Tạo dựng thương hiệu cam VietGAP của Hà Tĩnh

Tạo dựng thương hiệu cam VietGAP của Hà Tĩnh

13/12/2017 1165
Sau 2 năm triển khai, mô hình “Thâm canh vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGAP” ở tỉnh Hà Tĩnh đã mang lại thành công, hàng chục hộ dân tham gia mô hình rất phấn khởi, vì không chỉ tạo dựng được thương hiệu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, mà còn thu hút được nhiều đơn vị, doanh nghiệp tìm đến liên kết, thu mua sản phẩm với số lượng lớn; nhất là được người tiêu dùng tin tưởng, ưa chuộng sản phẩm.

Một mô hình thành công 

 

Sau nhiều nghiên cứu, thực nghiệm, năm 2016, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN-PTNT Hà Tĩnh) triển khai xây dựng mô hình “Thâm canh vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGAP” trên quy mô gần 4ha với 5 hộ dân tham gia, tại vùng Trà Sơn (xã Mỹ Lộc và xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc).

 

Sau 1 năm triển khai, mô hình đã mang lại hiệu quả ngoài sức mong đợi. Do được chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn sạch sẽ, thoáng đãng, các hệ thống tưới tiêu, bón phân… được đồng bộ hóa đúng quy định, cam trĩu quả, to đều, hình thức đẹp. Kết thúc mô hình, cả 5 vườn cam của 5 hộ dân tham gia đều được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, nơi đây còn thành lập được Tổ sản xuất cam VietGAP Trà Sơn, góp phần xây dựng thương hiệu cam Can Lộc.

 

Năm 2017, Hà Tĩnh tiếp tục nhân rộng mô hình trên quy mô 30ha tại các xã Đức Lĩnh (huyện Vũ Quang), Hương Đô (huyện Hương Khê), Ngọc Sơn (huyện Thạch Hà), với 24 hộ dân tham gia. Sau 1 năm được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, kết quả tại xã Đức Lĩnh năng suất đạt trung bình 26,3 tấn/ha; tại xã Hương Đô 23,23 tấn/ha; tại xã Ngọc Sơn 20,12 tấn/ha. Trong khi sản xuất đại trà của các hộ dân khác trong vùng chỉ có năng suất từ 8 tấn/ha đến hơn 11 tấn/ha. 

 

Đưa chúng tôi tham quan vườn cam VietGAP của mình, ông Nguyễn Công Phụ (60 tuổi, Tổ phó Tổ sản xuất cam VietGAP xã Ngọc Sơn) cho biết gia đình có gần 3ha trồng cây có quả, ao cá; trong đó có 0,6ha cây cam chanh với hơn 350 gốc theo mô hình nói trên. Nhờ làm đúng theo quy trình nên năng suất cam cao, chất lượng tốt, quả đẹp, không có sâu bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Ông Nguyễn Công Phụ và vợ bên vườn cam VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao

 

Dự kiến, dịp Tết Nguyên đán 2018 sẽ xuất bán ra thị trường khoảng 5 tấn quả. Trước đó, năm 2016, riêng với mặt hàng cam, gia đình ông thu lợi hơn 400 triệu đồng. Theo ông Phụ, trồng cam theo VietGAP rất hiệu quả vì đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, chất lượng, năng suất cao, đầu ra ổn định. Hiện nay, gia đình ông đã cải tạo trồng mới thêm 150 gốc cây cam con theo VietGAP.

 

Tương tự, ông Nhân, một chủ vườn cam VietGAP ở xã Đức Lĩnh, cho biết năm nay năng suất cam của gia đình đạt khoảng 29 tấn/ha, cao hơn năm ngoái đến 9 tấn. Đặc biệt, giá bán cam hiện khoảng 40.000 - 45.000 đồng/kg, cao hơn năm trước 5.000 - 10.000 đồng/kg, thương lái đến tận nơi thu mua với số lượng lớn. Sau khi trừ các chi phí khác, gia đình thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm…

 

Tiếp tục nhân rộng

 

Hà Tĩnh là một trong những địa phương có diện tích trồng cam khá lớn ở Bắc Trung bộ. Trong đó, nhiều loại cam có thương hiệu nổi tiếng với vị ngọt thanh, tép mọng, quả đẹp, như cam Khe Mây ở Hương Khê, cam bù ở Hương Sơn… Tuy nhiên, việc trồng cam ở Hà Tĩnh nhìn chung đang theo hướng sản xuất truyền thống, được tiêu thụ thông qua thương lái nhỏ lẻ hoặc đem ra các chợ đầu mối. Do đó, chất lượng cam cũng như hiệu quả kinh tế đều chưa cao, việc đưa thương hiệu cam phát triển ra thị trường lớn còn nhiều khó khăn nên cam ở Hà Tĩnh vẫn khó cạnh tranh với thị trường ngoại tỉnh.

 

Vì vậy, việc triển khai xây dựng thành công mô hình “Thâm canh vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGAP” đã từng bước giúp thay đổi tập quán canh tác truyền thống, mở ra hướng phát triển nền sản xuất cam an toàn, bền vững và mang lại thu nhập cao cho các hộ trồng cam, đồng thời từng bước đưa sản phẩm cam của Hà Tĩnh có thương hiệu, dần đứng vững trên thị trường.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Trần Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Sơn, cho biết xã đã có truyền thống trồng cam từ lâu đời, nhưng từ năm 2016 bắt đầu triển khai phát triển thương hiệu cam chanh theo mô hình trên. Toàn xã hiện có 150ha - 170ha trồng cam (lâu dài sẽ tăng lên 200ha), trong đó có 10ha cam trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP, dự kiến năng suất các hộ tham gia mô hình đạt 20 - 25 tấn/ha, giá bán hiện nay tại vườn cam khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg, đến Tết Nguyên đán giá sẽ tiếp tục tăng cao. Ngoài 7 hộ dân đã tham gia trồng cam VietGAP, sắp tới sẽ nhân rộng trồng mới thêm 15 - 20ha cam tới 10 hộ dân; qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế của xã. Đặc biệt, định hướng đưa cam Ngọc Sơn trở thành thương hiệu và tiêu thụ tại các siêu thị trong và ngoài tỉnh.

 

Theo một cán bộ Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh, thời gian tới địa phương sẽ nhân rộng hơn nữa diện tích cam đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tính đến tháng 9-2017, trên địa bàn Hà Tĩnh diện tích cam chanh là hơn 5.093ha, cam bù là hơn 1.068ha. Để đưa Hà Tĩnh trở thành một trong những tỉnh có diện tích canh tác cam lớn trong cả nước và khu vực, cần phải xây dựng thương hiệu cho cam Hà Tĩnh, kết nối, mở rộng thị trường, tạo liên kết bền vững cho ngành sản xuất cam của tỉnh.

 

DƯƠNG QUANG

Theo Sài gòn giải phóng