Seedcom thận trọng gieo giống

Seedcom thận trọng gieo giống

19/07/2017 1443
2017 là năm đầu tiên 4 trong số 11 Công ty Seedcom đầu tư đều có lãi. Đáng chú ý, những công ty đóng góp vào bức tranh lợi nhuận của Seedcom đều là các cái tên rất quen thuộc trong giới khởi nghiệp.

Seedcom không chỉ được chú ý đến bởi khẩu vị đầu tư khá mới lạ, dấu ấn của Seedcom còn đến từ ông Đinh Anh Huân, đồng sáng lập Thế Giới Di Động.

 

Những người gieo hạt

 

Thành lập vào tháng 6.2014, Công ty Cổ phần Hạt Giống (Seedcom) được giới startup rất quan tâm vì Seedcom có nhiều khoản đầu tư rất rộng: công nghệ hỗ trợ bán lẻ, thương mại điện tử, bán lẻ, sản xuất và gần đây là nông nghiệp. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng đem lại lợi nhuận cho Seedcom. Theo thông tin chúng tôi có được, dự kiến 2017 sẽ là năm đầu tiên cả 4 doanh nghiệp là Cầu Đất Farm, Juno (sản xuất và bán lẻ giày, phụ kiện nữ), chuỗi cửa hàng The Coffee House và doanh nghiệp hậu cần thương mại điện tử Giaohangnhanh đều có lãi. Tổng doanh thu của 4 doanh nghiệp này dự kiến đạt khoảng 67 triệu USD (tăng 158% so với năm 2016), tổng lợi nhuận sau thuế đạt 2,7 triệu USD.

 

Đáng chú ý, Giaohangnhanh là cái tên sẽ dẫn đầu khi được dự kiến đóng góp đến 40% tổng doanh thu và 60% tổng lợi nhuận của Seedcom trong giai đoạn 2018-2020. Năm nay, Giaohangnhanh dự kiến đem về 30,8 triệu USD doanh thu, gần một nửa tổng doanh thu của Seedcom, và lãi ròng 1,2 triệu USD. Được đầu tư nhiều nhất, Cầu Đất Farm được kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong 5 năm tới. Doanh thu và lợi nhuận dự kiến của đơn vị này trong năm 2017 khá khiêm tốn, lần lượt là 10 triệu USD và 0,6 triệu USD. Nhưng đây là mức tăng trưởng ấn tượng vì cho đến năm ngoái, đơn vị này còn đang lỗ.

 

 

Hai chuỗi bán lẻ là Juno và The Coffee House đóng vai trò là các cỗ máy tạo ra tiền mặt. Cả hai hiện có 55 và 61 cửa hàng trên toàn quốc và vẫn đang trong quá trình mở rộng chuỗi cửa hàng. Doanh thu của Juno và The Coffee House năm 2017 dự kiến lần lượt đạt 12 triệu USD và hơn 14 triệu USD, từ đó dự kiến đóng góp xấp xỉ 1 triệu USD vào lợi nhuận của Seecom. Trao đổi với chúng tôi qua email, ông Đinh Anh Huân, đồng sáng lập Seedcom, cho biết, các công ty vẫn trong giai đoạn phát triển và từ chối bình luận về các con số nói trên. “Vẫn còn quá sớm để nói về chuyện lời lỗ của các doanh nghiệp này”, ông Huân trả lời.

 

Tự nhận không phải là quỹ đầu tư mạo hiểm, cũng không có ý định thoái vốn ở các công ty, những thành viên của Seedcom chỉ tham gia điều hành quá trình phát triển các doanh nghiệp đặc thù trong ngành bán lẻ. Theo quan điểm của một chuyên gia đầu tư mạo hiểm người Singapore, mô hình đầu tư như kiểu Seedcom là thuộc dạng “người kiến tạo doanh nghiệp” (company builder hoặc venture builder). Khác với các quỹ đầu tư tài chính thông thường, người kiến tạo doanh nghiệp tham gia tích cực vào việc xây dựng và vận hành các công ty nằm trong danh mục đầu tư, vì họ có rất nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong khởi nghiệp. Rủi ro thất bại vì thế cũng được hạn chế phần nào.

