Trong những năm qua, nếu tính về tỷ suất xuất khẩu trong ngành chăn nuôi Việt Nam thì nghề nuôi ong luôn đạt mức cao nhất với khoảng 90% sản lượng. Ở thị trường quốc tế, sản lượng sản xuất mật ong của châu Âu đang liên tục sụt giảm trong khi mức tiêu thụ vẫn tăng. Ở thị trường trong nước, người tiêu dùng sử dụng mật ong ngày càng nhiều hơn.
Theo ý kiến của nhiều người trong ngành, đây được coi là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất mật ong tại Việt Nam – với điều kiện việc xây dựng thương hiệu cho mật ong Việt phải được làm đồng bộ và bài bản hơn.
Chưa khai thác hết cơ hội trên thị trường quốc tế
Dù đứng thứ nhì châu Á về sản lượng xuất khẩu (khoảng 45.000 tấn mật ong, 900 tấn sáp ong mỗi năm) nhưng cho đến nay, mật ong Việt Nam phần lớn mới chỉ xuất thô và chưa có thương hiệu nào được quốc tế biết đến. Giá mật ong Việt xuất khẩu trung bình chỉ đạt 1,22 euro/kg, thấp nhất thế giới, trong khi mật ong xuất khẩu của New Zealand đạt giá trung bình cao nhất với mức 23,25 euro/kg.
Theo giám đốc một công ty sản xuất mật ong, một trong các nguyên nhân là các doanh nghiệp mật ong lớn của Việt Nam chưa tìm được tiếng nói chung về giá, mạnh ai nấy làm, thậm chí một số cạnh tranh bằng cách phá giá. Hệ quả là họ đẩy giá bán về mức thấp nhất, từ đây phải ép giá người nuôi ong khiến chất lượng mật ong xuống thấp, số lượng đơn hàng mật ong xuất khẩu bị trả cao hàng đầu khu vực, khiến cả ngành phải chịu tiếng xấu.
Khác với sản phẩm nông nghiệp khác, thị trường tiêu thụ sản phẩm ong chủ yếu là Mỹ và các nước châu Âu, Nhật Bản. Đây là những thị trường khó tính, yêu cầu cao về chất lượng. Bù lại kim ngạch xuất khẩu sản phẩm ong thu được từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ trên đã từng đạt đến 150 triệu USD vào năm 2016 - một con số hấp dẫn nếu so với nhiều ngành chăn nuôi khác.
Tại các nước ôn đới, mùa ong đi lấy mật hằng năm chỉ kéo dài 3 tháng. Còn tại Việt Nam, thời gian ong đi lấy mật kéo dài đến từ 6 - 9 tháng. Đây là điều kiện lý tưởng cho người nuôi ong vì có thể thu được mật ong từ thiên nhiên và có thời gian dưỡng sức cho ong, chờ mùa hoa đến.
Bà Trần Ngọc Lan - chuyên viên Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho rằng, những năm qua, nghề nuôi ong của Việt Nam phát triển khá nhanh chóng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho một bộ phận nông dân ở vùng sâu vùng xa.
Theo bà Ngọc Lan, do đặc thù của ngành ong là người nuôi phải di chuyển thường xuyên nên rất khó khăn cho công tác quản lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Mật độ nuôi ong tại một số địa phương phân bổ chưa hợp lý. Có những mật độ đặt điểm ong quá dày do vùng đó có liên quan đến chỉ dẫn địa lý hoặc những nơi có thương hiệu. Đại diện Cục Chăn nuôi cũng cho rằng, để ngành nuôi ong phát triển bền vững thì cần phải mở rộng sản xuất quy mô lớn để xuất khẩu. Đồng thời cần nâng năng suất mật ong đủ tiêu chuẩn tăng từ 1 – 1,5%/năm.
Hiện nay, người nuôi ong Việt Nam thiếu vốn để cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng; doanh nghiệp thì gặp khó khăn về chi phí kiểm định chất lượng xuất khẩu. Cách đây chưa lâu, Công ty Ong Hà Nội đầu tư phòng kiểm định trị giá hơn 1 tỷ đồng, nhưng chỉ kiểm nghiệm được 12/24 chỉ tiêu; các chỉ tiêu còn lại phải gửi sang Đức kiểm nghiệm, tốn phí khoảng 1.250 USD/lần lấy mẫu.
