Hàng thủ công mỹ nghệ Nhiều thương hiệu mất tên khi xuất ngoại

Hàng thủ công mỹ nghệ Nhiều thương hiệu mất tên khi xuất ngoại

21/11/2017 1211
Kinhtedothi - Mặc dù Việt Nam có thế mạnh về hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) song các sản phẩm này vẫn chưa tạo được thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Thương hiệu vẫn là điểm yếu

 

Thời gian qua, 90% hàng TCMN Việt Nam vào thị trường thế giới thông qua các trung gian dưới dạng sản phẩm thô, hay gia công cho những thương hiệu nước ngoài. Nguyên nhân là do các cơ sở sản xuất hàng TCMN trong nước không đầu tư vào việc thiết kế mẫu mã sản phẩm, cơ sở này có thể "ăn cắp" mẫu mã của cơ sở khác để sản xuất.

 

Thông tin từ Hiệp hội Xuất khẩu hàng TCMN Việt Nam, so với các nước trong khu vực, như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia…, hàng TCMN Việt Nam kém cạnh tranh về thiết kế. Bởi 90% sản phẩm TCMN Việt Nam dựa trên thiết kế của khách hàng nước ngoài cung cấp và sử dụng nhãn mác của những đối tác này.

 

Theo Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Đỗ Kim Lang: Nguyên nhân là do nhiều làng nghề chưa nhận thức rõ phần giá trị gia tăng hàng TCMN Việt Nam, năng lực còn yếu nên đành chấp nhận xuất khẩu sản phẩm dưới một cái tên khác hoặc sản xuất theo đơn đặt hàng. Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần phân tích: Vẫn còn quan điểm cho rằng làng nghề có truyền thống lâu đời nên tự khắc sẽ có người biết đến. Trong khi thực tế nếu không đầu tư xây dựng, quảng bá thương hiệu thì “tên tuổi” làng nghề khó vượt qua địa giới hành chính của địa phương, chứ đừng nói đến ra ngoài biên giới quốc gia.

 

Phải có chiến lược xây dựng thương hiệu

 

Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Tôn Gia Hóa chia sẻ: Xây dựng thương hiệu đã thực sự trở thành một tài sản của cá nhân, DN, thậm chí là của một quốc gia trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay. Để làm được điều đó, trong quá trình xây dựng được thương hiệu, các DN, làng nghề TCMN cần giảm bớt việc sao chép mẫu mã của nước ngoài; chú trọng tới khâu thiết kế, để tạo ra các kiểu dáng, yếu tố mới cho sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng. Người tiêu dùng quốc tế không chỉ thích những sản phẩm mang bản sắc văn hóa Việt Nam, mà còn cần những sản phẩm có dấu ấn văn hóa quê hương họ.

 

Nhằm hỗ trợ DN, làng nghề TCMN xây dựng, phát triển thương hiệu, thời gian qua, TP Hà Nội đã dành kinh phí đáng kể cho hoạt động này. Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội Hoàng Xuân Thủy cho biết: UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai quy chế hỗ trợ các DN xây dựng và quảng bá thương hiệu. Đối với các làng nghề đang phát triển mạnh, thị trường tiêu thụ rộng, TP tập trung phát triển những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn và giá trị kinh tế cao; nghiên cứu đổi mới mẫu mã sản phẩm. 

 

Nghệ nhân Lê Văn Tuy làng Chuông (huyện Thanh Oai) cho biết: Với sự hỗ trợ của TP trong việc xây dựng thương hiệu, lượng nón làng Chuông hiện tiêu thụ tăng cao hơn trước và được nhiều khách hàng trong nước, quốc tế biết đến. Đặc biệt, nón làng Chuông cũng đã vinh dự được tham gia vào nhiều sự kiện lớn của đất nước, như APEC, SEA Games...

 

Mặc dù Nhà nước đã hỗ trợ xây dựng quảng bá thương hiệu, nhưng để hàng TCMN mang thương hiệu Việt thâm nhập sâu rộng thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu, bản thân DN, làng nghề cũng cần quan tâm thỏa đáng cho xây dựng, quảng bá thương hiệu. Bởi đó cũng chính là yêu cầu bắt buộc để phát triển bền vững, khẳng định chỗ đứng trên thương trường.

Theo kinhtedothi.vn