 

Nhà đầu tư Peter Pham của Science từng cho biết, đây là cơ hội cho các doanh nhân khởi nghiệp kỳ cựu khi được làm cả hai thứ mà họ thích: được đầu tư vào những gương mặt mới mà họ tin tưởng, đồng thời được tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng công ty. Về phương thức hoạt động, company buider rất khác so với các chương trình vườn ươm (incubator) và tăng tốc (accelerator). Theo đó, nhóm này thường chủ động phát triển một đội ngũ nội bộ dành cho các khâu như nhân sự, pháp lý và tiếp thị, để các công ty trong danh mục đầu tư có thể cùng sử dụng chung đội ngũ này. Ngoài ra, company builder cũng không có những cuộc thi tuyển chọn và những “lứa tốt nghiệp” để tìm kiếm các dự án mới, mà thay vào đó chọn lựa ra những ý tưởng từ mạng lưới kinh doanh của họ. Nhà đầu tư Ali Diallo của MIT Ventures đã gọi company builder là “startup chuyên đi xây dựng các startup khác”.

 

Ví dụ điển hình về một company builder có tầm ảnh hưởng lớn là Tập đoàn Rocket Internet (Đức) do anh em nhà Samwer sáng lập. Đây là những người đứng đằng sau các thương hiệu thương mại điện tử lớn ở Đông Nam Á như Lazada (nay đã bán cho Alibaba) và Zalora (đã bán lại các chi nhánh ở Việt Nam, Thái Lan và Philippines).

 

Một company builder có tên tuổi ở Đông Nam Á và có danh mục đầu tư khá giống với Seedcom là Inspire Ventures (Thái Lan). Đáng chú ý là Inspire cũng có một nhà đồng sáng lập gốc Việt là Quan Nguyen, trước đây từng làm lãnh đạo tại Vietnamworks và VNG. Danh mục đầu tư của Inspire chủ yếu xoay quanh các công ty thương mại điện tử: aCommerce, Deliveree, Original Stitch và Page365. Trong số các startup này, cho tới nay, aCommerce là thành công nhất. Inspire Ventures đã dẫn đầu vòng gọi vốn series A trị giá 10,7 triệu USD vào aCommerce và sau đó tham gia một vòng khác trị giá 5 triệu USD. Là một công ty chuyên cung cấp các dịch vụ gia công cho thương mại điện tử, chủ yếu về mặt hậu cần, chăm sóc khách hàng và tiếp thị, aCommerce hiện đã gọi vốn được gần 50 triệu USD, thu hút được cả Công ty Phân phối DKSH (Thụy Sĩ) và Công ty Viễn thông Quốc gia Telkom của Indonesia rót vốn vào. Trong năm 2016, aCommerce đạt tăng trưởng doanh thu 101% và đang được nhiều người xem là dịch vụ phụ trợ thương mại điện tử (e-commerce enabler) mạnh nhất Đông Nam Á.

 

 

Trong khi đó, startup giao hàng Deliveree dự kiến sẽ hòa vốn ngay trong năm nay, chỉ 3 năm sau khi thành lập. Được Inspire và Ardent Capital cùng rót vào 3 triệu USD, Deliveree đã được tải xuống hơn 200.000 lần và có mạng lưới 9.000 tài xế. Lượng giao dịch của công ty này trong năm 2016 đã tăng 500%, nhờ mở rộng sang phục vụ mảng khách hàng doanh nghiệp. Cuối cùng, Page365, vốn là một nền tảng thương mại điện tử trên mạng xã hội, hiện phục vụ hơn 150.000 người bán hàng trên Facebook, LINE và Instagram, giúp họ tiếp cận hơn 1 triệu khách hàng. Startup này được Inspire rót vào 420.000 USD ở vòng hạt giống.

