Nhà sáng lập Oppo, Vivo tiết lộ cách “trèo lên đầu” Apple tại Trung Quốc

Nhà sáng lập Oppo, Vivo tiết lộ cách “trèo lên đầu” Apple tại Trung Quốc

20/03/2017 1647
Vài năm trước, Tim Cook có lẽ không biết đến Duan Yongping là ai. Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi, đây chính là cái tên CEO Apple phải dè chừng.

Ông Duan Yongping là tỷ phú sáng lập Oppo và Vivo, hai thương hiệu smartphone “song sinh” làm khuynh đảo Apple tại Trung Quốc năm 2016. Từng bị xem là bản sao iPhone, họ từng bước thăng hạng và cuối cùng xếp trên cả “táo khuyết” về bảng xếp hạng doanh số di động tại quê nhà.

 

Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên sau 10 năm của mình, ông Duan cho biết họ làm được điều này nhờ Apple không thích ứng được với tình hình cạnh tranh ở địa phương. Oppo và Vivo triển khai các phương pháp mà Apple không làm được, chẳng hạn thiết bị giá rẻ, cấu hình cao cấp vì lo rằng có thể gây họa ở nơi khác.

 

“Apple không thể đánh bại chúng tôi tại Trung Quốc vì ngay cả họ cũng có khiếm khuyết”, doanh nhân 56 tuổi nói. “Họ đôi khi khá bướng bỉnh. Họ làm ra nhiều thứ tuyệt vời như hệ điều hành chẳng hạn nhưng chúng tôi lại vượt qua họ ở các lĩnh vực khác”.

 

Dù vậy, không phải ông Duan không đánh giá cao nhà sản xuất iPhone. Thực tế, sự ám ảnh của tỷ phú Trung Quốc với đối thủ Mỹ giống như một tôn giáo: ông là nhà đầu tư lâu năm vào Apple và không hề phê bình người đứng đầu công ty. “Tôi đã gặp Tim Cook vài lần. Có thể ông ấy không biết tôi nhưng chúng tôi cũng đã nói chuyện. Tôi rất thích ông ấy”.

 

Apple không xác nhận được thông tin mà ông Duan đưa ra khi Bloomberg liên hệ. Song, ông Duan đã viết blog về các sản phẩm, cổ phiếu và hoạt động của Apple từ năm 2013, khi công ty mới bằng nửa giá trị so với bây giờ. Năm 2015, ông tranh luận lợi nhuận Apple có thể chạm mốc 100 tỷ USD trong vòng 5 năm. Tài sản của ông vẫn gắn liền với nhà sản xuất iPhone. Thậm chí ông còn sống tại Palo Alto, một nơi cách không xa trụ sở phi thuyền mới của hãng.

 

“Apple là một công ty xuất chúng. Đây là mô hình chúng tôi nên học hỏi. Chúng tôi không có ý định vượt qua bất cứ ai, trọng tâm chỉ là hoàn thiện bản thân”.

 

Ông Duan trong bữa ăn với tỷ phú Warrent Buffett

Ông Duan được báo chí địa phương phong là “Warren Buffett Trung Quốc”. Sinh tại tỉnh Giang Tây, ông bắt đầu sự nghiệp tại một nhà máy quốc doanh trước khi làm nên tên tuổi với các thiết bị điện tử.

 

Ông rời nhà máy năm 1990 khi Trung Quốc bắt đầu theo đuổi chủ nghĩa tư bản và mở cửa các ngành công nghiệp cho đầu tư tư nhân. Ông đến tỉnh Quảng Đông để điều hành một nhà máy điện tử trong giai đoạn khó khăn. Sản phẩm đầu tiên là máy chơi game “Subor” với hai khe cắm thẻ, cạnh tranh trực tiếp với “Family Computer” Nintendo. Thiết bị ngay lập tức gây sốt do không vấp phải đối thủ nào. Duan thậm chí còn mời ngôi sao Thành Long làm người đại diện cho Subor. Năm 1995, doanh thu từ Subor vượt mốc 1 tỷ nhân dân tệ.

