“Văn phòng của tôi tại Singapore. Trong số khách nước ngoài đến mua đồ thì có rất đông người Việt. Đây là thời điểm chín muồi để đến Việt Nam vì ngày càng có nhiều bạn trẻ thể hiện phong cách cá nhân trên đường phố. Nhiều trung tâm mua sắm mọc lên và gout thời trang của thị trường khá tốt”, ông Fredrik Famm - Giám đốc điều hành H&M Đông Nam Á chia sẻ với báo giới một ngày trước khi cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam khai trương ở TP HCM.
Hôm sau, tức vào 9/9, hơn 4.000 người với bánh mỳ và ô đã kiên nhẫn đứng ngồi trước cửa hàng để đếm ngược đến thời điểm 11h.
Ông Fredrik cho hay, mỗi ngày cửa hàng sẽ đều có mẫu mới, mỗi tuần là có một bộ sưu tập. Với 2.200 mét vuông, quần áo phủ mọi lứa tuổi và đa dạng phong cách, H&M ra mắt sau 2 năm âm thầm chuẩn bị, cân đo đong đếm 25 trung tâm thương mại để chọn chỗ "cắm dùi". Cuối cùng, cửa hàng của thương hiệu đến từ Thụy Điển được đặt cạnh Zara. Ngày đầu ra mắt năm ngoái, Zara tuyên bố đạt doanh thu 5,5 tỷ đồng.
Tháng 8 đến tháng 9 vừa qua, nhiều “anh em” nhà Inditex như Stradivarius, Pull&Bear, Massimo Dutti cũng lần lượt mở cửa hàng đầu tiên. Uniqlo và Forever21 đang sắp góp mặt, khi mà doanh thu của Zara Việt Nam hiện nằm trong top 5 cửa hàng bán tốt nhất toàn cầu của hãng. Đây là một động lực không nhỏ cho bất kỳ thương hiệu thời trang ngoại nào.
Theo báo cáo mới nhất của Savills, tính đến tháng 9/2017, trường phái kinh doanh "fast fashion" (thời trang nhanh) hay còn gọi là thời trang đại chúng - hàng hiệu giá mềm đang tạo nên cơn lốc có sức hút đáng kinh ngạc. Qua tiếp xúc và làm việc với các thương hiệu thời trang nhanh này, Savills nhận thấy Việt Nam luôn được đánh giá cao về sức tiêu thụ hàng ngoại nhập.
Việt Nam được đánh giá có sức tiêu thụ khá cao hàng thời trang ngoại nhập
Cho rằng thời trang có nhiều phân khúc và doanh nghiệp nội dễ thích ứng, ông Thanh nói không lo lắm nhưng bản thân K&K Fashion cũng đang cật lực vận động để tìm thêm khách hàng.“Mọi người, nhất là các tín đồ thời trang đang rất quan tâm những thương hiệu lớn đổ bộ vào Việt Nam. Họ là những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực. Họ có thể tung ra các chương trình khuyến mãi để đè bẹp và bóp chết doanh nghiệp địa phương. Tôi có tham gia vào các diễn đàn thời trang, nhiều doanh nghiệp nội địa đang trao đổi với nhau và tỏ ra lo lắng”, ông Lê Viết Thanh – Tổng giám đốc K&K Fashion kể lại tâm trạng của nhiều “anh em nội địa” cùng ngành mà ông quan sát được.
Tháng 8/2016, công ty quyết định đổ tiền vào một giải pháp tiếp thị bằng công nghệ retargeting đa thiết bị của nhà cung cấp nước ngoài. Kết quả, từ tháng 9/2016 đến tháng 5/2017, số giao dịch trực tuyến thành công của công ty tăng 121%.
