Lo mất thương hiệu quốc gia?

Lo mất thương hiệu quốc gia?

19/12/2017 1428
Không tính đến các thương vụ mua bán tư nhân, chỉ riêng việc cổ phần hóa, bán vốn nhà nước ở những "con gà đẻ trứng vàng" như Sabeco, Habeco, Vinamilk… sẽ đem về hàng tỉ USD cho nền kinh tế.

Bên cạnh câu chuyện làm thế nào để bán được giá vốn nhà nước, không để rơi vào tay các nhóm lợi ích thì chuyện quyết bán hay quyết giữ thương hiệu Việt cho người Việt cũng gây nhiều tranh cãi. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo không phân biệt nhà đầu tư trong hay ngoài nước khi bán vốn nhà nước ở các doanh nghiệp (DN), đồng thời có biện pháp giữ lại thương hiệu Việt.

 

Theo Cục Tài chính DN - Bộ Tài chính, nhà nước hoàn toàn có thể sử dụng các rào cản thương mại để giữ thương hiệu Việt. Thế nhưng, ở góc nhìn của các chuyên gia, câu chuyện thương hiệu Việt trong giai đoạn hiện tại mang một ý nghĩa khác. Sẽ là mâu thuẫn lớn không giải quyết được nếu cứ giằng co giữa 2 mục tiêu: vừa bán được giá vừa giữ được thương hiệu Việt. Ở đây đòi hỏi sự đánh đổi: Nếu nhà nước muốn xây dựng một công ty có thương hiệu quốc gia thì phải giữ tỉ lệ khống chế, chỉ có thể bán 49% cổ phần, còn nếu đã bán trên 49% thì phải hy sinh quyền kiểm soát.

 

Sabeco, Vinamilk, Vissan…, những thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam đang nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư ngoại Ảnh: TẤN THẠNHSabeco, Vinamilk, Vissan…, những thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam đang nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư ngoại Ảnh: TẤN THẠNH
 

Theo các chuyên gia kinh tế, tư duy về giữ thương hiệu chủ yếu tồn tại ở các nước châu Á và đã lỗi thời. Không nên quá đặt nặng vấn đề giữ thương hiệu Việt cho người Việt mà quan trọng là hiệu quả kinh tế và đóng góp gì cho sự phát triển của DN và cả nền kinh tế. Về bản chất, quan niệm chung trên thế giới cho rằng DN là tài sản để kinh doanh, kiếm lời. Vì vậy, nên nhìn đúng bản chất của thị trường. 

 

Việc DN nước ngoài thâu tóm DN nội là bình thường, quan trọng là làm sao để người tiêu dùng hưởng lợi nhiều nhất. Nên bỏ tư duy bán đi là mất hoặc thâu tóm sẽ giành thế độc quyền bởi nếu có môi trường tốt thì sẽ xuất hiện nhiều công ty cạnh tranh và tạo nên nền kinh tế thị trường đa dạng.

 

Cũng nhìn nhận không nên suy nghĩ nhỏ hẹp trong phạm vi đất nước Việt Nam, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho biết kinh tế toàn cầu không đặt vấn đề thương hiệu quốc gia nữa mà là thương hiệu quốc gia ở tầm quốc tế. Ngay cả chiến lược thương hiệu quốc gia lấy tiêu chí chọn sản phẩm để đưa vào thương hiệu quốc gia cũng còn thiếu một tiêu chí, đó phải là thương hiệu có tầm đi ra thế giới.

 

 

Theo ông Võ Văn Quang, trường hợp DN Thái làm chủ hoàn toàn một DN Việt thì thương hiệu đó vẫn là thương hiệu Việt, cơ chế tài chính vẫn giữ và đa cổ đông, thị trường tiêu thụ chính vẫn là Việt Nam. Thương hiệu có sức sống riêng, việc giữ hay xóa bỏ một thương hiệu sau mua bán sáp nhập không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chủ DN mà căn cứ vào phản ứng của người tiêu dùng, người tiêu dùng còn ưa chuộng thì sẽ còn sống. 

 

“Lấy ví dụ về thương hiệu bia Sài Gòn, nếu nhà đầu tư Thái mua được Sabeco, xóa nhãn bia Sài Gòn thì chắc chắn sẽ có DN khác nhảy vào "xí" ngay. Nói cách khác, bia Sài Gòn còn gắn với tâm thức của người tiêu dùng, kể được những câu chuyện liên quan đến họ thì sẽ không bao giờ chết" - ông Võ Văn Quang nói.

 

Chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng những công ty nhà nước đang và sẽ cổ phần hóa chưa phải là công ty có thương hiệu quốc gia mà chỉ mới nổi tiếng trong lãnh thổ Việt Nam, chưa xây dựng được thương hiệu ra bên ngoài. 

 

Ngay cả Vinamilk là một công ty lớn tại thị trường Việt Nam nhưng vẫn khó trở thành thương hiệu quốc gia bởi tiêu chí thương hiệu quốc gia là phải đi ra cạnh tranh trực tiếp với những công ty sữa khác trên thị trường quốc tế; nếu chỉ bán quanh quẩn trong thị trường nội địa thì có bán bao nhiêu cũng vẫn là thương hiệu nội địa.

 

Hy vọng sau khi thoái vốn, với sự trợ giúp lớn hơn về vốn, công nghệ, quản trị, chiến lược từ những nhà đầu tư ngoại, Vinamilk sẽ vươn ra đấu trường quốc tế mạnh mẽ hơn.

