6 tháng đầu năm 2018, Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) ghi nhận mức doanh thu 1.755 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên lợi nhuận đạt 687 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ.
Ông Ngô Văn Tụ - Giám đốc điều hành Vinasoy cho biết đang dồn lực đầu tư bài bản ở nhiều mặt với mục tiêu đưa công ty vào top doanh nghiệp có doanh thu tỷ USD vào năm 2027.
Ông Ngô Văn Tụ - Giám đốc điều hành Vinasoy. Ảnh: Vinasoy.
- Nguyên nhân nào giúp Vinasoy có lãi trong khi doanh thu giảm trong 6 tháng đầu năm 2018?
- Trước hết do chi phí đầu vào 6 tháng vừa qua, giá đường và giá đậu nành nhập khẩu đều giảm, trong khi hàng nhập khẩu chiếm đến 70% tỷ trọng đậu nành nguyên liệu của công ty. Nhờ đó công ty giảm được chi phí.
Bên cạnh đó, chúng tôi tái cơ cấu chiến lược tiếp thị và bán hàng theo hướng tinh gọn, tăng hiệu quả. Những kênh nào không khả quan sẽ tạm ngưng phát triển, tập trung cho những hoạt động sinh lời cao. Khoản chi tiếp thị, quảng bá hiện chiếm 7-8% tổng chi phí, mức trung bình của ngành hàng tiêu dùng nhanh. Phần khấu hao máy móc, nhà xưởng giảm cũng giúp rút bớt chi phí.
Ngoài ra công ty cũng triển khai nhiều hoạt động để chuẩn bị cho những bước tăng trưởng tiếp theo, hướng đến mục tiêu doanh thu một tỷ USD, tương đương 26.000 tỷ đồng vào năm 2027.
- Kế hoạch chinh phục mục tiêu một tỷ USD doanh thu sẽ triển khai như thế nào?
- Để đạt con số đó, Vinasoy duy trì tăng trưởng ít nhất 20% một năm, nhưng phải tính từ năm 2019 bởi hiện tại mới chỉ là giai đoạn chuẩn bị.
Doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh ba hoạt động chính. Thứ nhất, tập trung phát triển ngành sữa đậu nành chủ lực thông qua mở rộng vùng nguyên liệu và đa dạng sản phẩm. Thứ hai, hướng tới sản xuất những dòng sản phẩm khác có nguồn gốc từ đậu nành. Thứ ba, tăng cường hoạt động quảng bá và phân phối ở trong nước lẫn thế giới.
- Cụ thể những dòng sản phẩm mới nào sẽ được tung ra thị trường?
- Gần đây, Vinasoy vừa ra mắt sản phẩm Fami Go được tạo ra từ 100% đậu nành chọn lọc, không biến đổi gen với công thức đặc biệt gia tăng thêm 50% đạm đậu nành, kết hợp nếp cẩm, đậu đỏ hoặc mè đen, nhằm cung cấp bốn dưỡng chất thiết yếu (đạm, bột, béo, vitamin) cho bữa sáng của người tiêu dùng. Sản phẩm này chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian để khảo sát thị trường cũng như dày công nghiên cứu từ công thức cho đến ngay cả bao bì của sản phẩm - sử dụng loại bao bì mới nhất từ Tetra Pak mà chỉ Fami Go có. Fami Go sẽ là vũ khí mới giúp Vinasoy chinh phục thị trường thành thị, nhóm khách hàng trẻ - đối tượng luôn tìm kiếm sự tiện lợi trong mọi sản phẩm, dịch vụ.
Năm nay có Fami Go và năm sau sẽ ra mắt thêm những sản phẩm sữa đậu nành mới đa dạng về hương vị và tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, công ty đang nghiên cứu lai tạo giống nhằm tạo ra sản phẩm sữa đậu nành giàu Omega-3 tự nhiên, tốt cho tim mạch, dự kiến 5-6 năm nữa sẽ xuất hiện trên thị trường. Đây là công trình nghiên cứu lớn, do đậu nành thông thường có hàm lượng Omega-3 thấp, để làm giàu Omega-3 cần qua quá trình nghiên cứu, lai tạo phức tạp. Chúng tôi tuyệt đối không dùng đậu nành biến đổi gen.
Ngoài ra công ty cũng đang nghiên cứu sản xuất các dòng sản phẩm khác có nguồn gốc đậu nành như đậu phụ, đậu hũ, các loại bánh, snack đậu nành, các sản phẩm từ mầm đậu nành..., đồng thời tận dụng nguồn bã đậu nành để sản xuất các loại thức ăn cho thủy sản, chăn nuôi.
- Chiến lược mở rộng vùng nguyên liệu ra sao để đáp ứng yêu cầu tăng sản lượng?
