Xây dựng giá trị thương hiệu hạt gạo Việt Nam (Kỳ 1)

Xây dựng giá trị thương hiệu hạt gạo Việt Nam (Kỳ 1)

02/01/2018 3132
Theo các chuyên gia, để phát triển thị trường xuất khẩu gạo bền vững, nhất thiết phải giảm “lượng”, tăng “chất” bằng cách: Nâng cao chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh. Đề xuất được đưa ra, đến năm 2030, lượng gạo xuất khẩu giảm xuống còn bốn triệu tấn, tức giảm hơn một triệu tấn, nhưng trị giá tăng lên gần nửa tỷ USD so với hiện nay.

Bài 1: Nhọc nhằn nghề trồng lúa

 

Trung bình mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu hơn năm triệu tấn gạo, mang về kim ngạch hơn hai tỷ USD. Nếu xét về sản lượng, nước ta luôn đứng trong tốp đầu thế giới, nhưng về giá thì thua kém các nước trong khu vực, kể cả những nước đi sau như Pa-ki-xtan, Cam-pu-chia... Giá trị thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến đời sống nông dân trồng lúa còn gặp nhiều khó khăn...

 

Thu nhập từ trồng lúa còn thấp

 

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa lớn nhất, đóng góp khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước, song trồng lúa lại là một trong những công việc đem lại thu nhập thấp nhất. Chỉ tính 30 huyện thuộc tám tỉnh, thành phố là An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Tiền Giang, Long An, sản lượng lúa của các huyện này hiện chiếm 50% tổng sản lượng lúa gạo của ĐBSCL và 75% sản lượng xuất khẩu của cả nước, nhưng đời sống người trồng lúa lại rất bấp bênh.

 

Nông dân Trần Văn Sửa, ở ấp Hương Trang, xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa (Long An) cho biết: “Năm 1986, khi di cư từ huyện Cần Đước (Long An) về xã Bình Hòa Trung để lập nghiệp, gia đình tôi được Nhà nước cấp 1,5 ha đất hoang hóa cải tạo trồng lúa. Sau hơn 30 năm vất vả, gia đình đã tích cóp được 3 ha. Tuy nhiên, diện tích trồng lúa này chỉ đủ cho bốn nhân khẩu trong gia đình đủ sống, chưa thể vươn lên làm giàu”. Hiện, 3 ha lúa của gia đình ông Sửa nằm trong cánh đồng lớn trồng lúa chất lượng cao, ứng dụng cơ giới hóa sản xuất lúa để xuất khẩu; tuy nhiên, tích lũy từ trồng lúa rất ít.

 

Ông Sửa phân tích: Hộ gia đình có 2 ha đất trồng lúa ba vụ thì chỉ mới thoát nghèo, 3 ha thì vươn lên hộ khá. Để làm giàu được trên mảnh đất chuyên canh trồng lúa thì phải có từ 5 ha trở lên. Trong khi đó, thực tế tại ĐBSCL, các hộ sở hữu đất trồng lúa dưới 1 ha lại chiếm phần lớn. Bà Nguyễn Thị Út, ấp Phú Tiểu, xã Phú Nhuận, Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết: “Gia đình tôi canh tác 0,5 ha lúa. Do không tham gia cánh đồng lớn, chỉ lấy công làm lời, dẫn đến năng suất thấp, đầu ra phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Năm nào xuất khẩu mạnh, gần đến ngày thu hoạch giá lúa tăng, thương lái tranh nhau đặt tiền cọc mua lúa. Năm nào xuất khẩu giảm, đến mùa thu hoạch bị thương lái ép giá. Gia đình có bốn người, trong ba vụ lúa, vụ đông xuân thu lãi khoảng mười triệu đồng, hai vụ hè thu và thu đông thì lãi khoảng 14 triệu đồng, cả năm tổng thu lợi nhuận được 24 triệu đồng. Tính trên đầu người, thu nhập mỗi người chỉ được khoảng 500 nghìn đồng/người/tháng, tiết kiệm lắm cũng vừa đủ chi tiêu hằng ngày".

 

Là người gắn bó với cây lúa ở ĐBSCL gần 40 năm, GS, TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền nam thừa nhận: “Đời sống của người trồng lúa hiện nay còn nghèo. Nghiên cứu của chúng tôi nhiều năm về chuỗi giá trị ngành hàng gạo cho thấy, người trồng lúa chỉ hưởng từ 13 đến 15% trong chuỗi nếu bán gạo trong thị trường trong nước với giá bình quân 15 nghìn đồng/kg”. Theo thống kê, quy mô sản xuất trung bình của hộ trồng lúa ở ĐBSCL là 1 ha/hộ. Trong đó, có 38,4% hộ sản xuất dưới 0,5 ha; 48,2% hộ từ 0,5 đến 2 ha và 13,4% hộ có diện tích hơn 2 ha. Còn ở Thái-lan bình quân mỗi hộ trồng lúa 3 ha. Xét về thu nhập, nông dân trồng lúa Việt Nam luôn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Cụ thể, tại vùng được mệnh danh là vựa lúa lớn nhất Việt Nam này, mỗi hộ canh tác ba vụ lúa chỉ thu lợi nhuận từ 35 đến 40 triệu đồng/ha/năm, thấp hơn Thái-lan 2,7 lần và 1,5 lần so với In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin.

