Năm 2007, Pizza Hut chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam nhờ sự bắt tay của IFB Holdings - chuyên gia trong lĩnh vực nhà hàng tại Việt Nam và Jardine Restaurant Group - tập đoàn dày dạn kinh nghiệm xây dựng và điều hành Pizza Hut tại Đài Loan và Hong Kong.
Đến nay, Pizza Hut sở hữu 80 nhà hàng tại cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Con số này vượt trội hẳn so với tổng cộng 44 nhà hàng Al Fresco’s và Pepperonis vốn có mặt từ năm 1996, đồng thời tạo cách biệt lớn với các chuỗi pizza còn lại như The Pizza Company và Domino’s Pizza.
Nhận thấy tiềm năng lớn của thị trường cùng đam mê vốn có với món pizza, năm 2011, một chàng trai Nhật Bản 38 tuổi đã cùng vợ mở nhà hàng đầu tiên của riêng mình với số vốn 100.000 USD. Đến nay, nhà hàng ấy đã nhân rộng ra 11 địa điểm khác nhau ở TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.
Đó chính là chuỗi Pizza 4P’s - thương hiệu nổi bật gần đây trên thị trường pizza bởi sự rót vốn đầu tư của quỹ Mekong Enterprise Fund III thuộc Mekong Capital.
Sự góp mặt và mở rộng của những thương hiệu pizza đến từ Italy, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… cùng một số nhà hàng nội địa khiến cuộc chiến tranh giành “miếng bánh” thị phần ở thị trường pizza tại Việt Nam ngày càng khốc liệt hơn. Tuy nhiên, dường như sau nhiều năm vật lộn, họ vẫn chưa thực sự gặt hái được “quả ngọt”.
Các khoản lỗ “tăng tốc” theo đà tăng trưởng doanh thu
Pizza Hut là đại gia ngoại duy nhất có lợi nhuận tại thị trường pizza Việt Nam. Tuy nhiên, khoản lợi nhuận đó lại chủ yếu đến từ các hoạt động khác. Lợi nhuận thuần từ việc kinh doanh pizza vẫn ghi nhận con số âm dù đã có xu hướng giảm dần đều. Tính đến cuối năm 2017, lỗ lũy kế của Pizza Hut lên tới hơn 334 tỷ đồng.
Đứng đầu thị trường về số lượng địa điểm, Pizza Hut cũng đồng thời về nhất với số lỗ “khủng”. Khoản lỗ quá lớn từng khiến vốn chủ sở hữu của công ty này âm hơn 286 tỷ đồng vào năm 2016.
So với các đối thủ, thậm chí cả những chuỗi nhà hàng quy mô nhỏ, Pizza Hut có biên lợi nhuận gộp thấp hơn hẳn. Lần lượt trong các năm 2015, 2016 và 2017, chỉ số này đạt 9,4%, 16% và 17%. Do đó, dù doanh thu vượt trội nhờ số lượng cửa hàng và thực khách lớn áp đảo, lợi nhuận của ông lớn này vẫn rất thấp.
Trong khi đó, The Pizza Company - chuỗi đang tạm về nhì trong cuộc đua thị phần pizza tại Việt Nam, lại có biên lợi nhuận gộp khả quan hơn, luôn đạt trên 30% trong các năm 2015-2017.
Đồng thời, doanh thu qua các năm của chuỗi nhà hàng này cũng tăng trưởng nhanh chóng, gấp 2-3 lần trong các năm 2015-2017.
Thế nhưng không nằm ngoài bối cảnh thua lỗ chung của thị trường, các khoản lỗ cũng “tăng tốc” theo doanh thu, liên tục nhân đôi qua các năm. Lỗ lũy kế của The Pizza Company đến cuối năm 2017 lên tới hơn 263 tỷ đồng.
Tương tự, Domino’s Pizza dưới quyền quản lý của VFBS thuộc Tập đoàn IPP của doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn cũng thua lỗ triền miên. Ngoài Domino’s Pizza, VFBS còn điều hành các chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh khác là Burger King, Popeyes và Dunkin’ Donuts tại Việt Nam. Năm 2015, 2016, công ty đạt doanh thu lần lượt 204 và 303 tỷ đồng, đồng thời khoản lỗ cũng lên tới 34 và gần 25 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trái ngược với Pizza Hut và The Pizza Company, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này ở VFBS là chi phí bán hàng. Tỷ lệ chi phí bán hàng trên lợi nhuận gộp của công ty này trong 2 năm 2015 và 2016 là 129% và 119%, khiến các chuỗi nhà hàng liên tục tăng trưởng âm.