 

Cũng trong năm này, ông lại ra đi thành lập doanh nghiệp mới khi công ty làm ăn thịnh vượng – phong cách ông lặp lại những năm sau này. Doanh nghiệp thứ hai là Bubugao BBK (tiến lên từng bước), nổi tiếng với dòng máy chơi nhạc MP3 và đầu VCD, sau đó sản xuất đầu chơi DVD cho các thương hiệu toàn cầu. Công ty con Bubugao Communication Equipment trở thành một trong các nhà sản xuất điện thoại phổ thông lớn nhất Trung Quốc khoảng năm 2000, đối đầu với Nokia và Motorola.

 

Mẫu iPhone đầu tiên năm 2007 đã mở đường cho Oppo và Vivo. Dù có chung một “cha đẻ” là ông Duan, hai thương hiệu cùng nhà lại cạnh tranh rất gay gắt với hai chiến dịch tiếp thị tay đôi tại các thị trường từ Ấn Độ đến Đông Nam Á. Triết lý bán hàng của họ phù hợp với các thị trường đang phát triển, theo Giám đốc nghiên cứu IDC Kiranjeet Kaur.

 

“Hai công ty hiểu trọn cách khai tác tối đa nhân lực, một điểm đặc biệt mà họ thừa hưởng từ ông Duan”, Nicole Peng, Giám đốc cao cấp Canalys đánh giá. Quan trọng hơn, họ hiểu được khán giả trẻ. “Nhiều giám đốc của họ còn trẻ và làm việc tại đây từ khi mới tốt nghiệp”.

 

Nỗ lực mới nhất của ông Duan nằm tại sân sau của Apple. Năm 2001, khi 40 tuổi, ông quyết định chuyển đến California (Mỹ) để tập trung vào đầu tư và từ thiện, sau đó đưa cả gia đình đến sống tại một biệt thự mua lại từ Chủ tịch Cisco John Chambers. Tuy nhiên, doanh nhân này chưa thể nghỉ ngơi.

 

Nửa sau những năm 2000, BKK trên bờ vực thất bại khi doanh số thiết bị cơ bản chậm lại. Những hãng như Huawei, Coolpad đang làm ra smartphone có giá khoảng 1.000 nhân dân tệ, đẩy BKK xuống chiếu dưới.

 

“Chúng tôi bàn bạc nghiêm túc về cách đóng cửa công ty một cách hòa bình để nhân viên có thể nghỉ việc mà không bị ảnh hưởng và nhà cung ứng không mất tiền”, ông Duan hồi tưởng.

 

Chính những phiên “động não” căng thẳng đã sản sinh ra hai doanh nghiệp thành công lớn nhất của ông Duan. Năm 2005, ông cùng nhà bảo trợ Tony Chen quyết định mở công ty mới. Có tên Oppo, họ bán máy nghe nhạc nhưng chuyển sang smartphone năm 2011. Năm 2009, BBK tự mở Vivo, đứng đầu bởi một “môn đệ” khác của ông Duan là Shen Wei.

 

Vivo mời các ngôi sao nổi tiếng làm đại sứ thương hiệu

Ban đầu, không thương hiệu nào gây được nhiều chú ý. iPhone vẫn đang thu hút khách hàng nhờ hệ điều hành cách mạng và giao diện tinh tế, trong khi BlackBerry là vua của giới doanh nhân. Song, Oppo và Vivo phát triển cách tiếp cận đậm tính thương mại, dựa vào các ngôi sao bản địa và mạng lưới bán lẻ rộng khắp. Họ tạo ra hình ảnh bình dân, thu hút đám đông người trẻ rồi đưa cấu hình cao vào trong thiết bị. Oppo và Vivo hơn iPhone ở một số điểm như sạc nhanh, bộ nhớ và pin.

 

Nỗ lực được đền đáp khi hai công ty xuất xưởng hơn 147 triệu smartphone tại Trung Quốc năm 2016, đứng trên Huawei (76,6 triệu), Apple (44,9 triệu) và Xiaomi (41,5 triệu), theo số liệu của IDC. Trong quý IV/2016, Oppo và Vivo lần lượt đứng thứ 1 và 3, Huawei xếp thứ 2. Họ đặc biệt thành công tại các thành phố có thu nhập thấp hơn, khi các điện thoại tầm trung trở nên phổ biến.

