Xây dựng các thương hiệu mạnh cho hàng hóa Thủ đô

Xây dựng các thương hiệu mạnh cho hàng hóa Thủ đô

22/12/2017 1744
Từng bước xây dựng Hà Nội thành trung tâm tài chính - ngân hàng trong khu vực theo hướng bền vững, chất lượng, gắn với hội nhập. Khuyến khích phát triển thị trường hàng hoá - dịch vụ và nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá - dịch vụ, xây dựng các thương hiệu mạnh cho hàng hóa Thủ đô.

Sau khi nghiên cứu nội dung chất vấn, Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà như sau: Về đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị, trong giai đoạn 2012 - 2016 kinh tế của Thủ đô tăng trưởng nhanh và bền vững, quy mô chiếm 13% cả nước; đóng góp hơn 15% tổng thu ngân sách của cả nước; GRDP bình quân đầu người đến năm 2016 đạt 79,4 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (dịch vụ 67,09% - công nghiệp, xây dựng 29,69% - nông nghiệp 3,22%); là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); năm 2016 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Hà Nội xếp thứ 14, vượt 10 bậc so với năm 2015; hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa. Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển, đã hình thành hệ thống quy tắc ứng xử nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; chất lượng giáo dục luôn dẫn đầu cả nước; đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Chính trị - xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được tăng cường, bảo vệ an toàn cho các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại diễn ra trên địa bàn Thủ đô.

 

Bên cạnh kết quả đã đạt được, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh Thủ đô; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nhìn chung còn thấp; một số chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt kế hoạch đề ra; còn hiện tượng quy hoạch treo, quy hoạch chồng chéo, mâu thuẫn; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tuy đã có chuyển biến nhưng vẫn còn thấp; tình trạng tắc đường và ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng; một số dự án nêu trong Nghị quyết 11 vẫn còn chậm...

 

Nguyên nhân chủ yếu là thủ đô luôn chịu sức ép lớn về tốc độ đô thị hóa mạnh và tăng dân số cơ học nhanh. Sự phối hợp quản lý, điều hành giữa một số Bộ, ngành trung ương và thành phố trong một số việc chưa kịp thời, chưa chặt chẽ. Một số cơ chế chính sách thiếu đồng bộ hoặc chậm ban hành, có nội dung không còn phù hợp với thực tiễn của Thủ đô…

 

Một số cấp, ngành, lĩnh vực còn thiếu năng lực quản lý, lãnh đạo, tính năng động, sáng tạo, công tác dự báo chưa tốt. Một bộ phận đảng viên, công chức làm việc còn thiếu trách nhiệm, đùn đẩy. Năng lực của một số chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn còn yếu, dẫn đến chậm tiến độ dự án,...

 

Giải pháp thực hiện trong thời gian tới

 

Giải pháp thực hiện trong thời gian tới là cần rà soát, hoàn thiện, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các quy hoạch phát triển TP Hà Nội. Phát huy tinh thần “Hà Nội vì cả nước”, gắn quy hoạch xây dựng TP với phát triển không gian của vùng Thủ đô Hà Nội, Bắc Bộ và cả nước. Quy hoạch, xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông ở ngoại thành để thực hiện di dời các cơ sở công nghiệp, trường đại học, các trung tâm, viện nghiên cứu và cơ sở y tế ra khỏi khu vực nội thành.

 

Chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong triển khai các quy hoạch ngành, chuyên ngành. Công bố công khai rộng rãi các quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết theo quy định. Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương triển khai đồng bộ, có hiệu quả các công trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn.

 

Rà soát, đánh giá lại và sửa đổi ngay các cơ chế, quy chế hỗ trợ sản xuất kinh doanh phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo thiết thực và hiệu quả hơn để khuyến khích huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tư nhân và nhà nước, trong nước và quốc tế cho phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô; tiếp tục rút ngắn thời gian khởi sự doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng nguồn vốn tư nhân, tạo ra một mạng lưới các vệ tinh sản xuất và xuất khẩu cho các công ty lớn.