 

Vườn cây đã thành hình

 

Cái tên Seedcom gắn liền với ông Đinh Anh Huân, đồng sáng lập Công ty Thế Giới Di Động. Trước đó, ông Huân từng có thời gian công tác ở Công ty Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) ban đầu tư thiết bị. Sau đó, ông Huân đã gặp ông Nguyễn Đức Tài (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Thế Giới Di Động) và xây dựng siêu thị điện thoại di động đầu tiên tại TP.HCM. Ông Huân được xem là người thường xuyên tìm các ý tưởng mới cho Thế Giới Di Động lúc bấy giờ. Ông thuộc mẫu nhà quản lý hiện đại, cởi mở, chịu lắng nghe ý kiến cấp dưới và luôn theo dõi hỗ trợ mọi người. Ông Huân được cho là rất thích ứng dụng công nghệ vào phục vụ công việc kinh doanh.

 

Có nhiều tiếng tốt nhưng ông Huân cũng bị xem là “kẻ mộng mơ” vì những ý tưởng kinh doanh rất xa thực tế, có phần ảo tưởng. Ông Huân bán gần hết cổ phần ở Thế Giới Di Động trước khi công ty này lên sàn vào năm 2010 và bắt đầu hành trình mới với Seedcom. Tháng 6.2012, Seedcom rót vốn vào công ty đầu tiên là Giaohangnhanh.vn. Công ty được thiết kế tương tự như mô hình Hub & Spoke của Fedex, dùng công nghệ làm trọng tâm để giải quyết vấn đề tự động hóa và giảm thiểu tối đa chi phí vận hành. Song song đó là đưa tất cả các bước quản lý lên trực tuyến để người mua có thể theo dõi đơn hàng và đội ngũ quản lý cũng biết được đơn hàng đang đi đến đâu và nếu có sự cố thì tắc ở khâu nào.

 

 

Thời điểm mới thành lập, đại diện của Giaohangnhanh cho biết, đến năm 2015, Công ty sẽ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng như đội ngũ xe tải, kho bãi văn phòng và hướng tới là công ty số 1 trong lĩnh vực hậu cần thương mại điện tử. Cho đến nay, các bước phát triển của Công ty có thay đổi vì sự phát triển của công nghệ và mô hình kinh doanh. Điển hình là mô hình kinh tế chia sẻ, Giaohanhnhanh đã phát triển Ahamove, ứng dụng giao hàng tức thời hoạt động như Uber và Grab, giúp Công ty không phải tốn quá nhiều chi phí cho việc đầu tư đội xe, nhân sự.

 

Hiện Ahamove có hơn 10.000 điểm nhận hàng trong ngày. Trong khi đó, Giaohangnhanh.vn hiện có hơn 84 điểm nhận hàng trên toàn quốc. Con số này sẽ tăng gấp 2 vào cuối năm nay và dự kiến đạt 2.000 điểm giao dịch vào cuối năm 2018. Ông Nguyễn Trần Thi, Tổng Giám đốc Giaohanhnhanh.vn, cho biết, Công ty đang đầu tư rất lớn vào thương mại điện tử xuyên biên giới. Dịch vụ được dự đoán sẽ bùng nổ khi thuế suất nhập khẩu bằng 0% trong thời gian tới. Từ nay đến cuối năm, Giaohangnhanh sẽ thử nghiệm một số thị trường có nguồn hàng lớn về Việt Nam là Mỹ, Thái Lan và Trung Quốc. Ước tính, thị trường giao nhận vào năm 2020 đạt giá trị hơn 1,5 tỉ USD.