 

Smartphone của ông Duan cũng trên đà phát triển ngoài quê nhà. Quý cuối năm ngoái, Oppo và Vivo đứng hạng 4 và 5 trên thế giới. Khoảng 1/4 thiết bị Oppo xuất sang các thị trường như Ấn Độ, nơi họ hi vọng có thể xâm nhập trước khi Apple có được sự hiện diện đúng nghĩa.

 

“Smartphone là một cơ hội chưa có tiền lệ. Chúng tôi dự đoán ít nhất trong 10 đến 20 năm nữa, chưa gì có thể thay thế nó. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không chắc”, ông Duan nói.

 

Cuối tuần qua, CEO Tim Cook của Apple cho biết Apple chưa đặt mục tiêu cụ thể về thị phần. “Cạnh tranh ngày càng khốc liệt tại Trung Quốc, không chỉ trong ngành này mà còn nhiều ngành khác. Tôi cho rằng nên khen ngợi một số công ty địa phương đã dồn năng lượng vào việc sản xuất các sản phẩm tốt”, người đứng đầu Apple phát biểu tại Diễn đàn phát triển Trung Quốc.

 

Duan đang dần rời xa khỏi các công ty mình gây dựng bất chấp bản thân vẫn là cổ đông lớn. Ông nói muốn đứng ngoài hào quang và tận hưởng California cùng người vợ là một nhà báo và những đứa trẻ. Ông vẫn tham dự các cuộc họp ban quản trị nhưng phần lớn nhận thông tin từ Oppo và Vivo qua Internet để tránh “làm phiền họ”.

 

Các đối thủ của ông không hề nhân nhượng. Tháng 10/2016, đồng sáng lập Lei Jun của Xiaomi chỉ trích những hãng xây dựng mạng lưới cửa hàng dầy đặc tại nông thôn để theo đuổi doanh số. Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí China Entrepreneurs Magazine, Lei tố cáo họ dùng “thông tin không công bằng” để lừa người mua tránh xa Xiaomi. Tuy nhiên, trước điều này, ông Duan cho rằng “những người nói như thế thật điên rồ. Khi ai đó nói về thông tin mất cân bằng, họ đang tin rằng khách hàng là kẻ ngu”.

 

Đam mê rõ ràng nhất của ông Duan vào lúc này là đầu tư chứng khoán, đó là lý do vì sao ông đồng ý chi 620.100 USD năm 2006 chỉ để ăn trưa với tỷ phú Buffett.

 

Ông củng cố uy tín như một nhà đầu tư hiểu biết sau khi kéo bạn của mình, nhà sáng lập Netease William Ding ra khỏi hố. Cổ phiếu công ty Internet của Ding giảm còn 13 cent sau khi bong bóng dotcom nổ và suýt trở thành công ty Trung Quốc đầu tiên bị sàn chứng khoán Mỹ Nasdaq loại bỏ vì vấn đề kiểm toán. Duan đã giúp bạn mình khi mua 5% cổ phần Netease với giá chỉ 2 triệu USD năm 2002, khi giá cổ phiếu trung bình là 16 cent. Hồ sơ công ty cho thấy ông vẫn đang năm trong tay hơn 4 triệu cổ phiếu vào tháng 3/2009 nhưng Duan nói đã bán gần hết khi Netease đạt mốc 40 USD.

 

Từ một doanh nhân đến một tay chơi chứng khoán, những khoảnh khắc tự hào nhất của ông Duan vẫn là với BBK. Dù khẳng định đang giữ khoảng cách với công ty, ông thừa nhận lo lắng về người kế nhiệm và văn hóa công ty có thể giữ được với thế hệ lãnh đạo tiếp theo hay không.

 

Dù Vivo của BKK và Oppo của ông Duan đang làm ăn thuận lợi, không có gì chắc chắn trong ngành này. Cả hai đang nỗ lực vào mọi thứ, từ tính năng điện thoại đến các chiến dịch tiếp thị: Oppo vừa giới thiệu công nghệ camera tiên tiến tại MWC 2017, báo hiệu giai đoạn trưởng thành mới.

 

Một điều chắc chắn là ông Duan không quay lại làm người lãnh đạo mà để cho những người khác xử lý thách thức mới. “Nhiều năm trước tôi đã nói rõ mình không bao giờ quay trở lại. Nếu có vấn đề gì đó họ không giải quyết được, tôi cũng vậy”.

 

Theo http://ictnews.vn