 

Từng bước xây dựng Hà Nội thành trung tâm tài chính - ngân hàng trong khu vực theo hướng bền vững, chất lượng, gắn với hội nhập. Khuyến khích phát triển thị trường hàng hoá - dịch vụ và nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá - dịch vụ, xây dựng các thương hiệu mạnh cho hàng hóa Thủ đô.

 

Phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước, tăng cường công tác chống chuyển giá, chống thất thu, xử lý nghiêm các trường hợp trốn lậu thuế, gian lận thương mại; đảm bảo thu đúng, đủ và kịp thời vào ngân sách nhà nước. Về bố trí chi ngân sách, TP cần ưu tiên vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để tập trung đầu tư các công trình, dự án cơ sở hạ tầng đô thị, thoát nước, khắc phục xử lý ô nhiễm môi trường, các cơ sở hạ tầng xã hội thiết thực phục vụ nhu cầu xã hội (giáo dục, y tế, ...). Đồng thời, tiếp tục cân đối, bố trí ngân sách để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, cải thiện, nâng cao đời sống của người dân, nhất là đối với người nghèo, hộ gia đình chính sách. Tăng cường công tác kiểm soát chi, đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách cho phát triển kinh tế - xã hội.

 

Đẩy mạnh và quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và công tác cán bộ. Nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy chính quyền quận, huyện, phường, xã, thị trấn phù hợp với đặc thù đô thị, nông thôn. Thực hiện triệt để việc giải quyết thủ tục hành chính theo nguyên tắc “một cửa”, “một cửa liên thông”, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng luật, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian. Xây dựng Chính quyền điện tử ở Thủ đô mà trước hết là củng cố cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông cơ bản cần thiết cho chính quyền điện tử, chuyển đổi và làm cho các dịch vụ và hoạt động của chính quyền trở thành dịch vụ và hoạt động điện tử, kết nối và liên kết các sở, ban, ngành, quận, huyện và các dịch vụ, hướng tới xây dựng một cơ quan xúc tiến đầu tư duy nhất, chuyên nghiệp.

 

Thực hiện có hiệu quả cơ chế hợp tác giữa Hà Nội và các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại các nước nhằm khai thác và đẩy mạnh cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch. Kết hợp công tác xúc tiến quảng bá điểm đến và quảng bá sản phẩm du lịch trên thị trường du lịch quốc tế.

 

Công khai, minh bạch các giao dịch đất đai, loại bỏ cơ chế xin - cho trong tiếp cận đất đai. Kiên quyết thu hồi đất đã giao nhưng không triển khai thực hiện đúng thời gian qui định. Tháo gỡ về thủ tục cho các nhà đầu tư trong nước trên tất cả các lĩnh vực để đẩy nhanh thu hút đầu tư nội địa.

 

Ưu tiên đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển đô thị, nhất là các dự án, công trình trọng điểm, chương trình mục tiêu của TP. Tập trung đầu tư dứt điểm để hoàn thành những công trình trọng điểm có tác dụng thúc đẩy sự phát triển đột phá của Thủ đô. Tập trung phát triển giao thông công cộng, xây dựng lộ trình từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân sau năm 2020 nhằm giảm ùn tắc giao thông.

 

Tiếp tục hoàn thiện, thực hiện tốt chính sách thu hút nhân tài và nguồn nhân lực có trình độ cao ở trong nước, nước ngoài phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô. Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và có vị trí cao về một số lĩnh vực trong khu vực; trong đó, đặc biệt quan tâm khai thác, phát huy tiềm năng “chất xám” của đội ngũ trí thức, các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn Thủ đô.

 

Xây dựng, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả chiến lược, quy hoạch, kế hoạch bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý các loại tài nguyên đất, khoáng sản, nước, rừng, nguồn lợi thủy sản, năng lượng tái tạo. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới để sản xuất các loại nguyên, nhiên, vật liệu mới có thể thay thế các loại vật liệu truyền thống. Phối hợp với các tỉnh lân cận triển khai chương trình hành động vì môi trường và khuyến khích đầu tư bảo vệ môi trường bằng nguồn vốn xã hội hóa. Từ đó đưa Hà Nội trở thành một đô thị xanh, sạch và sáng tạo, tạo sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

Theo kinhtedothi.vn