Nói về Apple, có lẽ sẽ gợi lên rất nhiều tranh luận - từ góc nhìn của khách hàng trung thành với Apple, hoặc những đối thủ cạnh tranh vốn ganh ghét Apple vì những thành công không thể tin nổi của họ.
Đa phần mọi người đều phải công nhận: cổ phiếu của Apple có thể giảm, nhưng thị phần chưa bao giờ giảm. Và thành công gần đây nhất của Apple khi vượt mặt Samsung về doanh số đã chỉ rõ: triều đại của Apple chỉ có ngày càng mở rộng, khó mà thu hẹp lại.
Và dĩ nhiên, những thành công này đến từ Steve Jobs là 70%. Nhưng Tim Cook, ông chính là người đóng góp 30% thành công còn lại. 30% này không nhỏ, theo quy luật 70-30 thì 70% đầu tiên chính là nền tảng vững chãi để duy trì Apple một thời gian dài, và 30% còn lại chính là tương lai.
Steve Jobs nhìn ra điều này, Tim Cook nhìn ra điều này, toàn thể Apple nhìn ra điều này. Cuộc chuyển giao quyền lực của Tim Cook từ năm 2012 chưa hề có bất kỳ một khó khăn nào. Năm 2011, dưới thời Steve Jobs, Apple bán 74 triệu iPhone. Chỉ trong một quý cuối năm 2015, Tim Cook đã bán được 74 triệu iPhone.
Người ta có thể chỉ trích Tim Cook là đi ngược lại với điều mà Steve Jobs luôn tâm niệm: làm chỉ duy nhất 1 phiên bản iPhone mỗi năm, chỉ một kích cỡ màn hình, một thiết kế theo Tỷ lệ vàng. Thực tế chứng minh, Tim Cook đã biết cách đáp ứng khách hàng tốt hơn.
Thành công đó đến từ những hiểu biết của Tim Cook với thị trường và tài chính. Steve Jobs tập trung vào việc tạo ra những siêu phẩm, còn Tim Cook tập trung vào việc mở rộng thị trường và dùng những bài toán tài chính lời lỗ để giữ vững "thế lực" Apple. 30% của tương lai đến từ Tim Cook. Với một suy nghĩ đơn giản: làm sao để Apple luôn vững mạnh, luôn có sẵn nguồn lực con người, tiền bạc để tiếp tục phát triển.
Người ta lại chỉ trích là Tim Cook không có sáng tạo gì ngoài việc mở rộng kích cỡ màn hình iPhone và đem những tính năng lặp lại từ năm này sang năm khác. Suy nghĩ như vậy là sai lầm. Thị trường và khách hàng luôn thay đổi. Nếu nhìn tổng quan từ góc độ chiến lược doanh nghiệp, Tim Cook đang làm đúng.
"If it is working, don’t change it" - câu khẩu hiệu kinh doanh nổi tiếng của giới doanh nhân Mỹ. Một khi sản phẩm vẫn đang bán được, vẫn đang thành công - tại sao phải làm mọi cách để thay đổi nó toàn diện. Thị trường chỉ thay đổi một chút về "khẩu vị", vậy thì chúng ta đáp ứng khẩu vị đó.
Nhiều người sẽ cho rằng: Nokia và BlackBerry cũng từng bảo thủ và thất bại, Apple trong tương lai có lẽ sẽ đi vào vết xe đổ này?
Câu trả lời là có thể, nhưng khó xảy ra. Vấn đề ở đây không phải là Apple bảo thủ và thất bại. Apple có được một điều mà không ai có: "Hậu tích bạc phát".
Hậu tích bạc phát là tích lũy đủ thì sẽ bộc phát rất mạnh. Apple đang có được lợi thế đó. iPhone, iPod, Macbook không phải là sản phẩm tiêu dùng nữa, mà đại diện cho lối sống.
Bản thân Tim Cook cũng công khai mình là người đồng tính và vận động tích cực cho quyền lợi người đồng tính. Chính Tim Cook cũng là người từ chối khi FBI yêu cầu mở khóa iPhone. Và hiện tại, Tim Cook cũng là người đầu tiên của làng công nghệ hứa mang về cho nước Mỹ hàng ngàn việc làm mới bằng cách mở nhà máy sản xuất tại Mỹ.