 

Nhiều nhưng chưa “chất”

 

Từ kinh nghiệm xây dựng thương hiệu và xuất khẩu gạo nhiều năm, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) thẳng thắn nhìn nhận: “Mỗi năm, sản lượng lúa thu hoạch của nước ta khoảng từ 38 đến 40 triệu tấn. Để tiêu thụ hết lúa, chúng ta phải đẩy mạnh xuất khẩu. Xuất khẩu gạo nước ta luôn đứng ở tốp đầu, nhưng giá trị lại đứng hạng thấp nhất, nhì thế giới. Điều này thể hiện rõ chất lượng, thương hiệu gạo nước ta vô cùng mờ nhạt”

.

Gạo thành phẩm của một cơ sở sản xuất tại tỉnh Long An được đưa xuống tàu để xuất khẩu.

 

Ông Bình dẫn chứng hàng loạt nguyên nhân, mà theo ông là do phương thức sản xuất lúa vẫn còn mang nặng lối truyền thống. Nông dân thường tự quyết định loại giống sẽ trồng và thường sử dụng giống nhà (giữ lại giống lúa thu hoạch vụ trước để gieo trồng vụ sau) mà không dùng giống xác định dẫn đến chất lượng lúa thấp, độ thuần không cao. Quy mô sản xuất nhỏ, giá trị gia tăng trong sản xuất lúa gạo thấp cho nên người nông dân không có tích lũy để đầu tư. Cùng quan điểm, ông Trần Xuân Long, Trưởng phòng Quản lý xuất khẩu gạo (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương) nêu lên hàng loạt những tồn tại của ngành lúa gạo hiện nay, như: Xuất khẩu gạo thiên về bề rộng, chưa chú trọng cải thiện về chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm; sản xuất canh tác còn nhiều bất cập, chưa gắn với thị trường. Hạn chế trong chuỗi sản xuất lúa là chưa hài hòa lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị, mà người chịu thiệt thòi nhất chính là nông dân; liên kết sản xuất và tiêu thụ, kết quả còn hạn chế.

 

Theo các chuyên gia, Việt Nam đã có thời điểm trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai sau Thái-lan. Tuy nhiên, nếu so về giá gạo 25% tấm xuất khẩu giữa Việt Nam và Thái-lan, giai đoạn 2003 - 2016, giá gạo của Thái-lan luôn cao hơn. Cụ thể: Mức giá xuất khẩu loại gạo này của Việt Nam dao động từ 161,5 đến 426 USD/tấn, so với Thái-lan là từ 176 đến 603 USD/tấn. Thậm chí, vào năm 2008, giá xuất khẩu gạo 25% tấm của Thái-lan cao gần gấp hai lần gạo Việt Nam. Hiện, thị phần gạo Việt Nam chiếm khoảng 15% tổng sản lượng xuất khẩu gạo toàn thế giới, nhưng kim ngạch hằng năm mang về chỉ hơn hai tỷ USD trong tổng số 15 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu gạo của toàn thế giới. Rõ ràng, xuất khẩu gạo nước ta “lượng” nhiều nhưng không “chất”. Nếu gạo Việt Nam có thương hiệu, chiếm 15% thị trường xuất khẩu, kim ngạch có thể đạt ba tỷ USD mỗi năm. GS, TS Bùi Chí Bửu so sánh, trong khi Thái-lan, giá gạo trung bình xuất được 500 USD/tấn thì gạo Việt Nam chỉ được từ 360 đến 400 USD/tấn. Còn ở Ấn Độ, họ đã xây dựng được thương hiệu gạo đặc sản Basmati xuất khẩu sang thị trường “khó tính” châu Âu. Loại gạo này được các khách sạn năm sao ở châu Âu tiêu thụ với giá hàng nghìn USD một tấn.

 

Hiện nay, thị trường lúa gạo thế giới đang có xu hướng bất lợi khi nguồn cung gạo tăng mạnh. Các nước nhập khẩu truyền thống của Việt Nam đang tiến tới tự túc lương thực, đưa ra nhiều rào cản thương mại. Các nước xuất khẩu gạo cạnh tranh trực tiếp như Thái-lan, Ấn Độ... đã và đang xây dựng nâng cao chuỗi giá trị hạt gạo để đẩy mạnh xuất khẩu. Từ xu hướng chung trong lĩnh vực lúa gạo của thế giới cho thấy: Quan điểm sản xuất lúa gạo lấy số lượng càng nhiều càng tốt đã trở nên lạc hậu. Đồng thời, đặt ngành lúa gạo Việt Nam đứng trước thách thức phải cải thiện mạnh mẽ trong năng lực sản xuất, kinh doanh để tồn tại.

 

Bài liên quan:

Bài 2: Gợi mở từ mô hình liên kết 

Bài 3: Chú trọng chất lượng 

Theo nhandan.com.vn