Thị trường trong nước bắt đầu rộng mở
Năm 2008, Bộ NN&PTNT ban hành quy chuẩn nuôi ong VietGAHP để nâng cao chất lượng mật ong. Ông Trương Anh Tuấn - chủ một trang trại ở Sơn La có 500 thùng ong đang áp dụng quy trình VietGAHP cho biết: “Tuân thủ VietGAHP, chi phí tăng trên 30% nhưng mật sạch và có thể xuất khẩu”. Thế nhưng ở thị trường trong nước, ông Anh Tuấn vẫn chưa thấy sản phẩm theo VietGAHP của mình được đánh giá cao so với sản phẩm không theo VietGAHP.
Trên thực tế, với thị trường nội địa những năm gần đây, các doanh nghiệp kinh doanh mật ong đã đầu tư khá bài bản vào trang trại, chất lượng sản phẩm và cả bao bì, mẫu mã. Dù vậy, những nỗ lực đó vẫn chưa đủ giúp mật ong Việt Nam cạnh tranh tốt với mật ong ngoại nhập. Lý do vẫn là doanh nghiệp không đủ tiền để làm các chiến dịch marketing và hoạt động xây dựng thương hiệu đủ lớn.
Tại các nước phát triển, người dân coi mật ong là một loại thực phẩm bổ dưỡng để sử dụng hằng ngày và để nêm nếm thức ăn thay cho đường. Trong khi đó người Việt coi mật ong như một loại thuốc và chỉ dùng khi thật cần. Do đó, theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển ong (Viện Chăn nuôi), trung bình trên thế giới, mức tiêu thụ mật ong là 700gr/người/năm, thì tại Việt Nam con số này chỉ là 30 – 40gr. Mức tiêu thụ ít ỏi đó đang được cải thiện do mức sống được tăng lên.
Thị trường mật ong Việt Nam 5 năm trở lại đây được các doanh nghiệp trong ngành đánh giá là khá sôi động. Điều này được minh chứng bằng sự có mặt ngày càng nhiều sản phẩm được chế biến từ mật ong (tinh chế, hoa bạc hà, hoa nhãn, hoa rừng, chanh đào…), mật ong nghệ, sữa ong chúa, phấn hoa…
Không chỉ ở những cửa hàng nhỏ lẻ, các chợ, mà các sản phẩm từ mật ong Việt Nam cũng đã được đưa vào các hệ thống siêu thị, đại siêu thị trên toàn quốc. Tuy nhiên, hầu hết các thương hiệu có mặt trong siêu thị đều là của những doanh nghiệp có “tuổi đời” mới gần 10 năm, còn những “ông lớn” có thâm niên thì dường như vắng bóng, hoặc khu vực phân phối nội địa còn rất hạn chế.
Đại diện một số công ty sản xuất mật ong lâu đời nhất Việt Nam cho biết việc quay về thị trường nội địa đòi hỏi tài chính mạnh để đầu tư cho hoạt động marketing, xây dựng hệ thống phân phối và truyền thông. Ngay cả những công ty lớn trên thị trường như Ong Mật Đồng Nai cũng mới chỉ xây dựng được khoảng 10 điểm bán hàng trên khắp cả nước, còn Công ty Ong Mật Cao Nguyên xây dựng được khoảng 20 đại lý trên khắp cả nước.
Tại hội thảo “Thúc đẩy xuất khẩu mật ong Việt Nam” diễn ra ngày 17/8 vừa qua, một số chuyên gia nước ngoài cho biết ở châu Âu, người dân coi trọng ong mật không những vì đây là thực phẩm bổ dưỡng mà còn là tác nhân bảo vệ môi trường. Nhờ ong mà cây trồng được thụ phấn tốt, cho năng suất cao. Con ong, mật ong được đưa vào các chương trình giáo dục từ tiểu học bằng truyện tranh, phim hoạt hình, dã ngoại.
Việt Nam muốn xây dựng thương hiệu cho ngành mật ong cần có sự tham gia định hướng của Nhà nước và các cơ quan quản lý, nâng cao vai trò của hiệp hội. Đặc biệt phải quan tâm giáo dục cho lớp trẻ biết nghề nuôi ong tác động tích cực đến môi trường sống như thế nào.
Cẩm Tú
Theo Báo Doanh Nhân Sài Gòn