Instagram đang giết chết các cửa hàng thời trang?

Instagram đang giết chết các cửa hàng thời trang?

05/05/2017 2369
Đối với những người thuộc Thế hệ Z, Instagram là phương pháp cốt lõi để xây dựng thương hiệu, thu hút người theo dõi và tạo ra doanh thu.

Một ngày chủ nhật tháng 11/2015, Alexandre Daillance, vốn là nhà thiết kế thời trang nổi tiếng với biệt danh Millinsky, tỉnh dậy trong ký túc xá đại học Wesleyan. Sau đó, chàng trai Paris 18 tuổi này đã làm những điều mà bất kỳ thanh niên khác đều làm vào buổi sáng: kiểm tra điện thoại.

 

Millinsky nhận ra anh có hàng chục thông báo trên mạng xã hội Instagram vào buổi sáng hôm đó, tất cả đều "tag" (đánh dấu) anh vào một bức ảnh của nữ ca sĩ Rihanna.

 

Trong bức ảnh, Rihanna đang đội một trong những chiếc mũ do Millinsky thiết kế - một chiếc mũ đơn giản với dòng chữ "I came to break hearts" (Tạm dịch: Tôi đến để làm tan nát con tim).

 

Chỉ trong vài ngày sau đó, Millinsky đã bán được hơn 500 chiếc mũ như vậy. "Nhiều người đặt mua đến nỗi chúng tôi phải tạm đóng cửa website", Millinsky nhớ lại.

 

 

Ca sĩ Rihanna trong chiếc mũ của Millinsky. Nguồn: Nasaseasons / Bloomberg.

 

Chẳng mấy chốt, nhiều nghệ sĩ khác như nam ca sĩ Wiz Khalifa và ngôi sao biểu tượng của giới trẻ Zendaya cũng mặc những thiết kế của Millinsky, khiến nhà thiết kế trẻ tuổi này liên tục bị "cháy hàng".

 

Millinsky chỉ là một trong số hàng trăm nhà thiết kế trẻ dùng Instagram làm nền tảng cho công việc kinh doanh của họ. Đối với những người thuộc Thế hệ Z, vốn sinh ra với điện thoại trong tay và xem mạng xã hội là thứ tối quan trọng như không khí để thở, Instagram là phương pháp cốt lõi để xây dựng thương hiệu, thu hút người theo dõi và tạo ra doanh thu.

 

Millinsky thiết kế chiếc mũ đầu tiên của anh vào năm 2015 và bắt đầu giới thiệu nó trên Instagram. Ở Los Angeles, một thiếu niên khác là George Khabbaz thích những mẫu thiết kế đó và đã gửi tin nhắn trực tiếp tới Millinsky.

 

Khabbaz là người thường xuyên đến các cửa hàng thời trang tại LA từ nhỏ và khá thân thiết với một vài chủ cửa hàng. Anh đề nghị được kết nối Millinsky với các nhà sản xuất ở Seattle và dệt may ở Los Angeles. Mặc dù lúc đó Khabbaz chỉ mới 18 tuổi, và chưa đủ tuổi để ký vào giấy tờ đề nghị hợp pháp, Millinsky đã chọn chàng trai này làm nhà thầu.

 

 

Wiz Khalifa trong chiếc mũ của Millinsky. Nguồn: Nasaseasons / Bloomberg.

 

Với 1.000 euro (1.085 USD) mà Millinsky kiếm được nhờ bán các sản phẩm mang thương hiệu của anh tại các sự kiện hip-hop ở Paris, thương hiệu Nasaseasons đã ra đời. "Tôi đã không biết ngành thời trang vận hành thế nào, nhưng tôi hiểu mạng xã hội. Là một nhà thiết kế trẻ tuổi, đó là tất cả những gì tôi cần", Millinsky nói.

 

Trong một năm rưỡi sau đó, thương hiệu của Millinsky đã nhanh chóng lớn mạnh. Thương hiệu này đang có mặt tại hàng loạt chuỗi bán lẻ toàn cầu, bao gồm cửa hàng quần áo cao cấp Colette ở Paris, FourTwoFour ở Los Angeles, Barneys ở New York và Harvey Nichols ở London, với giá 50-70 USD tùy vào mẫu thiết kế.

 

Chiến lược của Millinsky là sử dụng các cửa hàng bán lẻ để tạo cảm giác khan hiếm, nhờ đó giúp nâng cao thương hiệu, hơn là dựa vào chúng để ổn định tài chính. "Chúng tôi đảm bảo sản phẩm của chúng tôi tại các cửa hàng bán lẻ bán hết thật nhanh, từ đó tạo ra sự khan hiếm có. Và sau đó, hàng loạt khách hàng trực tiếp tìm đến website của chúng tôi mà không cần phải qua trung gian", anh nói.

 

 

Millinsky. Nguồn: Nasaseasons / Bloomberg.

 

Với chi phí thấp, mạng xã hội đang mang lại thành công cho nhiều nhà thiết kế trẻ khác. Hai anh em sinh đôi Chet và Betts DeHart bắt đầu sự nghiệp của họ 6 năm trước với Lucid FC. Lúc đó họ mới chỉ 14 tuổi. Giống như Millinsky, các thiết kế của họ được biết đến nhờ Rihanna, nhờ đó doanh thu bán hàng cũng bùng nổ.

 

Midnight Studios của Shane Gonzales cũng bắt đầu được thành lập trên Instagram vào năm 2014 khi anh mới 19 tuổi. Hiện thương hiệu này đã có gần 92.000 lượt theo dõi. "Khách hàng cần được thấy rằng chắc chắn những sản phẩm này sẽ trông rất tuyệt vời với những người như họ để có được lòng tin vào sản phẩm mua trên mạng", anh nói. Thành công của Gonzales đã giúp anh thu hút thêm nhiều cộng tác viên, chẳng hạn như nhà thiết kế Virgil Abloh, người sở hữu thương hiệu Off-White. Abloh là nhà thiết kế yêu thích của Kim Kardashian, nam ca sĩ Kanye West và A$AP Rocky.

 

Instagram tiếp tục là nền tảng kinh doanh của Millinsky. Một thời gian ngắn sau khi nổi danh bởi Rihanna năm 2015, chuỗi cửa hàng Urban Outfitters đã đưa ra một đề nghị. Hãng này muốn đặt mua 10.000 chiếc mũ của Millinsky, cao hơn gấp 10 lần số lượng mà Millinsky có thể sản xuất được vào thời điểm đó. Nhưng anh đã bỏ qua lời đề nghị này.

 

"Nó sẽ giết chết hình ảnh 'underground' (ít người biết) của thương hiệu này", Millinsky nói. Tới tháng Chín vừa rồi, Urban một lần nữa lặp lại đề xuất. "Tôi nói với họ câu trả lời dứt khoát của tôi, đơn giản là không", anh nói.

 

An Phong / Bloomberg
* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư