Điều gì khiến Unilever phải lo sợ?

Điều gì khiến Unilever phải lo sợ?

05/04/2017 1850
"Suýt chết" sau một nỗ lực thâu tóm không thành, Unilever đang tìm cách chấn chỉnh lại toàn bộ hoạt động.

Unilever đang cân nhắc hoàn lại tiền cho cổ đông, thực hiện các cuộc thâu tóm quy mô vừa và cắt giảm chi phí quyết liệt hơn. Đây là một phần trong nỗ lực đánh giá lại một cách toàn diện tình hình kinh doanh của các nhà lãnh đạo tập đoàn hàng tiêu dùng này.

 

Bản đánh giá được đưa ra sau cái mà Paul Polman, CEO Unilever, gọi là trải nghiệm “suýt chết” từ nỗ lực thâu tóm mang tên Kraft Heinz (Mỹ) lên tới 143 tỉ USD. Unilever hoàn toàn có thể bị nuốt chửng bởi Kraft Heinz, vốn được sự hậu thuẫn của tập đoàn đầu tư tư nhân 3G Capital và tỉ phú Warren Buffett. Rất may Unilever đã nhanh chóng thoát hiểm khi Kraft Heinz, kẻ săn hàng đáng sợ nhất trong ngành thực phẩm, đã rút đề xuất mua lại sau 48 tiếng đồng hồ.

 

Graeme Pitkethly, Giám đốc Tài chính Unilever, phát biểu tại một cuộc họp ngành diễn ra 1 tuần sau khi Kraft Heinz ra giá mua lại: “Đây chắc chắn là giây phút choáng váng cho Unilever”.

 

Những nhà điều hành đứng đầu các bộ phận tại tập đoàn hàng tiêu dùng Unilever, từ sốt mayonnaise Hellmann, kem Magnum cho đến dầu gội đầu Sunsilk, nhãn hàng khử mùi Axe, được yêu cầu phải rà soát lại tình hình hoạt động của bộ phận mình nhằm tìm cách gia tăng lợi nhuận cổ đông. Cổ phiếu của Unilever đang giao dịch với giá trên 39,50 bảng Anh/cổ phiếu, được đề xuất bởi Kraft Heinz, càng tạo áp lực cho Polman trong việc đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư.

 

Paul Polman

Ông Paul Polman, CEO của Unilever. Ảnh: puntodemarketing.com.

 

Polman đã nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp nên được điều hành vì các mục tiêu lợi nhuận dài hạn. Nhưng theo một cổ đông lớn ủng hộ Unilever, ông nhận ra rằng “cần nghĩ đến lợi nhuận cổ đông nhiều hơn một chút”. Dẫu vậy khả năng Unilever sẽ thực hiện bước đi triệt để chia tách mảng thực phẩm (bao gồm các nhãn hàng như Lipton và Knorr và chiếm hơn 40% tổng doanh số bán) khỏi mảng chăm sóc cá nhân và gia đình là khó có thể xảy ra, theo 2 người thân cận với Tập đoàn. Unilever từ chối bình luận về bản đánh giá này, nhưng trong quá khứ, Unilever từng nói cần cả 2 mảng kinh doanh nói trên để tạo nên tiếng vang ở các thị trường mới nổi, vốn chiếm 58% doanh thu.

 

Tuy nhiên, Unilever đang đẩy mạnh nỗ lực bán đi bộ phận bơ thực vật Flora và một số chuyên gia phân tích nói rằng Kraft Heinz có thể là người mua tiềm năng. Mảng bơ của Unilever có biên lợi nhuận hoạt động cao 20% và có thể thu về 7 tỉ euro, theo các chuyên gia phân tích tại RBC Capital Markets. Unilever đã nhận thấy có 2 điểm chính cần phải cải cách: mức nợ thấp và nhu cầu phải cắt giảm chi phí hơn nữa ở các bộ phận tăng trưởng thấp nhằm cải thiện biên lợi nhuận hoạt động.

