Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia, hôm nay (20/11), tại Thủ đô Phnom Penh đã diễn ra Diễn đàn thương mại và đầu tư Việt Nam - Campuchia 2017. Diễn đàn do Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại sứ quán Việt Nam tổ chức với sự tham dự của khoảng 300 đại biểu các bộ ngành và doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia.
Phát biểu tại diễn đàn, Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Thương mại Campuchia, ông Ho Sivyong khẳng định, Campuchia vẫn tiếp tục duy trì chính sách đầu tư mở cửa, cho phép doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, không phân biệt quốc tịch, không hạn chế giao dịch ngoại tệ, kiểm soát vốn và kiểm soát giá của sản phẩm dịch vụ; có chính sách ưu đãi thuế.
Bộ Thương mại Campuchia đã có nhiều cải cách sâu rộng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động đầu tư kinh doanh tại Campuchia, trong đó có việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức của bộ; tự động hóa việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, đăng ký công ty và đăng ký thương hiệu.
Về những khó khăn và vướng mắc của các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư vào Campuchia, ông Suon Sophal, Vụ trưởng Vụ Quan hệ công chúng và xúc tiến đầu tư khu vực tư nhân thuộc Hội đồng Phát triển Campuchia (CDP) cho biết, các cơ quan quản lý hai nước cần tìm hiểu những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư sản xuất tại Campuchia.
“Các doanh nghiệp Việt Nam đã phản ánh những khó khăn khi đầu tư vào Campuchia trong thời gian qua. Những vướng mắc này sẽ được Hội đồng đưa ra bàn để có biện pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất”, ông Suon Sophal nêu rõ.
Tại diễn đàn, đại diện các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp hai nước đã trao đổi thông tin, tình hình và kiến nghị liên quan tới lĩnh vực đầu tư của hai nước. Về cơ chế chính sách, các đại biểu kiến nghị các cơ quan quản lý hai nước thường xuyên cung cấp thông tin về việc cấp giấy chứng nhận đầu tư để tiện cho việc rà soát đối chiếu, theo dõi quản lý sau cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Hai bên cần duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa doanh nghiệp Việt Nam với đại diện các cơ quan Chính phủ hai nước; đề nghị Chính phủ Campuchia tăng cường cải cách các thủ tục hành chính liên quan đầu tư, kinh doanh theo hướng đơn giản, đồng bộ, công khai, minh bạch và thống nhất trên phạm vi cả nước Campuchia.
Về một số biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương, đại diện các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ Campuchia xác định rõ ràng các ngành, các lĩnh vực, địa bàn, danh mục các dự án trọng điểm, ưu tiên thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Việt Nam; thúc đẩy thương mại biên giới.
Campuchia cũng cần có chính sách khuyến khích người lao động tham gia và gắn bó lâu dài với các dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Campuchia; thường xuyên tổ chức các hội chợ nhằm quảng bá các sản phẩm của doanh nghiệp hai nước; áp dụng phí thị thực phù hợp với các đối tượng lao động; đảm bảo an toàn các tài sản hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam…
Ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho rằng, những vấn đề vướng mắc liên quan đến nguồn nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực,… rất cần Chính phủ và các Bộ ngành Campuchia quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài nói chung trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam để đảm bảo các dự án có đủ nguồn nhân lực để tổ chức triển khai thực hiện.
Tính đến nay, Việt Nam có 196 dự án đầu tư sang Campuchia với tổng vốn đầu tư 2,9 tỷ USD. Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong số các nước đầu tư vào Campuchia. Các dự án của Việt Nam đã có mặt tại 18 trên 25 tỉnh thành Campuchia và có mặt ở hầu hết các lĩnh vực, trong đó nông nghiệp chiếm 70% tổng vốn đăng ký.
Nhiều dự án đầu tư của Việt Nam tại Campuchia đã có thương hiệu mạnh như hãng viễn thông Metfone của Viettel, công ty bảo hiểm Campuchia - Việt Nam (CVI), nhiều hàng nông sản của Campuchia xuất sang các thị trường châu Âu, Nhật Bản…do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư.
Về phía Campuchia, hiện Campuchia có 18 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 58 triệu USD. Campuchia đứng thứ 51 trong tổng số 116 quốc gia đầu tư vào Việt Nam./.
Theo vov.vn