Đến cuối năm 2016, VFBS ghi nhận lỗ lũy kế của tất cả các thương hiệu đang quản lý là gần 150 tỷ đồng, gấp 1,5 lần số vốn điều lệ của công ty.
Hơn 1.000 tỷ đồng đổ vào thị trường pizza trong 2 năm qua
Ở thị trường pizza hiện tại, Pizza 4P’s là cái tên duy nhất ghi nhận lợi nhuận từ việc kinh doanh mặt hàng này. Theo dữ liệu của VIRAC, doanh thu của chuỗi này đạt 283 tỷ đồng năm 2017 và 411 tỷ đồng năm 2018 - tương đương với mức tăng trưởng 79% và 45% so với các năm trước đó. Đồng thời, Pizza 4P’s cũng báo lãi 33,3 tỷ đồng năm 2017, cao gấp hơn 6 lần con số 5,5 tỷ đồng năm 2016. Với đà tăng trưởng này, năm 2018, lợi nhuận chuỗi này tiếp tục tăng thêm khoảng 65%.
Tháng 5 vừa qua, Pizza 4P’s hoàn tất quy trình nhận vốn đầu tư từ quỹ của Mekong Capital. Không tiết lộ giá trị đầu tư cụ thể nhưng quỹ này đã mua kết hợp cổ phần sơ cấp lẫn thứ cấp của chuỗi nhà hàng.
Trước đó, 20% vốn sở hữu tại Pizza 4P’s thuộc về Seedcom - một quỹ đầu tư khởi nghiệp của ông Đinh Anh Huân (đồng sáng lập Thế giới Di động). Ngoài ra, Chikaranomoto - công ty sở hữu chuỗi nhà hàng ramen Ippudo tại Nhật Bản - và Locotto cũng từng rót vốn đầu tư cho thương hiệu pizza này.
Trong khi đó, thay vì rút lui sau thua lỗ như nhiều tên tuổi khác trong lĩnh vực kinh doanh chuỗi, các thương hiệu pizza khác vẫn kiên trì bám trụ. Thậm chí, Pizza Hut và The Pizza Company còn tăng vốn điều lệ.
Riêng trong năm 2017, chủ sở hữu của Pizza Hut đã bơm thêm hơn 400 tỷ đồng: từ mức 64 tỷ cuối năm 2016, chỉ sau một năm, vốn điều lệ của chuỗi nhà hàng pizza này đã tăng lên gần 500 tỷ đồng.
Tương tự, từ mức vốn điều lệ hơn 114 tỷ đồng cuối năm 2016, chỉ trong một năm, vốn điều lệ của chuỗi The Pizza Company cũng tăng gần 4 lần lên hơn 413 tỷ đồng.
Các thương hiệu pizza liên tục nhận được đầu tư hoặc tự bơm vốn điều lệ. Ảnh: Kim Ngân.
“Có người thắc mắc vì sao thua lỗ kéo dài mà vẫn bám trụ. Câu trả lời đơn giản là thị trường có "nạc" lẫn "xương", chúng tôi lấy doanh thu từ những chỗ "nạc" nuôi chỗ "xương" nên vẫn bám trụ được", ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn IPP - đơn vị sở hữu chuỗi Domino’s Pizza tại Việt Nam, chia sẻ với báo giới.
Năm 2017, Euromonitor ước tính giá trị thị trường pizza tại Việt Nam lên tới 118 triệu USD.
Trong một báo cáo hồi tháng 4, hãng này cũng nhận định, năm 2018 chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của các chuỗi nhà hàng pizza. Đây là phân khúc tăng trưởng nhanh nhất trong số các hình thái chuỗi nhà hàng tại Việt Nam. Các thương hiệu liên tục mở mới cửa hàng, đồng thời tập trung xây dựng thực đơn với nhiều món ăn mới lạ, độc đáo, phù hợp với khẩu vị người Việt và có mức giá cạnh tranh.
Lan Anh
Theo Zing News