Subaru viết tiếp khủng hoảng của các thương hiệu Nhật

Subaru viết tiếp khủng hoảng của các thương hiệu Nhật

30/10/2017 1204
Tháng khủng hoảng của các thương hiệu công nghiệp chế tạo Nhật vẫn chưa kết thúc khi đến lượt Subaru nhận trách nhiệm về bê bối kiểm định chất lượng.

Subaru viết tiếp khủng hoảng của các thương hiệu Nhật
Subaru thừa nhận đã để nhân viên chưa đủ chứng nhận kiểm định chất lượng xe.

Nhà sản xuất ôtô Subaru của Nhật Bản đang dự kiến triệu hồi 255.000 xe sau khi thừa nhận đã cho phép những lao động chưa được cấp chứng nhận đủ trình độ để kiểm định chất lượng của xe. Công ty cho biết công nhân tại nhà máy lớn nhất ở Nhật Bản đã tham gia kiểm định chất lượng xe dù còn đang trong quá trình tham gia đào tạo để được cấp chứng nhận.

 

Giám đốc điều hành Yasuyuki Yoshinaga nói với phóng viên rằng tình trạng này đã kéo dài 30 năm qua nhưng công ty không biết đó là trái với quy định của chính phủ.

 

Vụ việc tại Subaru bị phanh phui sau khi Nissan dính vào bê bối tương tự, liên quan đến kiểm định chất lượng xe. Ngay sau đó, chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu các nhà sản xuất ôtô khác phải rà soát lại quy trình sản xuất của mình.

 

Subaru dự kiến sẽ tốn 4 tỷ yên, tương đương 44 triệu USD cho kế hoạch triệu hồi này.

 

Ông Yoshinaga chưa nêu rõ các thị trường nào ngoài Nhật sẽ ảnh hưởng bởi lệnh triệu hồi. Hiện chỉ có khoảng 15% xe Subaru được bán ngay tại nước này. Trong khi đó, Mỹ là thị trường nước ngoài lớn nhất của hãng.

 

Cổ phiếu Subaru có lúc đã giảm 3,3% trong phiên giao dịch hôm thứ Sáu vừa qua. Khép phiên ngày 27/10, cổ phiếu hãng này giảm 2,6%.

 

Bê bối của Subaru diễn ra liền sau vụ việc tại Nissan. Tuần trước, hãng này tuyên bố tạm ngừng sản xuất xe tại Nhật Bản sau khi phát hiện các bài kiểm tra an toàn đã không được thực hiện nghiêm túc tại một số nhà máy. Công ty đã công bố triệu hồi hơn 1,2 triệu xe do không vượt qua bài kiểm tra an toàn trước khi được đăng ký và bán ra.

 

Thông tin của Bloomberg cho hay, việc cho phép các nhân viên không đủ thẩm quyền tiến hành các bài kiểm tra an toàn đã diễn ra tại Nissan từ năm 1979. Công ty từ chối bình luận về báo cáo này và cho biết đang chờ đợi kết quả từ các cuộc điều tra bên ngoài. Giám đốc điều hành Nissan Hiroto Saikawa nói rằng việc để các nhân viên không đủ thẩm quyền kiểm tra sản phẩm đã là một thói quen ăn sâu vào văn hóa công ty.

 

Sự thừa nhận của Subaru đã viết tiếp một tháng xấu cho ngành công nghiệp chế tạo Nhật Bản. Đầu tháng 10, Kobe Steel thừa nhận đã bán các sản phẩm không đáp ứng được những quy cách về kỹ thuật mà khách hàng đưa ra. Công ty này đã giả mạo các số liệu chất lượng sản phẩm nhôm và đồng, được bán cho một số nhà sản xuất lớn, bao gồm cả Toyota và Boeing.

 

Trước đó, một số thương hiệu khác của Nhật cũng là thế giới không khỏi bất ngờ vì hàng loạt bê bối. Ví dụ như lỗi túi khí gây chết người của Takata, vụ gian lận kiểm tra tiết kiệm nhiên liệu của Mitsubishi Motors, vụ gian lận kế toán 1,2 tỷ USD trong mảng kinh doanh điện hạt nhân của Toshiba.

Theo VnExpress