Tim Cook là người đại diện xuất sắc cho cá tính của Apple gần gũi hơn với cuộc sống. Steve Jobs là người làm hình tượng Apple sang trọng, Tim Cook là người giúp Apple giao tiếp với tất cả mọi người.
Đó là câu chuyện về văn hóa, chỉ 10% trong những điều đổi mới. 20% còn lại đến từ hệ sinh thái mà Tim Cook nhìn ra: càng nhiều phiên bản iPhone, càng đa dạng nhóm khách hàng, càng nhiều sáng tạo nhỏ - iPhone càng dễ vừa lòng mọi người hơn. Chắc hẳn bạn còn nhớ iPhone 5S với màu vàng hồng ra mắt đã tạo nên cơn sốt thế nào phải không?
Càng đông tập khách hàng, càng đa dạng nhu cầu hơn - hệ sinh thái phát triển đi kèm càng lớn mạnh. Cuối cùng, Apple tạo ra cơ hội kiếm tiền cho nhiều người hơn trong khi vẫn giữ lại một khoản lợi nhuận khổng lồ cho bản thân.
Tất cả là nhờ ai? Tim Cook!
iPhone vẫn luôn là đề tài nóng trong giới công nghệ. Thành công của iPhone bảo vệ cho những khuyết điểm mà Apple gặp phải: iPod sắp chết, iPad chưa đủ yếu tố sáng tạo mới, Macbook 12 inch không làm được kỳ vọng…
Có nguồn tài chính từ iPhone, Apple có thể mặc sức sáng tạo những điều mới mà không lo sân nhà bị hổng. Chính vì vậy, Apple có thời gian "ủ" cho sản phẩm mới đến 5-10 năm và lại tung ra 1 cú hit mới như iPhone của 10 năm trước.
Các đối thủ cạnh tranh hiện tại vẫn phải theo đuôi iPhone. Dù có nhiều công nghệ nổi trội hơn, nhưng nếu buộc phải dùng đến công nghệ để dụ dỗ người tiêu dùng, trong khi Apple chỉ bằng tích lũy trước đây - thì rõ ràng là Apple đang trên cơ một bước!
Apple có dư thời gian để ủ mầm cho một siêu phẩm mới toàn diện. Vì chính Tim Cook đã từng nói: "Chúng ta không cần phải trở thành người nhanh nhất (về công nghệ), mà chỉ cần là người tốt nhất". Và tương lai, vẫn chưa có bất kỳ công nghệ nào mà Apple không thể không thể tích hợp lên iPhone.
Tim Cook trước khi trở thành CEO của Apple, từng đảm nhận vai trò COO (Chief-operating Officer). Là một người làm vận hành cho doanh nghiệp, Tim Cook luôn tìm ra những con đường mới.
Tim Cook đã từng thất bại với Apple Maps nhưng ông không ngại thay đổi thật nhanh để sửa chữa những sai lầm của mình. Chấp nhận thay đối và liều lĩnh là những điều Tim Cook biểu hiện tốt nhất.
Và có lẽ bạn chưa biết, Tim Cook cũng chính là người hoạch định ra chiến lược hợp tác thân thiện hơn với các nhãn hàng lớn khác như IBM, nhằm giúp Apple bán nhiều sản phẩm hơn. Nếu có doanh số, không ngại gì mà không thực hiện!
Tóm lại, Apple từ thời Steve Jobs đến Tim Cook là cả một quá trình. Steve Jobs sáng tạo nền tảng như đã nói ở trên, Tim Cook mở mang bờ cõi cho Apple. Nhưng cả 2 đều có một điểm chung: yêu thích những điều đơn giản mà thành công.
iPhone cho đến hiện tại vẫn là một đầu tàu đáng tin cậy của Apple. Vì Tim Cook chỉ tập trung vào một yếu tố quan trọng nhất: Làm thế nào để thuyết phục mọi người trên thế giới này rằng "Ai cũng cần một chiếc iPhone".
Tinh thần này của 2 vị CEO vĩ đại của Apple có thể là một bài học lý thú cho mọi doanh nhân khác: thay vì cố gắng trở thành một người thay đổi cuộc chơi, trước hết, bạn hãy chơi tốt nhất cuộc chơi của mình!
Theo Huyền My/ Trí Thức Trẻ