DN Việt đua nhau cạnh tranh với Grab

DN Việt đua nhau cạnh tranh với Grab

25/06/2018 1352
Ứng dụng gọi xe Việt dồn dập ra mắt nhưng liệu có trụ nổi trên thị trường hay không vẫn là dấu chấm hỏi rất lớn.

Sau khi Uber rút lui khỏi thị trường Việt Nam (VN), nhiều ứng dụng gọi xe của người Việt nở rộ tìm cách lấp đầy khoảng trống thị trường, tạo thế cạnh tranh với đối thủ lớn là Grab.

 

Đua nhau ra mắt gọi xe Việt

 

Anh Minh Tùng (nhân viên văn phòng ở quận 1, TP.HCM) cho biết: “Trước đây tôi chỉ có thể dùng dịch vụ của Grab hay Uber. Nhưng hiện nay tôi có rất nhiều lựa chọn khi có thể chọn đặt xe từ các ứng dụng gọi xe Việt vì khá hấp dẫn về giá, chất lượng và đa dạng loại hình”.

 

Anh Tùng dẫn chứng: Khi gọi xe qua ứng dụng Mai Linh Bike thì xe có sẵn gần địa điểm đặt, giao diện, cách thức vận hành không khác các phần mềm tương tự. Đặc biệt, không bị tăng cước vào giờ cao điểm hay điều kiện thời tiết bất lợi.

 

Đáng chú ý, Mai Linh Bike không phải là phần mềm duy nhất của người Việt tỏ rõ tham vọng cạnh tranh với Grab. Ông Nguyễn Trí Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Phương Trang, đơn vị mới đây đưa vào ứng dụng gọi xe VATO, cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh để phát triển. Chúng tôi cũng mong muốn có phần mềm riêng dành cho người Việt, phục vụ người Việt. Chẳng hạn, ứng dụng VATO cho phép khách hàng mặc cả với lái xe với giá tối thiểu đưa ra để có thể nhanh chóng hoàn thành chuyến đi. Đây là một chức năng riêng biệt”.

 

Ngoài Mai Linh Bike và VATO, còn nhiều ứng dụng gọi xe khác đang có những nỗ lực tìm các phương thức làm khác nhau để hấp dẫn khách hàng cũng như thu hút lực lượng tài xế tham gia. Mới đây nhất, ngày 12-6, FastGo - ứng dụng gọi xe công nghệ của Công ty FastGo VN đã chính thức công bố gia nhập thị trường sau ba năm xây dựng và phát triển. Phương thức hoạt động của FastGo tương tự với ứng dụng gọi xe của Grab đang được sử dụng phổ biến tại VN.

 

Khuyến khích các doanh nghiệp vận tải chủ động ứng dụng để nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo sự thuận tiện cho người dân. Ảnh: PM

 

Ông Nguyễn Hữu Tuất, CEO FastGo VN, nhận định thị trường gọi xe công nghệ tại VN rất tiềm năng, lên tới hàng tỉ USD và vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đây chính là cơ sở để FastGo gia nhập thị trường.

 

Trước đó không lâu, ứng dụng Aber đã chính thức ra mắt thị trường VN với điểm mới là không thu chiết khấu của tài xế. Ông Huỳnh Lê Phú Phong, đại diện Aber, cho hay: “Chúng tôi khẳng định sẽ không tăng giá cước vào giờ cao điểm nhưng sẽ phụ phí thêm khi đón khách vào thời gian sau, như khung giờ từ 0 giờ đến 5 giờ sáng hằng ngày từ thứ Hai đến Chủ nhật” - đại diện Aber nói. Ngoài ra, Aber sẽ không trừ tiền sử dụng app nếu tài xế không đạt doanh thu.

 

Tìm lối đi riêng

 

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đánh giá các ứng dụng gọi xe Việt không quá mấy khác biệt với Grab về cách sử dụng. Nhưng là những người đi sau, các ứng dụng này đưa ra nhiều tùy chọn để hấp dẫn khách hàng như cước phí cho khách hàng rẻ hơn, chiết khấu cho lái xe thấp hơn so với đối thủ.

 

“Đây là cách làm đúng vì khách hàng vốn không cần trung thành với bất kỳ ứng dụng gọi xe nào. Họ sẽ sử dụng dịch vụ với điều kiện ứng dụng đó mang lại nhiều lợi ích cho họ nhất. Tuy nhiên, để giành chiến thắng trước người chơi lớn nhất trên thị trường không hề đơn giản với các ứng dụng gọi xe Việt” - TS Hiển nhận định.