 

Dù mức nợ thấp là một thế mạnh, nhưng nó cũng khiến cho Unilever trở nên dễ bị tổn thương trước cuộc “tấn công” của Kraft Heinz. Vì thế, Unilever dự định sẽ tăng nợ, trong khi bảng cân đối kế toán rất lành mạnh, nhằm tài trợ cho các thương vụ mua lại của mình. Một nhà điều hành cấp cao trong ngành cho rằng: “Thật hài hước vì chẳng khác nào nói rằng “tại người đó khỏe mạnh quá”. Một thực tế là nếu bạn có bảng cân đối kế toán mạnh, điều đó khiến bạn dễ bị tổn thương trước 3G. Vì thế bạn cần làm cho bản thân bệnh một chút, nhưng không nhiều”.

 

Unilever đang tính nâng nợ ròng lên gấp 2,5 hoặc 3 lần EBITDA (lợi nhuận trước thuế lãi vay và khấu hao) từ mức chỉ gấp 1 lần hiện tại, theo 2 người thân cận với Tập đoàn. Ở mức 2,5 lần, Unilever sẽ có 29 tỉ euro phải chi tiêu vào năm 2020, theo Andrew Wood, chuyên gia phân tích tại Bernstein.

 

Một phần trong số này có thể sẽ được hoàn lại cho cổ đông. Trong quá khứ Polman cho rằng mua lại cổ phiếu quỹ “không mang ý nghĩa” gì cả nhưng Unilever giờ “cởi mở chấp nhận các ý kiến”, một nhà đầu tư nói.

 

 

Unilever cũng đang cân nhắc thực hiện các thương vụ thâu tóm có quy mô lớn hơn, thay vì các thương vụ nhỏ đã tiến hành trong những năm gần đây. Unilever đã chi 4 tỉ euro mua lại các doanh nghiệp như Dollar Shave Club và nhãn hàng chăm sóc da Dermalogica. Nhưng những công ty này quá nhỏ so với doanh số bán 53 tỉ USD Unilever kiếm được vào năm ngoái và không một công ty nào trong số đó đóng góp thêm hơn 3% tổng doanh thu của Tập đoàn, theo ước tính của Eva Quiroga-Thiele, chuyên gia phân tích tại Deutsche Bank.

 

Reckitt Benckiser, vốn đang mua lại nhà sản xuất sữa trẻ em Mead Johnson với giá 18 tỉ USD, có thể sẽ bán đi mảng chăm sóc gia đình, mà ông Wood ước tính trị giá khoảng 6-8 tỉ bảng Anh. Ông cho rằng đây sẽ là miếng ghép phù hợp với Unilever. Unilever cũng đã thực hành tiết kiệm 1 tỉ euro chi phí qua chương trình cắt giảm chi phí 3 năm, vốn được giới thiệu vào năm ngoái. Pitkethly được cho là sẽ cắt giảm chi phí mạnh hơn trong các bộ phận thực phẩm tăng trưởng chậm. Các đợt cắt giảm có thể giúp cải thiện biên lợi nhuận hoạt động cao hơn mức tăng cam kết gần đây là 0,8 điểm phần trăm.

 

Unilever cũng đang xem xét việc đơn giản hóa đợt niêm yết kép trên sàn London và Amsterdam, một cơ cấu gây lúng túng đặc biệt cho nhà đầu tư Mỹ. “Đây là một công ty mà chưa bao giờ phải chịu áp lực bên ngoài nào trước đây, nhưng giờ đã khác. Họ đang rất nghiêm túc. Chắc chắn chúng tôi trông đợi một điều có ý nghĩa khi bước sang tháng 4 và họ cho chúng tôi biết kết quả của bản đánh giá hoạt động”, một nhà đầu tư lớn khác của Unilever nhận định.

 

Khánh Đoan / FT
* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư