu. Một khi doanh thu không đảm bảo thì bên nhận nhượng quyền thường nghĩ đến việc tự thay đổi mô hình kinh doanh. Tuy nhiên điều này thường bi cấm trong hợp đồng nhượng quyền thương mại. Nếu muốn có sự thay đổi nhất định thì phải được đưa vào hợp đồng ngay từ đầu.
Tuân theo hoặc dừng hợp tác
Quay trở lại vụ việc TocoToco đóng cửa hệ thống nhận nhượng quyền tại Đà Nẵng, đây là một vụ việc thú vị và điển hình trong mô hình nhượng quyền thương mại.
Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng hay sai thì còn phụ thuộc vào từng điều khoản trong hợp đồng. Tuy nhiên, rất hiếm có bên nhượng quyền nào lại không đưa điều khoản này vào. Trường hợp bên nhận nhượng quyền không đồng ý có thể khởi kiện ra toà về quyết định này của bên nhượng quyền.
Nhưng TocoToco có làm quá không? Một vi phạm nhỏ như thêm đồ uống cơ bản vào trong menu bán hàng lại dẫn đến chấm dứt hợp đồng?
Vi phạm đơn giản vẫn là vi phạm. Vụ việc lần này sẽ là bài học quan trọng dành cho các bên trong nhượng quyền thương mại, đã tham gia phải tuân theo luật chơi, tuân thủ 100% quy định, tôn trọng nhau tuyệt đối - Luật sư Phạm Duy Khương
Như đã phân tích nêu trên thì thử thách lớn nhất của bên nhượng quyền là đảm bảo sự thống nhất trong mọi hệ thống nhượng quyền, đảm bảo sự kiểm soát đối với sản phẩm, tính chịu trách nhiệm đối với sản phẩm khi gặp sự cố.
Vì vậy, kiểm soát tuyệt đối sản phẩm của bên nhượng quyền cũng là cách tự bảo vệ chính mình. Do đó, việc TocoToco chấm dứt hợp đồng với bên nhận nhượng quyền là một việc làm theo thông lệ của mô hình nhượng quyền thương mại. Vi phạm đơn giản nhưng vi phạm là vi phạm.
Vụ việc lần này sẽ là bài học quan trọng dành cho các bên trong nhượng quyền thương mại, đã tham gia phải tuân theo luật chơi, tuân thủ 100% quy định, tôn trọng nhau tuyệt đối. Không có chỗ cho sự nửa vời. Nếu có ý định khác, tốt nhất không nên nhận nhượng quyền thương mại.
Phạm Duy Khương
Theo Zing