 

Xin dẫn chứng: Cuối năm ngoái, Grab đã gọi vốn được 2 tỉ USD để phục vụ cho sáu nước tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có VN. Tiếp đến, vào tháng 5-2018, Toyota đã rót vốn 1 tỉ USD cho Grab. Trong khi đó, đến thời điểm này hầu như chưa có ứng dụng gọi xe Việt nào công bố gọi được lượng vốn đầu tư đáng kể để vận hành, kinh doanh mà chủ yếu sử dụng nguồn lực tự có để cạnh tranh.

 

Chia tay thị trường sau hai năm

 

Ứng dụng gọi xe EasyTaxi của Brazil đã từng hiện diện tại thị trường VN và trong chín tháng đầu tiên đã đầu tư đến 1 triệu USD. Nhưng sau hai năm, ứng dụng này thất bại, phải rời khỏi thị trường VN. 

 

Rõ ràng trong cuộc đầu tư khủng này, khó doanh nghiệp Việt nào kham nổi. Ông Hồ Quốc Phi, Tổng Giám đốc Mai Linh miền Bắc, thừa nhận Mai Linh là một trong bảy hãng taxi được Bộ GTVT cho thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng nhưng chưa thể địch lại được vì Grab khuyến mãi kinh khủng. “Ví dụ như đi liên tục trong năm cuốc thì được giảm giá, thậm chí miễn phí chuyến đi. Cách khuyến mãi như vậy không thể chạy theo. Mai Linh thua ở năng lực tài chính” - ông Phi nói.

 

Tương tự, ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng Giám đốc Vinasun, cho hay: “Chúng tôi không có nguồn tài trợ nào 1-5 tỉ USD như các công ty công nghệ lớn, mà Vinasun app chỉ được xây dựng trên nền tảng tri thức của người VN, kinh nghiệm, hiểu biết và đón đầu tương lai”.

 

Theo một số chuyên gia, nếu chơi theo cách chi tiền khủng tương tự các hãng taxi công nghệ lớn thì các ứng dụng gọi xe Việt sẽ khó đấu lại. Nhưng vẫn có thể cạnh tranh được dựa trên chất lượng dịch vụ cam kết tốt, cũng như đưa ra nhiều tiện ích hơn cho khách hàng. Đây cũng là phương thức cạnh tranh hiệu quả với các đối thủ trên thị trường.

 

Nên bắt tay nhau cùng tiến

 

Ông Đào Ngọc Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN, cho rằng: Uber hay Grab là điển hình của cuộc cách mạng 4.0 và chúng ta không cản được sự phát triển khoa học công nghệ. Đổi mới để bắt kịp với xu hướng thời đại là điều tất nhiên.

 

Hơn nữa, nên ủng hộ việc người dùng quan tâm tới giá cả và dịch vụ chứ không cần trung thành với một hãng nào. Tuy vậy, nếu mỗi hãng taxi sử dụng mỗi loại ứng dụng gọi xe khác nhau thì sẽ rất khó cho người dùng. Bởi vậy, nên tập trung lại trong một ứng dụng để khách hàng dễ dàng lựa chọn.

 

“Vậy tại sao các doanh nghiệp không kết hợp với nhau? Ví dụ Phương Trang kết hợp với một doanh nghiệp nào đó tạo ra một nền tảng chung thúc đẩy ứng dụng phát triển hơn nữa. Về mặt công nghệ, dù các ứng dụng có thể phức tạp nhưng không phải là thách thức quá lớn với chúng ta” - ông Chiến đặt vấn đề.

 

Khuyến khích ứng dụng công nghệ

 

Bộ GTVT khẳng định luôn ủng hộ việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp vận tải chủ động ứng dụng để nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo sự thuận tiện cho người dân.

 

Tuy nhiên, việc ứng dụng chỉ được áp dụng đối với các đơn vị vận tải đã được cấp giấy phép kinh doanh và phương tiện đã được cấp phù hiệu vận tải. Đồng thời phải chấp hành các điều kiện kinh doanh vận tải, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

 

Phương Minh

Theo Báo Pháp Luật Tp.HCM