Nữ triệu phú Michelle Phan: Đứng dậy từ trầm cảm để làm lại từ đầu

Nữ triệu phú Michelle Phan: Đứng dậy từ trầm cảm để làm lại từ đầu

24/04/2017 2807
“Phù thuỷ trang điểm” người Mỹ gốc Việt Michelle Phan là một trong số những người gặt hái được khá nhiều thành công, khi bắt đầu sự nghiệp của mình trên kênh YouTube và sau đó thu hút được gần 9 triệu người theo dõi.

Cô là người sáng lập công ty bán mỹ phẩm Ipsy từng được định giá hơn 500 triệu USD, và gần đây lại cho ra mắt tiếp thương hiệu mỹ phẩm Em Cosmetics sau gần 1 năm liền “biệt tích giang hồ” trên mạng xã hội.

 

Trước đây vào năm 2013, Michelle từng tung ra Em thông qua sự hợp tác với tập đoàn mỹ phẩm L’Oreal, nhưng đã thất bại do bị xem là có giá bán quá cao. Tới năm 2015, Michelle mua lại thương hiệu EM từ L’Oreal để tự phát triển nó lại theo hướng đi của riêng mình.

 

Dưới đây là những lời chia sẻ của Michelle trên các trang Refinery29 và TeenVogue về việc tại sao từ chỗ là một “nữ hoàng” trên YouTube, cô lại rời bỏ mạng xã hội trong một thời gian dài để rồi quyết định vực dậy một thương hiệu từng thất bại:

 

"Trước đây những khát vọng của tôi được định hình bởi những người xung quanh. Giờ đây, tôi nhận ra mình phải tự quyết: Tôi thực sự muốn gì cho bản thân?”

 

Khởi đầu sự nghiệp

 

Trang điểm luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc đời tôi từ khi còn là một đứa trẻ lớn lên trong tiệm nail nơi mẹ tôi làm việc. Hằng ngày, tôi ở đó và bắt điện thoại trả lời: “San Francisco Nails xin nghe, tôi có thể giúp gì cho bạn?” Xung quanh tôi luôn là các tạp chí làm đẹp, trang điểm và những sắc màu. Tuy nhiên, mẹ lại muốn tôi trở thành bác sĩ hơn bởi vì bà ấy nghĩ: “ Con sẽ chẳng kiếm được tiền với cái nghề trang điểm”. Tôi đã dành cả cuộc đời để học làm bác sĩ nhưng vào phút chót, thay vì nộp đơn vào trường y, tôi lại quyết định chọn một trường nghệ thuật. Và mẹ tôi thực sự thất vọng khi nghe tôi thông báo điều đó.

 

Thế nhưng ngôi trường nghệ thuật ấy mới chính là thế giới của tôi và nó đã dẫn bước tôi đến với trang điểm. Trước khi Internet phổ biến như ngày nay, tôi đã tự mày mò học các mẹo trang điểm từ những trang sách của Kevyn Aucoin, Laura Mercier hay Bobbi Brown. Tôi không có tiền, vì vậy tôi thường đến hiệu sách Barnes & Noble để “đọc cọp”, và đó là nơi tôi tìm thấy những bản hướng dẫn làm đẹp trước khi có YouTube. Tôi đã từng rất yêu thích cái cách Kevyn Aucoin biến Martha Stewart thành một người khác như thế nào. Sau đó, khi YouTube xuất hiện, tôi đã vận dụng mọi thứ để có thể trở thành một Michelle Phan như hôm nay.

 

Trở thành một “video girl”

 

Tôi đã tải video YouTube đầu tiên của mình lên cho vui, nhưng thực ra cũng có một chút chiến lược đằng sau đó. Tôi cho rằng nếu mình có thể xây dựng sức ảnh hưởng và có những người theo dõi, có thể tôi sẽ nhận được cơ hội phỏng vấn và ai đó sẽ thuê tôi chăng. Chính vì thế, tôi đã xem nó như một lợi thế cạnh tranh trong nghề trang điểm, nhưng tôi thật sự không thể ngờ mọi thứ lại thành công như thế này. Nếu tôi đã nghĩ trước tới chuyện đó, có lẽ tôi đã sớm thay đổi nhiều thứ vì bản thân tôi cũng mắc khá nhiều sai lầm trong giai đoạn đầu. Tất cả mọi thứ đều là tình cờ và tôi phải vừa học vừa làm trong suốt quá trình khởi nghiệp.

