Cuộc đua hao lực của thương hiệu taxi số 1 Tp.HCM

Cuộc đua hao lực của thương hiệu taxi số 1 Tp.HCM

24/10/2017 1194
Sự xuất hiện của Uber và Grab khiến Vinasun - thương hiệu taxi số 1 Tp.HCM trượt dài trong kinh doanh và vật vã khi tìm cách thay đổi...

Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2017, phản ánh nhiều mảng tối về tình hình kinh doanh.

 

Theo đó, doanh thu của Vinasun trong kỳ vừa qua chỉ đạt gần 550 tỷ đồng, chưa bằng một nửa cùng kỳ năm trước. 

 

Đáng lưu ý, đây là mức doanh thu tính theo quý thấp nhất của Vinasun trong vòng 7 năm qua, tính từ năm 2010 đến nay. Lợi nhuận trước thuế chỉ 58,6 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Như vậy, sau 9 tháng, doanh thu Vinasun là 2.450 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 186 tỷ đồng, giảm tương ứng 29% và 39% so với 9 tháng 2016.

 

Về cơ cấu doanh thu, dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi vẫn là mảng kinh doanh đóng góp lớn nhất. Tuy nhiên, doanh thu từ nguồn này giảm chỉ còn gần 1.900 tỷ đồng.

 

Để bù đắp tổn thất của nguồn thu chủ lực, công ty đang tích cực đẩy mạnh dịch vụ vận tải theo hợp đồng và nhượng quyền thương mại. Doanh thu từ mảng này đã tăng gấp 8 lần cùng kỳ, lên trên 550 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa "thấm" so với đà lao dốc của mảng dịch vụ vận tải.

 

Một con số khác cũng phản ánh tình trạng bước giật lùi của thương hiệu taxi số 1 ở Tp.HCM là Vinasun đã cắt giảm tiếp gần 2.000 nhân viên trong quý vừa qua.

 

Tổng cộng từ đầu năm đến nay, lượng nhân viên tại Vinasun đã giảm tới gần 10.000 người. Tính trung bình mỗi tháng có khoảng 1.100 người mất việc. Tính đến cuối tháng 9/2017, Vinasun chỉ còn 7.300 nhân viên.

 

Theo tìm hiểu, Vinasun cắt giảm lái xe nhằm chuyển sang mô hình cho thuê xe, thay vì phân chia phí taxi. 

 

Hoạt động theo mô hình này, lái xe sẽ nhận toàn bộ doanh thu và trả cho Vinasun một khoản phí thuê cố định từ 600.000-800.000 đồng/ngày. Phần còn lại chi phí liên quan đến xe bao gồm chi phí xăng xe, chi phí bảo dưỡng, chi phí sửa xe, chi phí bến đỗ, lái xe sẽ phải trả toàn bộ.

 

Ngoài ra, công ty cũng vừa ra mắt loạt tính năng đặt xe qua tin nhắn Facebook và ước lượng giá chuyến đi tương tự như hình thức triển khai của hai đối thủ chính, đồng thời tập trung mở rộng thị trường tỉnh thông qua các thương vụ nhượng quyền, mua bán sáp nhập…

 

 Áp lực thay đổi của Vinasun là điều tất nhiên bởi trong cuộc đua mới có thêm sự xuất hiện của các đối thủ đáng gờm như Uber và Grab. Mới đây nhất, hàng loạt taxi của hãng này treo khẩu ngữ đòi Uber, Grab phải thực hiện nghĩa vụ như hãng này và bị chính quyền địa phương buộc tháo gỡ. Dư luận cũng đã lên tiếng chỉ trích hành động này.

 

Năm nay, Vinasun đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất lần lượt đạt 4.256 tỷ đồng và 205 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 10,6% và 34% so với thực hiện năm trước. Kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở giá cước bình quân mỗi km vào khoảng 15.887 đồng.

Theo vneconomy.vn