Một số thương hiệu khác thì bắt đầu chi bạo cho làm thương hiệu. Biti's là một trong những đơn vị tiên phong trong việc thay đổi hình ảnh bằng cách chi tiền tài trợ cho 2 MV ca nhạc đình đám “Lạc trôi” của Sơn Tùng M-TP và “Đi để trở về” của Soobin Hoàng Sơn. “Trong vòng 7 ngày, mẫu giày ca sĩ này 'diện' trong movie đã được bán hết”, ông Hùng Võ - Phó tổng giám đốc tiếp thị của Biti’s Việt Nam kể lại về cơn sốt giày Hunter vào đầu năm 2017.
Với một cách làm tương tự, nhãn hiệu đồ đôi Việt Nam là Couple TX đầu tư cho MV ca nhạc “Cuối cùng anh cũng đến” của nữ ca sỹ Hari Won. Hay gần đây là Ami Fashion, hãng thời trang bình dân quyết định chi 4 tỷ đồng để làm một show thời trang tôn vinh Lãnh Mỹ A nhằm nâng tầm thương hiệu.
“Anh lớn” trong làng thời trang Việt Tiến thì phát triển mô hình cửa hàng Viettien House từ 2016 trong bối cảnh các trung tâm thương mại lớn đang có phần “ưu ái’ cho thương hiệu ngoại.
"Chúng tôi sẽ mở rộng mô hình ra ở tất cả các tỉnh thành phố khác, tiến đến quy hoạch bài bản, đồng bộ toàn hệ thống phân phối vào cuối năm 2018. Đây cũng là bước đi chiến lược nhằm nâng cao tỷ trọng tiêu thụ nội địa, chiếm lĩnh thị trường trong bối cảnh cạnh tranh tăng cao", ông Phan Văn Kiệt - Phó tổng giám đốc Tổng công ty CP may Việt Tiến chia sẻ.
Nhận nhượng quyền kinh doanh các thương hiệu nước ngoài là một hướng đi lớn của Việt Tiến
“Có một giai đoạn khá dài khi mà nhiều thương hiệu thời trang trong nước được chúng tôi rất yêu mến. Bỗng một thời gian sau đó, tôi cảm tưởng như họ đã 'chết' rồi”, chị Hằng – một khách hàng tại TP HCM nhận xét, dù nhiều thương hiệu mà chị từng yêu thích vẫn tồn tại đâu đó trên đường phố Sài Gòn. Không những thế, Việt Tiến thành lập một công ty con là Việt Tiến International để kinh doanh các dòng sản phẩm thời trang quốc tế thông qua nhượng quyền. Hồi tháng 8, đơn vị này bắt đầu kinh doanh hiệu giày Skechers của Mỹ.
“Gần đây có một vài hệ thống co lại. Theo cá nhân tôi là do họ không chịu thay đổi mô hình tiếp thị. Họ là những người tiên phong trong ngành thời trang Việt Nam. Lúc ấy, họ được truyền thông ưu ái, có khi quảng cáo miễn phí. Họ quen tư duy như thế và đi theo lối mòn. Khi thị trường thay đổi, thói quen tiêu dùng thay đổi và truyền thông thay đổi thì họ không chuyển đổi theo kịp”, ông Lê Viết Thanh bình luận.
Cũng có những CEO ấp ủ mong muốn đưa thương hiệu của mình lên nấc thang cao hơn trong thị trường thời trang, được chào đón hơn để bước vào các trung tâm thương mại. Nhưng theo họ, đó là một quá trình không thể nóng vội.
“Nâng tầm thương hiệu là một quá trình rất dài và phải từng bước. Tôi thích cách làm của An Phước. Mới đầu họ phân phối cho Pierre Cardin. Sau đó xây dựng thương hiệu cho An Phước. Việt Tiến cũng vậy. Vấn đề là cần thời gian và điều quan trọng là phải có cái hồn của thương hiệu. Tất cả các thương hiệu lừng danh trên thế giới đều có cái hồn riêng của nó. Cái hồn đó được xây dựng trên nền tảng khoa học công nghệ rất cao và được vun đắp qua thời gian”, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Thái Bình Shoes (TBS Group) kiêm Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam bình luận với phóng viên nhân câu chuyện các thương hiệu thời trang ngoại dồn dập đến Việt Nam.
Viễn Thông
Theo vnexpress