 

 

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu nhà đầu tư nước ngoài làm chủ thị trường? Một kịch bản có hậu là những DN tư nhân Việt Nam đang mạnh lên, đang chạm tới đẳng cấp toàn cầu như Thaco Trường Hải, Vingroup, Masan… sẽ đứng ra "đấu" với DN nước ngoài. Nhà nước phải tạo điều kiện cho những DN tư nhân có tiềm lực tham gia vào quá trình cổ phần hóa các DN nhà nước, kèm theo đó là những ưu đãi không vi phạm luật pháp quốc tế. Kịch bản thứ hai là hài hòa giữa nhà nước và tư nhân, nhà nước đóng vai trò bước đệm.

 

TS NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính:

 

Nâng năng lực quản lý nhà nước

 

Việt Nam mở cửa kêu gọi đầu tư nước ngoài thì phải chấp nhận cuộc chơi, ngoại trừ những thương hiệu liên quan đến an ninh quốc gia, quốc phòng và phát triển xã hội thì chúng ta giữ cổ phần cho nhà đầu tư nội địa, còn những ngành nghề khác thì phải mở cửa. Nhà đầu tư ngoại nắm cổ phần khống chế thì có thể thay đổi DN nhưng dù sao đó cũng là những DN đang hoạt động tại Việt Nam, chịu sự quy định của luật pháp Việt Nam và nhà nước có thể kiểm soát họ được. Nếu xây dựng được khung pháp lý chặt chẽ thì không sợ họ thao túng hay gây tổn thất, bất lợi cho nền kinh tế.

 

Ngược lại, khi cho nhà đầu tư giới hạn rộng, họ sẽ đưa công nghệ, quản trị, nguồn nhân lực cao cấp vào theo quá trình đầu tư và chúng ta sẽ học hỏi được nhiều từ đó. Sau cùng, với sự tham gia cạnh tranh của những DN, tập đoàn lớn nước ngoài, người tiêu dùng Việt Nam được lợi cả trong ngắn và dài hạn. Nền kinh tế cũng được lợi. Trung Quốc đã mở cửa mạnh mẽ cho các nhà đầu tư nước ngoài từ 20 năm trước, đến nay nền kinh tế Trung Quốc trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới mà chính phủ Trung Quốc cũng không mất sự kiểm soát của họ.

 

Tuy nhiên, nếu trình độ quản lý vẫn ì ạch không theo kịp tốc độ phát triển hội nhập, để cho nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội khuynh đảo một số lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thì cũng rất đáng lo ngại. Nhưng không thể vì vậy đi ngược chiều phát triển chung mà bằng mọi cách phải nâng mình lên, tăng khả năng quản lý nhà nước lên. Việt Nam đã đi qua giai đoạn quá cần đầu tư nước ngoài để phát triển, bây giờ đến thời điểm mình phải chọn mặt gửi vàng khi cho phép nhà đầu tư đầu tư vào Việt Nam.

 

TS LÊ ĐĂNG DOANH, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương:

 

Không nên tập trung vào một nhà đầu tư chiến lược

 

Theo tôi, chỉ cần đặt vấn đề xây dựng và giữ thương hiệu quốc gia đối với một số thương hiệu nhất định trong những lĩnh vực quan trọng. Với thương hiệu bia - cụ thể là Sabeco - thì không cần quá đặt nặng vấn đề giữ hay không giữ. Tuy nhiên, nhà nước nên có chính sách mời 2-3 nhà đầu tư chiến lược tham gia vào các DN nhà nước cổ phần hóa để họ kiểm soát lẫn nhau, còn tập trung chỉ một nhà đầu tư chính để rồi họ áp đảo tất cả nhà đầu tư khác, biến DN trở thành công ty riêng của họ (ví dụ Sabeco trở thành công ty của Thái Lan). Đó là điều chúng ta không mong muốn.

 

Mua bán sáp nhập là xu hướng tất yếu của thị trường kinh tế mở, thuận mua vừa bán là điều hết sức bình thường nhưng đối với nhà đầu tư nước ngoài cần có chính sách để cân bằng các thế lực, không để cho một nhà đầu tư nước ngoài chiếm quá nhiều cổ phần. Rất nhiều nước trên thế giới đã trả giá cho những bài học này, chúng ta có thể nhìn vào những kinh nghiệm này chứ không nhất thiết phải "ngây thơ" trả giá như vậy đối với các nhà đầu tư Thái Lan. Nếu thực sự muốn, chúng ta hoàn toàn có thể thương lượng với nhiều nhà đầu tư và hạn chế tỉ lệ cổ phần sở hữu của từng nhà đầu tư.

 

Ông NGUYỄN ĐỨC THANH, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam:

 

Tránh để bị nuốt trọn thương hiệu

 

Làm nên một thương hiệu đã khó, còn thương hiệu nổi tiếng càng khó gấp bội. Phải trân trọng, vì đó không chỉ là thương hiệu của DN mà còn là thương hiệu quốc gia nên cần phải giữ gìn và phát huy bằng mọi giá. Tuy nhiên, nếu DN thật sự không đủ lực để phát triển thì cũng nên tiếp nhận nguồn vốn ngoại để đem lại hiệu quả tích cực hơn. Khi có được vốn ngoại đầu tư đồng nghĩa với việc có công nghệ tốt, có cả quản trị tốt. Không nên giữ khư khư thương hiệu khi DN không thể phát triển, thậm chí thụt lùi cũng như có nguy cơ phá sản trong tương lai gần. Tuy vậy, tiếp nhận nguồn vốn ngoại nhưng không nên để đối tác chi phối sẽ dẫn đến vết xe đổ của những thương hiệu nổi tiếng trước đây phải bị xóa tên khi để DN nước ngoài thao túng.

 

Th.Nhân - Ng.Hải ghi

 

Theo cafef.vn