 

Michelle Phan và các mẫu thiết kế mới cho Em Cosmetics. Ảnh: Instagram.

 

Tôi thật sự cảm thấy rất lo lắng, bởi vì mọi thứ rất mau lỗi thời trên Internet. Trước Myspace là Friendster và sau Myspace là tới Facebook. Những nền tảng phương tiện truyền thông xã hội này giống như những hộp đêm vậy. Mỗi nơi chỉ có một thời để “hot”, và sau đó mọi người sẽ chuyển sang những sân chơi khác. Tôi biết rằng mình có không có nhiều thời gian. Tôi không phải người tin vào tuổi tác, nhưng tôi nghĩ rằng: “Đây là thế giới làm đẹp, sẽ không có chỗ đứng cho tôi sau tuổi 25. Tôi sẽ bị thay thế bởi những người trẻ hơn, ‘hot’ hơn và được yêu mến hơn”.

 

Đó là lý do tại sao tôi hối hả hết sức. Tôi nghĩ rằng nếu mình chăm chỉ làm việc khi còn trẻ, về lâu dài mọi thứ sẽ gặt hái nhiều thành quả hơn. Vì vậy, tôi mải mê làm việc. Tôi đã phát triển ipsy cùng lúc với việc xây dựng một dòng sản phẩm mới cho Lancôme, đồng thời vẫn biên tập và upload 2 video mỗi tuần. Toàn bộ cuộc đời tôi chỉ xoay quanh công việc. Tôi không đi ra ngoài hay có bất kỳ mối quan hệ xã hội nào cả. Tôi biết rằng nếu muốn đạt được thành công, tôi sẽ phải hy sinh rất nhiều.

 

Thất bại chưa hẳn là kết thúc

 

Sau sự hợp tác thành công với Lancôme, đến lượt L'Oréal tìm đến tôi và thế là thương hiệu Em Cosmetics ra mắt vào năm 2013. Họ đưa ra lời đề nghị: “Hãy nắm lấy cơ hội và thử đi.” Chúng tôi đã bắt đầu với 200 sản phẩm và tôi đã nắm quyền quyết định khá nhiều màu sắc và ý tưởng (concept), nhưng không được tham gia nhiều về mặt quyết định kinh doanh.

 

Nhìn lại những gì đã qua, tôi thấy mức giá khi ấy là quá cao cho những đối tượng mà tôi hướng nhắm đến, như giới sinh viên hay học sinh trung học. Và rồi chúng tôi chấm dứt dự án đó với kết quả không như mong đợi, nhưng cả hai bên đều học được một điều gì đó từ thất bại này. Xét cho cùng, nếu bạn học được điều gì đó và bạn có thể trưởng thành hơn từ đó, tôi nghĩ đó cũng là một sự thành công.

 

Vào thời điểm đó, khi thương hiệu EM thất bại, tôi thực sự rất buồn. Đó là 3 năm cuộc đời đã trôi qua mà tôi không thể nào lấy lại được. Tôi đã đi rất nhiều nơi, tôi chẳng khi nào có mặt ở nhà, tôi không gặp mặt gia đình mình. Cảm giác thất bại kinh khủng như thế đấy.

 

Michelle Phan lúc ra mắt Em Cosmetics hồi năm 2013. Ảnh: blogspot.com.

 

Khi ấy, có những diễn đàn được lập ra chỉ để chỉ trích Em, và tôi thấy giống như mình đang bị bắt nạt trên mạng vậy. Tôi không cãi lại ai cả, dù lẽ ra tôi đã có thể nói rất nhiều thứ, vì vấn đề với Internet là bạn không thể kỳ vọng có một cuộc tranh luận đường hoàng trên đó và giành được chiến thắng.

