Thương gia và thương hiệu

Thương gia và thương hiệu

06/11/2017 1158
ANTD.VN - Thị trường may mặc mang thương hiệu Việt mấy ngày nay đang nổi sóng. Đại loại là lẫn lộn giả vào thật. Ở các cuộc thanh kiểm tra liên tiếp từ các cấp quản lý, cho thấy không cứ ngành may mà ngay cả những ngành “không may”, cũng đầy rẫy chuyện thật giả.

Phát biểu trên báo ngày 2-11, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã đau xót: “Người ta nhập giấy đã thành phẩm, xong dán nhãn Việt với giá thấp… giết hết các hãng sản xuất giấy Việt”. 

 

Nhìn lại lịch sử xây dựng thương hiệu tư nhân Việt, tuy chưa dài, nhưng thật lắm nỗi thăng trầm vất vả. Bởi trong một nền kinh tế thị trường đã và đang xã hội hóa, vai trò của cá nhân là vô cùng lớn. Vì thế, một thương hiệu bền bỉ chính danh, luôn phải gắn với một tên tuổi của một doanh nhân đàng hoàng nào đó. Một quốc gia muốn giàu mạnh, đương nhiên phải có một đội ngũ doanh nhân hùng hậu. 

 

Có điều, nước Việt từ xưa đến nay, chưa bao giờ được gọi là một nước giàu. Tất nhiên theo một nghĩa tương đối hẹp, đấy là được ăn ngon được mặc đẹp. Cho dù sẵn có một khả năng văn hóa, một tiềm năng tài nguyên, thế nhưng đo đếm thu nhập bình quân trên đầu người "quy ra thóc" vẫn luôn loay hoay thấp.

 

Hình như trong sâu xa vô thức người Việt đã tồn tại một thói quen “trọng nông ức thương”. Cứ thử nhìn lịch sử phong kiến của người Việt mà xem. Những vương triều hiển hách như Lý, như Trần, như Lê… với những võ công giữ nước vĩ đại cùng với một nghệ thuật dựng nước minh triết uyển chuyển, đã lừng lững làm lên một Đại Việt.

 

Vậy mà không hiểu sao, ở vào những thời đoạn đáng nhớ đó, bên cạnh các nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn hóa lỗi lạc, tuyệt hiếm các nhà kinh tế lớn, những kỹ nghệ gia xuất sắc. Kể cả cho đến ngày nay, có thể nói, vẫn hiếm hoi các thương gia Việt minh bạch thành danh. Cho dù tạp chí đương đại đầy uy tín Forbes, liên tục điểm những tỷ phú đô la người Việt, thì trên thực tế thị trường trong nước và thế giới, thương hiệu đích thực của mấy đại gia này vẫn luôn chập chờn lúc ẩn lúc hiện.

 

Có phải vậy chăng mà chỉ tới khi người Pháp đô hộ, ở ta mới manh nha xuất hiện dăm ba nhà buôn thật danh, thật sự giàu, được sách báo trân trọng gọi là tư sản dân tộc. Đó là những Trịnh Văn Bô, Bạch Thái Bưởi hay Nguyễn Sơn Hà… chẳng hạn. Họ đại diện cho một thế hệ thương gia tương đối ưu tú, vừa đĩnh đạc sang vừa luôn đồng hành với những bước đi của cả dân tộc. Việc thương gia Trịnh Văn Bô đã hiến hàng nghìn cây vàng ngay trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến kiến quốc chống thực dân Pháp, luôn là một câu chuyện cảm động. Tất nhiên, họ sở hữu một tài sản đáng kể vì biết cách giỏi giang đàng hoàng trung thực làm kinh tế. 

 

Những “thật” thương gia biết sang giàu đẫm đầy văn hóa, chính là một trong vài nguồn tạo nên nền tảng một tầng lớp tinh hoa, bay bướm chữ nghĩa thì gọi là quý nhân. Và chính những quý nhân này sẽ là động lực thúc đẩy cho xã hội thoát nghèo. Rồi thật đáng tiếc, do xô đẩy của những khách quan lịch sử, các thập kỷ tao loạn tiếp theo ở ta đã làm phôi pha mất dần những cái gọi là “quý nhân thương gia”. 

 

Có lẽ trong tâm thế khát khao một “thương gia quý ông”, nên khá đông người đã bàng hoàng vỡ mộng khi thấy một “cao quý” doanh nhân buôn lụa, thấp thoáng lộ hình hài nhang nhác giống gian thương. Gạch đá trên “phây búc” ném vào khăn đội đầu ông ta cả tạ. Thương thay cho thương nhân. Sâu xa trong văn hóa người Việt, nhất là trong văn chương, đã bao giờ bọn họ được coi là quý ông đâu.

 

Chính vì thế mà liên tục những năm gần đây, mọi cấp mọi ngành ở ta đều nỗ lực xây dựng một hình ảnh về doanh nhân đích thực. Bởi trước khi gây dựng một thương hiệu “hàng” thật thì phải có một thương gia “người” thật. Tất nhiên đấy không phải là cái kiểu người chỉ biết hùng hục kiếm tiền rồi nhân một ngày đẹp trời nhân văn đi làm từ thiện. Họ phải là những người có tâm có tầm, có một lòng nồng nàn yêu quê hương đất nước. Tuy họ có nhà cao xe đẹp nhưng luôn đau đáu mong những người xung quanh cũng sẽ được giống như họ.

 

Và hơn hết, họ phải có nghĩa vụ tạo ra hình ảnh chính đáng về chính họ, một lớp thương gia sẽ là niềm tự hào của một dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà vị trí doanh nhân ở ta gần đây đã được cả xã hội tôn trọng khác xưa rất nhiều. Sẽ vĩnh viễn không còn cái thứ tự cổ hủ “Sĩ, Nông, Công, Thương” nữa. Hiển nhiên, văn hóa vẫn là đầu tầu, nhưng song song với nó, vai trò của các doanh nhân ái quốc tài cao học rộng là vô cùng lớn. 

 

Hy vọng trong một tương lai gần, bên cạnh những biển phố đã và đang vinh danh các nhà văn hóa Việt, sẽ có những con đường mang tên các thương gia Việt.

 

Trước khi gây dựng một thương hiệu “hàng” thật thì phải có một thương gia “người” thật. Tất nhiên đấy không phải là cái kiểu người chỉ biết hùng hục kiếm tiền rồi nhân một ngày đẹp trời nhân văn đi làm từ thiện. 

Theo anninhthudo