- Tỷ trọng đậu nành thu mua trong nước hiện chiếm 30% nguồn nguyên liệu, còn lại nhập khẩu từ Canada. Toàn bộ đều là đậu nành không biến đổi gen. Trong tương lai doanh nghiệp sẽ tích cực gia tăng tỷ trọng nguyên liệu trong nước, nhằm chủ động nguồn giống phù hợp với chiến lược phát triển.
Hiện tại, nhờ sở hữu ngân hàng giống với 1.580 nguồn gen quý của đậu nành trong ngoài nước và ứng dụng công nghệ cao Vinasoy lai tạo được những giống đậu nành không biến đổi gen có năng suất vượt trội, qua trồng thử nghiệm đã đạt từ 2,8-3 tấn một hecta, so với giống địa phương chỉ 1,5-1,8 tấn. Điều này cũng thu hút ngày càng nhiều các hộ nông dân bắt tay hợp tác trồng đậu nành với doanh nghiệp vì đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định được đời sống. Trong vụ 2018, công ty đã hợp tác với nông dân trồng giống mới này trên diện tích 200ha và dự kiến mở rộng ra 500ha trong vụ 2019. Bên cạnh đó, hiện tại chúng tôi cũng thu mua đậu nành trồng ở Tây Nguyên ở diện tích khoảng 5.000ha và đang xem xét kế hoạch trồng đậu nành tại các bãi bồi ven sông miền Trung để gia tăng nguồn cung đậu nành trong nước.
Công ty đặt mục tiêu phát triển bền vững vùng nguyên liệu đậu nành trong nước không chỉ phục vụ cho chiến lược phát triển trong tương lai của Vinasoy mà bên cạnh đó còn đem lại lợi ích thiết thực cho người nông dân, giúp họ nâng cao chất lượng đời sống, từ đó gắn bó hơn với cây đậu nành. Việc trồng đậu nành cũng góp phần rất lớn cải tạo nguồn đất nông nghiệp bị bạc màu. Điều này tổng hòa lợi ích giữa sự phát triển của doanh nghiệp với cộng đồng và môi trường sống, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Vinasoy có kế hoạch tăng gấp đôi công suất tại nhà máy Bình Dương và Bắc Ninh. Ảnh: Vinasoy.
- Làm thế nào để Vinasoy mở rộng thị trường khi hiện doanh nghiệp đã chiếm hơn 80% thị phần trong nước?
- Vinasoy dù đang dẫn đầu thị trường sữa đậu nành nhưng vẫn còn khoảng 50% hộ gia đình ở nông thôn và hơn 65% hộ gia đình ở thành thị chưa tiếp cận sản phẩm của Vinasoy. Chúng tôi xác định trọng tâm trong chiến lược mở rộng thị phần là chinh phục nhóm khách hàng mới giàu tiềm năng này, nhất là tại khu vực phía Nam.
Các sản phẩm mới sẽ nhắm đến xu hướng tiêu dùng của thị trường, làm sao để phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng, khẩu vị, thị hiếu của người dùng. Chẳng hạn như sản phẩm Fami Go bổ sung đậu đỏ, mè đen, gia tăng hương vị.
Đặc biệt tại miền Nam, người tiêu dùng ưa chuộng mới lạ, đòi hỏi sự nhạy cảm và thay đổi nhanh chóng từ các nhà sản xuất.
- Còn tại nước ngoài, Vinasoy sẽ có những bước tiến gì để thâm nhập thị trường ngoại?
- Một điều rất khả quan là tại Mỹ, chúng tôi đã nhận được nhiều gợi ý tích cực về việc đưa sản phẩm sữa đậu nành mè đen, đậu đỏ... vào đây. Thậm chí một số đối tác tại Illinois, Missouri còn ngỏ lời phối hợp với Vinasoy mở nhà máy.
Tại châu Âu, châu Á... công ty sẽ nghiên cứu kỹ thị hiếu người dùng trước khi mang thương hiệu sữa đậu nành Việt chinh phục thế giới.
- Vậy trong ngắn hạn, doanh nghiệp sẽ có những động thái gì để làm bước đệm cho những cú nhảy vọt từ sau năm 2019?
- Hiện tại, hai nhà máy tại Bắc Ninh và Bình Dương có năng suất lần lượt là 180 triệu lít một năm và 90 triệu lít một năm. Tất cả mặt bằng đã sẵn sàng, chỉ cần triển khai lắp đặt dây chuyền máy móc là đã có thể tăng năng suất lên gần như gấp đôi. Đối với Bình Dương là 180 triệu lít một năm và Bắc Ninh là 270 triệu lít một năm. Thời gian triển khai chỉ cần 6-9 tháng.
Chúng tôi kỳ vọng năm sau tăng trưởng doanh thu sẽ vào mức 10-15%, trước khi bước sang giai đoạn duy trì tăng trưởng 20% một năm.
Khánh Anh
Theo vnexpress.net