 

Có rất nhiều người cố tình hiểu nhầm ý bạn. Với những người đó, bạn đã thua cuộc tranh luận ngay từ đầu và việc cố thuyết phục họ làm ngược lại sẽ chẳng được gì. Thay vì dồn sự chú ý vào những người tiêu cực, tôi để ý tới những người tích cực. Đó là điều mà tôi muốn nói với mọi người: đừng mất công cố thuyết phục những người tiêu cực, bạn không thể làm được chuyện đó bằng lời. Cách tốt nhất để thuyết phục mọi người là bằng hành động. Những lời hoa mỹ có thể làm được vài chuyện, nhưng chỉ có hành động mới làm mọi người phải im lặng.

 

Vào năm 2015, khi ipsy huy động vốn được 100 triệu USD, tôi quyết định mua lại EM Comestics. Tôi muốn tự do. Tôi nghĩ đó là điều quan trọng nhất. Khi bạn có cảm giác tự do, bạn có thể làm được nhiều thứ. Bạn có thể tự mình lèo lái hướng đi của công ty, và đó là cảm giác tôi chưa bao giờ biết đến. Tôi học nghệ thuật đấy chứ, tôi có học kinh doanh gì đâu. Bây giờ nhìn lại, tôi phải thốt lên “Wow, lẽ ra mình đã phải thay đổi nhiều thứ từ đầu”.

 

“Giải độc” mạng xã hội

 

Thời gian biểu 10 năm qua của tôi luôn là quay phim, biên tập, upload và trả lời các bình luận. Công việc ấy không có ngày nghỉ nào, nghe cứ như một bệnh viện vậy. Tôi đâm ra lo lắng bất cứ khi nào nghe thấy điện thoại mình phát ra âm thanh “ding”. Đó là khi tôi nhận ra thế này là không ổn cho mình tí nào. Vì vậy, tôi bắt đầu thử làm những chuyện nhỏ nhặt. Tôi tháo dây sạc khỏi máy laptop, và khi nào máy hết pin thì tôi cũng ngừng làm việc. Tôi bắt đầu nghỉ ngơi và thư giãn. Tôi ngủ hoặc làm những chuyện không liên quan đến việc phải lên mạng.

 

Sau đó, tôi bắt đầu rút lui khỏi thế giới online suốt cả cuối tuần. Và khi điều đó chưa đủ, tôi bắt đầu thấy phải hành động nhiều hơn. Tôi vẫn cảm thấy như mình không thể nào thoát khỏi, thấy buồn và cảm giác như đang bị trầm cảm vậy. Vì vậy, tôi đã lên mạng và làm thử một bài test “Bạn có bị trầm cảm không?”. Trang đầu tiên bảo rằng “Bạn đang bị trầm cảm nghiêm trọng.”. Tôi thử nhiều bài test hơn sau đó và nhận được những kết quả tương tự. Chính điều đó đã làm tôi thức tỉnh. Tôi không muốn trở thành một nữ doanh nhân dành 100% thời gian của mình để làm việc nhanh, nhanh nữa, nhanh mãi trong khi tinh thần thì ngày càng chìm sâu vào khủng hoảng.

 

Michelle Phan trong một chuyến đi chơi ở Việt Nam. Ảnh: Instagram.

 

Tôi nhận ra rằng, tôi kiếm được nhiều tiền với Ipsy, tôi hài lòng với kênh YouTube của mình, tôi đã đạt được mọi thứ tôi muốn. Vậy tại sao tôi cứ thấy cần phải đạt được nhiều thứ hơn nữa? Đó là khi tôi quyết định đóng gói cuộc sống của mình vào một cái va li nhỏ. Tôi thực sự muốn “quẳng gánh lo đi mà sống”. Tôi mua vé một chiều đến Thụy Sĩ ngay cả khi có những hợp đồng vẫn còn ngổn ngang đó. Dù vậy, tôi vẫn quyết tâm đi.