 

Sau thương vụ Giaohangnhanh.vn, Seedcom bắt đầu công bố nhiều khoản đầu tư hơn. Khẩu vị rất đơn giản: công ty phải là bán lẻ hoặc cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho ngành bán lẻ. Riêng các công ty bán lẻ, người sáng lập phải làm trong lĩnh vực này ít nhất là 3 năm hoặc hơn.

 

Chính vì thế, không khó hiểu vì sao The Coffee House nằm trong danh mục đầu tư của Seedcom. Nguyễn Hải Ninh, người sáng lập The Coffee House, là một trong những người đồng sáng lập chuỗi coffee Urban Station. The Coffee House gia nhập thị trường bằng hình ảnh, thiết kế hiện đại, trẻ trung như Starbucks nhưng mức giá địa phương đi kèm chất lượng đồng nhất ở tất cả các cửa hàng. Thành lập vào tháng 9.2014, trung bình mỗi năm The Coffee House mở 20 cửa hàng mới.

 

 

Tham vọng của Seedcom rất lớn khi đầu tư các công ty theo mô hình bán lẻ hoặc cung cấp giải pháp cho bán lẻ. Theo HSBC, thị trường bán lẻ của Việt Nam đạt doanh thu 90 tỉ USD vào năm ngoái. Triển vọng của thị trường này nhờ vào lực lượng dân số trẻ chiếm phân nửa trong tổng dân số 92 triệu người và thu nhập trung bình hằng năm (2.200 USD/năm theo ghi nhận trong năm 2016) được kỳ vọng sẽ tăng nhanh trong trung hạn.

 

Nếu như KiotViet cung cấp giải pháp bán hàng cho các cửa hàng tạp hóa truyền thống, iPos.vn cung cấp giải pháp cho ngành ăn uống, thì Haravan cung cấp giải pháp làm website dựa trên nền tảng điện toán đám mây. Chưa dừng ở đó, Seedcom còn đầu tư vào IZIHelp, đơn vị cung cấp nền tảng chăm sóc khách hàng trực tuyến.

 

Có thể thấy, dù cung cấp các giải pháp khác nhau nhưng các doanh nghiệp công nghệ mà Seedcom đầu tư được xếp vào mô hình công ty cung cấp phần mềm như một dịch vụ (SaaS). Ở Việt Nam, SaaS vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm nên dấu ấn của Seedcom trong các công ty này mờ nhạt hơn rất nhiều so với nhóm bán lẻ và sản xuất. Đến thương vụ Juno.vn và Cầu Đất Farm, Seedcom bắt đầu cho thấy tham vọng trong ngành bán lẻ khi đổi khẩu vị đầu tư vào các công ty sản xuất. Điều này cũng dễ hiểu vì sau giao nhận, phần mềm hỗ trợ bán lẻ, sẽ thật lãng phí nếu Seedcom không nắm khâu cuối cùng là sản xuất. Juno là đơn vị có 10 năm hoạt động trong lĩnh vực giày nhưng khá mờ nhạt. Mãi đến khi Seedcom tham gia, doanh nghiệp sản xuất này bắt đầu tăng tốc bằng cách mở rộng chuỗi cửa hàng liên tục cùng các chiến dịch truyền thông tốn kém.

 

“Cách đây gần 10 năm, thị trường điện thoại tăng trưởng vài trăm triệu USD/năm đủ nuôi sống mấy trăm cửa hàng điện thoại thì không lý gì thị trường giày, quy mô 1 tỉ USD năm, tốc độ xoay vòng cao lại không hấp dẫn”, ông Huân nhận định. Có thể nói Juno là bản sao hoàn chỉnh nhất của Thế Giới Di Động dưới bàn tay của Seedcom. Đơn vị này vẫn đang mở rộng chuỗi cửa hàng truyền thống song song với việc ứng dụng các kênh bán lẻ trực tuyến. Mục tiêu của Juno trong 5 năm tới là mở 1.000 cửa hàng trên toàn quốc.

 

 

Tuy nhiên, tham vọng lớn nhất của Juno là xuất khẩu. Hiện giá thành sản xuất giày của đơn vị này đang rẻ hơn một nửa so với một số doanh nghiệp trong khu vực. “Dự kiến trong năm sau chúng tôi sẽ thử nghiệm dịch vụ này. Trước mắt là thị trường Úc”, ông Nguyễn Quốc Tuấn, đồng sáng lập Công ty, cho biết.

 

Tương tự là câu chuyện của Cầu Đất Farm, vốn xuất thân là nhà máy sản xuất trà từ năm 1927 ở Đà Lạt. Ông Huân chia sẻ, giá 1kg trà ở Đà Lạt chỉ có 1 USD, trong khi của Malaysia đắt gấp 30 lần dù chất lượng sản phẩm là như nhau. Song song đó là nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng ngày càng tăng cao nhờ sự phát triển của các kênh bán lẻ như Bách Hóa Xanh... Ước tính, độ lớn chỉ riêng thị trường TP.HCM là hơn 3.000 tấn mỗi ngày, trị giá khoảng 3 triệu USD, chiếm 85% nhu cầu.

 

Được biết, Cầu Đất Farm hiện tập trung phân phối sỉ rau củ Đà Lạt, trà và cà phê cho nhà hàng, đại lý, siêu thị, trường học ở cả nước. Nguồn sản phẩm được Công ty trồng thực nghiệm, hoàn thiện quy trình, từ đó cộng tác cùng nông dân canh tác sản xuất. Đơn vị này đang tập trung phát triển hệ thống công nghệ thông tin về phân phối sỉ, tương tác sản xuất để minh bạch quá trình này.

 

Tại sự kiện eCommerce Sharing Day do Haravan tổ chức hồi tháng 11 năm ngoái, ông Huân xác nhận: “Seedcom đã cạn nguồn tiền”. Bên cạnh đó, dù các công ty con đều có lãi nhưng nguồn tin của chúng tôi cho biết Seedcom Holding ghi nhận mức lỗ dự kiến là 1 triệu USD trong năm 2017. Ông Đinh Anh Huân cho biết Công ty trong năm sau sẽ không đầu tư gì mới và tiếp tục dồn lực cho The Coffee House, Giaohangnhanh, Juno và Cầu Đất Farm với mục tiêu tiếp tục cải thiện những sản phẩm và dịch vụ mà các đơn vị này đang cung cấp. “Đặc biệt, 2018 sẽ là năm bùng phát mạnh mẽ của Cầu Đất Farm”, ông Huân nói.

 

Thực tế, khi hết vốn, các company builder sẽ ngừng đầu tư vào doanh nghiệp mới. Sau một thời gian, hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty con có hiệu quả sẽ giúp họ có dòng tiền và tiếp tục mở rộng bằng việc mua bán sáp nhập các công ty khác hoặc tìm lợi nhuận thông qua hình thức khác, như đầu tư vào các doanh nghiệp niêm yết. Các công ty này cũng có thể đẩy nhanh quá trình tích lũy dòng tiền bằng cách gọi vốn từ các nhà tài phiệt hoặc các quỹ đầu tư nước ngoài.

 

Bức tranh rõ nhất của Seedcom trong thời gian tới sẽ là trở thành tập đoàn điều hành nhiều công ty con không cạnh tranh với nhau. Các công ty phát triển theo hình thức này sẽ bắt đầu bằng 1 hoặc 2 công ty kinh doanh cốt lõi, sau đó mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác. Với thế mạnh có nhiều kinh nghiệm trong ngành bán lẻ cùng với việc nắm trong tay nhiều công ty cung cấp công nghệ vào công tác quản lý, khả năng rất lớn là Seedcom tiếp tục săn đuổi các công ty, hoặc các cá nhân có kinh nghiệm trong ngành bán lẻ trong thời gian tới.

 

Công Sang - Tuấn Minh
* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư