Quản lý quảng cáo: Cần đặt đúng nơi quản lý - Phần 1

Quản lý quảng cáo: Cần đặt đúng nơi quản lý - Phần 1

08/02/2017 1718
Theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 7.000 DN hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo. Doanh thu từ quảng cáo hàng năm khoảng 500 triệu đến 1 tỷ USD, nhưng 80% lại rơi vào tay các DN nước ngoài. Các DN quảng cáo Việt Nam thua ngay trên sân nhà.

Theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 7.000 DN hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo. Doanh thu từ quảng cáo hàng năm khoảng 500 triệu đến 1 tỷ USD, nhưng 80% lại rơi vào tay các DN nước ngoài. Các DN quảng cáo Việt Nam thua ngay trên sân nhà.

Có nhiều lý do để giải thích cho việc các DN quảng cáo Việt Nam thua trên sân nhà, nhưng trong đó có lý do quan trọng là các chính sách đã lỗi thời và hoạt động quản lý quảng cáo bị xé lẻ phân tán, không hỗ trợ được các DN.

Văn hoá lại quản lý... kinh tế

Ông Hà Văn Tăng, Phó chủ tịch Hiệp hội quảng cáo Việt Nam cho biết, trước đây, Bộ Văn hoá - Thông tin được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về quảng cáo. Khi đó, quản lý toàn bộ hoạt động quảng cáo từ báo chí phát thanh truyền hình cho đến quảng cáo ngoài trời.

Nhưng sau này, Bộ Thông tin và Truyền thông được thành lập, Cục quản lý Báo chí, Xuất bản chuyển sang Bộ này, mang theo cả chức năng quản lý về quảng cáo trên báo chí truyền thanh, truyền hình thì Bộ VH-TT&DL chỉ còn quản lý mỗi phần quảng cáo ngoài trời.

Theo thống kê thì quảng cáo ngoài trời chỉ chiếm khoảng 10% tổng doanh số toàn ngành quảng cáo, còn quảng cáo trên truyền hình, phát thanh, báo chí, internet chiếm tới trên 80% doanh số. Hiện nay trên lý thuyết thì Bộ VH-TT&DL vẫn giữ chức năng quản lý nhà nước đối với toàn bộ hoạt động quảng cáo, trong khi Bộ Thông tin và truyền Thông không được giao nhiệm vụ này.

Đây chính là bất hợp lý lớn trong hoạt động quản lý quảng cáo hiện nay. Bộ VH-TT&DL, tầm quản lý và trách nhiệm với quảng cáo không lớn, tầm quan tâm cũng rất hạn chế bởi giờ chỉ còn quản lý khoảng 10% quảng cáo, nên giúp được DN rất ít. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chơi vơi, không được giao quản lý nhà nước trong lĩnh vực quảng cáo nhưng vẫn phải làm.

Hiện nay nhiệm vụ quản lý toàn bộ hoạt động quảng cáo của Bộ VH-TT&DL được thực hiện không đầy đủ. Cục Văn hoá cơ sở chỉ quản lý về quảng cáo ngoài trời. Tại Cục này có Phòng quảng cáo và tuyên truyền. Phòng vừa làm nhiệm vụ quản lý quảng cáo, vừa làm truyên truyền vì thế nhiệm vụ quản lý quảng cáo bị thu hẹp.

Quản lý quảng cáo trong lĩnh vực thể thao do Cục Thể thao lo, quảng cáo điện ảnh do Cục Điện ảnh lo, còn nhiệm vụ quản lý hoạt động quảng cáo chung tất cả thì chưa thấy đâu.

Quảng cáo vốn là ngành kinh tế cần phải được quản lý bởi một bộ chuyên về kinh tế quản lý. Điều tréo nghoe hiện nay là Bộ VH-TT&DL không phải là một bộ kinh tế nhưng lại quản lý hoạt động quảng cáo.

Việc giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về quảng cáo cho Bộ Văn hoá Thông tin trước kia là hợp lý, bởi các cơ quan quản lý báo chí xuất bản thuộc Bộ này. Song, nay đã tách ra và thành lập Bộ Thông tin truyền Thông, việc để Bộ VH-TT&DL quản lý toàn bộ hoạt động quảng cáo mà không có sự điều chỉnh kịp thời đã gây ra nhiều khó khăn cho DN.

(Sưu tầm)