 

Tôi không có kế hoạch nào cả. Tôi vừa đi vừa lên lịch trình cho những nơi tiếp theo. Tôi đã đến Thụy Sĩ, Ai Cập, Amsterdam và Trung Quốc. Cuối cùng, tôi đã có thể nghe thấy những suy nghĩ của mình, và đó là điều làm thay đổi cuộc sống của tôi. Chúng ta đang sống trong thế giới nơi mà chúng ta luôn luôn trong trạng thái kết nối, nhưng chúng ta không dành được thời gian để kết nối lại với chính mình. Trong những chuyến đi, chỉ có tôi, thiên nhiên và những vì sao - không có WiFi hay bất cứ điều gì khác - và điều đó đã khiến tôi thay đổi. Nó neo tôi lại gần với thực tế.

 

Và theo một cách kỳ quặc, tôi thấy thời gian trôi qua chậm hơn, và mọi thứ trở nên đẹp hơn. Tôi ngắm nhìn các ngôi sao và chợt nhận ra “Wow! Chúng ta đang trôi trong lòng không gian kìa, và những lo lắng của tôi thật quá nhỏ bé”. Rất nhiều vấn đề mà chúng ta tự mang lại cho mình, những nỗi lo lắng và stress, là đến từ các tác nhân bên ngoài. Nhưng chúng ta có quyền quyết định để cho chúng ảnh hưởng tới mình hay không. Đó là điều mà tôi phải nhận ra, và chỉ có thể nhận ra bằng cách nhìn lại những gì đã qua. Nhưng làm sao có thể nhìn lại khi bạn luôn luôn bị stress?

 

Trong khi đó, nhiều người lo lắng là có khi tôi đã chết rồi. “Michelle đâu rồi, bạn ổn chứ?” Họ cho rằng có gì đó không ổn đang diễn ra với tôi. Nhưng tôi chỉ cần nghỉ ngơi thôi. Tôi chỉ muốn cho những người theo dõi biết rằng mình cần nghỉ ngơi, không ai có thể như cái máy cứ ở chế độ “ON” mãi được.

 

Rõ ràng, khoảng thời gian 7 tháng đó đã cho tôi rất nhiều sự bình an và giúp tôi tập trung lại sự chú ý của mình. Tôi nhận ra rằng trước đây những mục tiêu và khát vọng của tôi được định hình bởi những người xung quanh mình. Giờ đây, tôi nhận ra mình phải tự kiểm soát và quyết định: “Tôi thực sự muốn gì cho bản thân mình?”

 

Michelle Phan tại sự kiện GenBeauty ở Los Angeles. Ảnh: Instagram.

 

Nhìn về phía trước

 

Khi tôi “gạt bỏ” hết áp lực của sự kỳ vọng và bận rộn, để nhận ra những gì mình muốn cho bản thân, tôi đã thấy tự do hơn rất nhiều. Tôi không tự chôn vùi mình trong quá khứ. Tôi đang tập trung cho ngày hôm nay, cho hiện tại, và đó là lý do tại sao tôi rất vui mừng khi tung ra lại thương hiệu mới của mình.

 

Với tôi, điều quan trọng nhất là kiểm soát quá trình đổi mới mà tôi đang tập trung vào. Mặc dù chúng tôi đang tung ra những sản phẩm không phải là quá đột phá như là kem dưỡng môi và chì kẻ mắt, nhưng tôi vẫn có thể áp dụng kiến ​​thức nghệ thuật của mình để sáng tạo. Những cây eyeliner được lấy cảm hứng từ những cây bút tôi dùng để vẽ truyện tranh. Và màu sắc của chúng cũng là những màu có thực trên bảng màu nước. Linh hồn của tôi nằm ở trong đó và đó là điều mà tôi thực sự đầu tư vào. Công ty này thực sự là của tôi.

 

Và lần này, thất bại không còn làm tôi run sợ nữa. Tôi giống như Jon Snow vậy: Tôi không sợ chết lần nữa.

 

Ý Nhi
* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư