Thương hiệu trẻ 'đe dọa' đại gia truyền thống

Thương hiệu trẻ 'đe dọa' đại gia truyền thống

15/12/2017 1118
Những đại gia F&B và bán lẻ lâu đời trên thế giới lẫn Việt Nam nên "cảnh giác" bởi những gương mặt trẻ nhanh nhạy hơn về công nghệ.

Ông Nguyễn Quốc Toàn làm việc ở tầng 28, tòa nhà Bitexco, TP HCM. Số ngày ra đường ăn trưa của ông ít dần vì ngán cảnh tắc đường, khói bụi. Theo ông, dân văn phòng tại đây đang chuộng phần ăn của một công ty chuyên dịch vụ cơm trưa. Giá mỗi phần từ 30.000 đến 50.000 đồng. Việc  giao hàng thì có Grab, tốn từ 5.000-10.000 đồng. Đây là mức chi phí chấp nhận được cho buổi trưa tiện lợi.

 

“Điều này có nghĩa những cửa hàng ăn uống một ngày nào đó sẽ đối mặt với sự vắng khách. Ngày xưa họ nghĩ là có thể thành công được. Bây giờ, khi giải pháp số thâm nhập vào thì có thể thay đổi hết. Những người thay đổi cuộc chơi ngày càng nhiều và đến rất nhanh. Trải nghiệm khách hàng cũng phản hồi nhanh hơn qua truyền thông xã hội. Do vậy, những doanh nghiệp F&B và bán lẻ không phản ứng nhanh thì sẽ trở thành ‘khủng long’, tức lỗi thời”, ông Toàn bình luận. Ông hiện là Phó tổng giám đốc Enst & Young Việt Nam phụ trách ngành Hàng tiêu dùng và Bán lẻ.

 

Hành vi khách hàng thay đổi nhanh chóng. Dữ liệu về họ "ngồn ngộn" ở khắp các kênh, từ thông tin giao dịch, tương tác trên truyền thông xã hội, các số liệu vĩ mô của chính phủ đến khảo sát của những đơn vị nghiên cứu thị trường. Theo chuyên gia Enst & Young Việt Nam, hầu hết công ty trong nước đang sở hữu khối dữ liệu cực lớn nhưng chưa bao giờ dùng hiệu quả. Một vài đơn vị lẻ tẻ như Thế Giới Di Động khai thác thành công thì lớn mạnh như hiện tại.

 

Ông Geophin George – Phó tổng giám đốc ngành Hàng tiêu dùng và bán lẻ khu vực ASEAN của Enst & Young cho biết, ba xu hướng nổi bật đang diễn ra trong ngành hàng tiêu dùng là cá nhân hóa dịch vụ khách hàng, cạnh tranh tăng dần và khách hàng có xu hướng yêu cầu cao tính tiện lợi buộc công ty phải phát triển phân phối đa kênh. Để dẫn đầu thị trường và không bị đe dọa bởi những thương hiệu mới, doanh nghiệp phải có chiến lược số, đơn cử là phân tích dữ liệu.

 

“Nếu anh chỉ có một hai cửa hàng thì không cần, nhưng làm theo chuỗi thì chiến lược số là sống còn. Có nó, định giá doanh nghiệp cũng cao gấp rưỡi đến gấp đôi. Những công ty bình thường có thể định giá P/E từ 10 đến 15 nhưng có chiến lược số thì P/E đến 20. Đó cũng là lợi thế khi cần huy động vốn”, ông Toàn nói.

 

Theo các chuyên gia, bằng việc sử dụng dữ liệu lớn và phương pháp máy học (machine learning), tất cả các khâu trong chuỗi giá trị được cải thiện, từ phát triển sản phẩm đến tìm nguồn cung ứng, sản xuất, phân phối, tiếp thị và tương tác khách hàng.

 

Tuy nhiên, ở Việt Nam, phân tích dữ liệu vẫn còn thời kỳ sơ khai. Đó là lý do những đại gia lâu năm đang chịu nhiều 'đe dọa' của những thương hiệu trẻ với mức áp dụng công nghệ cao hơn.

 

Thậm chí, một hậu quả đã thấy là sự thắng thế của những gương mặt mới từ nước ngoài trong một loạt dịch vụ như taxi, thương mại điện tử, bán lẻ, thực phẩm và đồ uống. Nói ngắn gọn là công nghệ phân tích dữ liệu giúp những tay chơi này hiểu khách hàng hơn và dự đoán thị trường tốt hơn đàn anh truyền thống.

 

Những gì đang diễn ra ở Việt Nam không khác mấy với thế giới. Số liệu Enst & Young cho hay, mặc dù có 84% các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ biết đến khái niệm Big Data nhưng chỉ có 5% doanh nghiệp có thể biến những dữ liệu thu thập được thành các hiểu biết về thị trường.

 

Cùng với đó, những thương hiệu truyền thống lâu đời bị thay thế bởi những thương hiệu non trẻ cùng mô hình kinh doanh tiên tiến. Cụ thể, có đến 50% trong danh sách 25 công ty bán lẻ hàng đầu thế giới theo vốn hóa thị trường là những thương hiệu tiêu dùng mới.

 

Kỷ nguyên 4.0 đang buộc các đại gia lâu năm phải trở mình. Walmart đang sử dụng drone để rút ngắn khâu kiểm tra hàng tồn từ 30 ngày xuống còn một ngày. Hay như Sanvik, tập đoàn chuyên về thiết bị xây dựng giảm được 80% hàng lỗi sau khi áp dụng hệ thống cảm biến để quản lý chất lượng.

 

Viễn Thông/Báo Vnexpress