CEO Vietjet: 'Tôi chưa bao giờ đếm xem mình có bao nhiêu tiền

CEO Vietjet: 'Tôi chưa bao giờ đếm xem mình có bao nhiêu tiền

18/04/2017 1693
CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết bản thân vẫn chưa quen với danh xưng tỷ phú đôla mà mọi người hay gọi và chưa bao giờ có thói quen đếm xem mình có bao nhiêu tiền.

“Gần đây, bỗng dưng tôi phải làm quen với danh từ tỷ phú. Thú thật, tôi chưa quen với danh xưng này. Suốt 30 năm làm kinh doanh đến nay, tôi chưa bao giờ đếm xem mình có bao nhiêu tiền. Tôi cũng không đặt mục tiêu trở thành triệu phú hay tỷ phú lúc nào hết”, CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo mở đầu buổi chia sẻ của mình tại sự kiện Forbes Vietnam Women Summit 2017 vừa diễn ra.

 

Đầu tháng 3 vừa qua, bà Thảo đã được Tạp chí Forbes công nhận là tỷ phú đôla thứ hai của Việt Nam với tài sản 1,7 tỷ đôla. Bà cũng là nữ tỷ phú đôla tự thân duy nhất tại Đông Nam Á. Bà Thảo được công chúng biết đến nhiều nhất với vai trò là người sáng lập và tổng giám đốc của Vietjet Air.

 

Thành lập cách đây 10 năm, đến giữa năm ngoái, Vietjet đã chiếm 41% thị phần, chỉ kém Vietnam Airlines 1% thị phần. Hãng này cũng vừa IPO vào tháng 2 và là doanh nghiệp Việt Nam IPO theo chuẩn mực và quy trình quốc tế (Reg S). Bà Thảo cho biết chọn cách làm này vì tham vọng hướng đến các thị trường vốn lớn như Hong Kong, Singapore, London và cả New York.

 

“Làm việc chăm chỉ có lẽ là thói quen đã ăn vào máu của tôi gần 30 năm nay. Đối với tôi, thách thức không phải đến từ cá nhân mình mà từ đội ngũ làm dự án. Tôi phải động viên, phải hướng dẫn để mọi người có thời gian làm việc, nghỉ ngơi, tiếp thu những thông tin mới của thị trường quốc tế mà đưa vào dự án, nhẫn nại để cùng nỗ lực đi đến cùng”, bà kể về 800 ngày chuẩn bị thủ tục IPO cho Vietjet.

 

 

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ tỷ phú đôla tự thân duy nhất tại Đông Nam Á. Ảnh: Forbes.

 

Bà Thảo cho biết mình lớn lên trong môi trường không thiếu thốn về vật chất nên kiếm tiền chưa bao giờ là mục tiêu của bản thân. Mối quan tâm của bà là làm sao để doanh nghiệp của mình có chỗ đứng. Những bước tiến gần đây của Vietjet được nhiều người cho là đang cạnh tranh trực tiếp với Vietnam Airlines.

 

“Nếu nói Vietjet cạnh tranh trực tiếp với hãng hàng không nào đó thì có lẽ không hoàn toàn chính xác cho chúng tôi. Chúng tôi tạo ra khách hàng mới cho mình. 20% đến 30% khách hàng trên các chuyến bay của chúng tôi là những người lần đầu tiên đi máy bay. Chúng tôi không lấy mất khách hàng của hãng nào”, bà Thảo nói và cho biết hơn một nửa đường bay quốc tế của Vietjet chưa có hãng nào khai thác, mở ra một nguồn khách mới cho thị trường.

 

Vietjet từng được Bloomberg gọi là ‘hãng hàng không bikini’, xuất phát từ sự kiện biểu diễn bikini trên máy bay nhân dịp khai trương đường bay đến Nha Trang năm 2012. Hoạt động này bị Cục hàng không phạt 20 triệu đồng vì hành vi biểu diễn bikini không xin phép.

 

“Mọi người gọi đó là chiêu marketing nhưng hoàn toàn là một tai nạn nghề nghiệp. Chúng tôi làm vậy vì muốn đưa đến thông điệp hành khách hay nhân viên của mình có quyền mặc theo cách mà người ta thích. Người khác có thể thích hay không thích, nhưng tinh thần của chúng tôi là nếu mang lại niềm vui cho khách hàng thì mình cũng hạnh phúc”, bà Thảo trần tình sau 5 năm xảy ra tai nạn.

 

Gần đây, Vietjet còn tham gia góp vốn xây nhà ga quốc tế mới cho sân bay Cam Ranh. Bà Thảo cũng xác nhận đơn vị này đã gửi đề xuất với Bộ Giao thông vận tải về việc xin tham gia đầu tư hai nhà ga mới cho sân bay Tân Sơn Nhất.

 

“Bên cạnh các lo lắng có phần hơi thái quá thì tôi cho rằng đây là một tín hiệu tích cực của một đất nước phát triển, một thành phố phát triển như TP HCM”, bà Thảo bình luận về tình hình quá tải sân bay hiện nay.

 

"Nếu chúng ta không có một chút nhẫn nại, một chút bao dung thì chúng ta khó đi đến cùng kết quả trong môi trường kinh doanh, luật pháp và thực tiễn ở Việt Nam", bà Thảo chia sẻ.

 

Ngoài điều hành Vietjet, bà Thảo cũng điều hành một loạt công ty khác trong các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, đầu tư, địa ốc, năng lượng. Tuy nhiên, nữ tỷ phú đôla cho biết mình có được cách riêng để cân bằng công việc và cuộc sống. Đó là mang chất phụ nữ vào kinh doanh và mang những chuẩn mực công việc, kiến thức hàn lâm về nhà.

 

“Có thể mọi người nghĩ tôi là người rất bận rộn, nhưng tôi vẫn có lịch cuối tuần đi xem phim với đứa con lớn, tắm và bế ẵm đứa con bé. Tôi làm mọi việc bằng tất cả tinh thần của một doanh nhân khi về nhà. Cùng với đó là chất phụ nữ trong công việc. Ngay cả những việc nghe có vẻ không phụ nữ lắm như hoạch định chiến lược hay quan hệ với các đối tác, định chế, tài phiệt, chính trị gia”, nữ tỷ phú đôla kể về cuộc sống của mình và cho biết bản thân luôn nỗ lực gấp 3 bình thường để có thể vừa điều hành các doanh nghiệp vừa chu toàn các công việc thuộc về gia đình, xã hội.

 

“Là phụ nữ, mà là phụ nữ Á Đông, làm sao thì cũng phải hài hòa mong muốn của mẹ chồng, họ hàng bên chồng và gia đình mình. Làm sao cũng phải giữ được nề nếp văn hóa, nét ăn, nét ở, nét giao tiếp, từ những việc nhỏ nhất như nhớ các ngày quan trọng, quà cáp thế nào khi về quê. Mình cũng phải có đủ thời gian để làm mọi việc đó. Khi làm thì còn phải làm bằng cái tâm, sự chân thành, hiểu biết và trân trọng với xung quanh. Tất cả đều cần sức khỏe và thời gian. Thôi thì hãy nỗ lực gấp 3 bình thường vậy”, bà Thảo kết luận.

 

Viễn Thông
* Nguồn: VnExpress