Câu chuyện của quảng cáo (Phần 1)

Câu chuyện của quảng cáo (Phần 1)

09/02/2017 2864
Khi tôi hỏi câu hỏi “Bạn nghĩ thế nào về quảng cáo?” thì đã nhận được rất nhiều phản hồi từ công chúng rằng vừa thích và cả vừa ghét quảng cáo.
Khi tôi hỏi câu hỏi “Bạn nghĩ thế nào về quảng cáo?” thì đã nhận được rất nhiều phản hồi từ công chúng rằng vừa thích và cả vừa ghét quảng cáo. Họ ưa thích từng mẩu quảng cáo Heineken – Để xem những chai bia nổi tiếng này được cất giấu ở đâu? Họ cũng thích cách quảng cáo trào lộng kiểu Anh, cũng như tính mạo hiểm kiểu Pháp. Hay cả những mẩu quảng cáo nghe vui tai và giàu âm điệu như VINAMINK – “Chúng tôi là những con bò”, rồi “Nhảy cùng Zinzin”... Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn là họ không thích những mẩu quảng cáo, hoặc thậm chí là lờ chúng đi bởi chúng làm gián đoạn dòng suy nghĩ của họ và làm họ phát cáu khi cứ xuất hiện quá nhiều lần ngay giữa các bộ phim hay giữa những chương trình cuốn hút...
 
Và theo như số liệu thống kê chúng tôi tổng hợp và phân tích được thì cứ 100 người được hỏi thì có đến gần 76 người cho rằng hiện tại Quảng cáo là việc cần thiết để phát triển nền kinh tế. Cũng hơn 1 nửa nghiên cứu đồng ý Quảng cáo hiện nay thường không thực tế và có tính chất phóng đại. Chỉ một số ít người đánh giá Quảng cáo có làm phiền đến bản thân chiếm 23.4%. Đến hơn 56% người được khảo sát Thường xuyên xem các đoạn quảng cáo. Nếu tính mức độ thường xuyên nói chung (Rất thường xuyên + Thường xuyên) thì số người thường xem lên đến 72.4%. Trong đó, giới tính không ảnh hưởng quá nhiều đến mức độ thường xuyên xem quảng cáo của người được nghiên cứu. Hai yếu tố được đánh giá là quan trọng của một đoạn quảng cáo: Thông điệp quảng cáo mang lại (80.5%) và Nội dung quảng cáo (76.7%). Ngược lại, yếu tố Người mẫu ít được chú trọng khi đánh giá đoạn quảng cáo, chỉ chiếm 14.1%.
 
Những quảng cáo hay nhất chưa chắc chỉ ở sự sáng tạo mà là nó có thể bán được hàng như thế nào? Vậy nên sáng tạo thôi chưa đủ, quảng cáo phải hơn một hình thức nghệ thuật. Nhưng nghệ thuật giúp cho quảng cáo. Và nó luôn luôn thay đổi như chính dòng chảy quan tâm của công chúng.
 
Chính vì vậy, nghệ thuật quảng cáo là luôn luôn phải sáng tạo và đổi mới. Ngay cả những quảng cáo rất thành công cũng cần phải đổi mới nếu không muốn bị lạc hậu. Coca-Cola không thể tiếp tục mãi với một mẩu quảng cáo như “Đây là thứ Thật”, “Coke là vậy đó”... Quảng cáo sẽ mờ nhạt dần đi là điều hiển nhiên. 
 
Quảng cáo có được ý tưởng độc đáo và sáng tạo, không chỉ đem lại doanh thu khủng cho hãng quảng cáo mà còn để lại ấn tượng khó phai trong lòng hàng triệu khách hàng trên thế giới khiến họ công nhận thương hiệu, thậm chí là chỉ trung thành với thương hiệu đó. 
 
“Coca-Cola share” là một trong những chiến dịch quảng cáo toàn cầu gần đây gây được ấn tượng nhất nhờ đánh vào tâm lý bị ám ảnh bởi cái tôi cá nhân của nhiều người. Chiến dịch này cho phép khách hàng có thể chia sẻ hình ảnh những lon/chai Coca-Cola có tên mình hoặc tên bạn bè, người thân trên các trang mạng xã hội.
 
Với lịch sử hơn 100 năm tuổi, Coca-Cola không hiếm những quảng cáo sáng tạo nhưng có lẽ chưa chiến dịch quảng cáo nào của Coca-Cola lại có thể thành công được như “Coca-Cola share”. Coca-Cola đã thực sự tạo nên một hiệu ứng mạnh mẽ chưa từng có tại nhiều nước trên thế giới nhờ chiến dịch in tên khách hàng lên vỏ lon hoặc ứng dụng tự in tên lên vỏ lon rồi chia sẻ trên mạng xã hội. Và ở Việt Nam, cơn sốt “Coca-Cola share” chắc chắn là thành công mà có lẽ chính Coca-Cola cũng không thể ngờ tới.
  
Cũng như vậy, Samsung - Thành công nhờ chiến lược quảng cáo hoàn toàn khác biệt. Samsung đã và đang nỗ lực cải tiến những phương pháp quảng cáo và đặt người tiêu dùng làm trọng tâm trong chiến lược marketing của họ: tập trung vào việc làm thế nào để các sản phẩm và công nghệ của họ có thể mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của người tiêu dùng. Điển hình như các chiến dịch của Samsung trong năm 2015: “Look at Me” - Phương pháp mới hỗ trợ giao tiếp cho trẻ em mắc chứng tự kỷ, “ “Safety Truck” - Công nghệ giúp mở rộng tầm nhìn khi lái xe, “Mọi ngày là ngày khởi đầu” (“Every Day Is Day One”) dành cho các vận động viên lướt sóng và Center Stage”) nâng cao trải nghiệm của người dùng. Hay hành trình tới Rio 2016 của VĐV điền kinh 19 tuổi Margret Rumat Rumar Hassan đến từ Nam Sudan – quốc gia lần đầu tiên có VĐV tham dự một kỳ Thế vận hội. 
 
Mục tiêu của quảng cáo không phải chỉ để đưa ra những thông tin về sản phẩm mà còn để bán ra một giải pháp hay một điều mơ ước. Chính vì thế, xu hướng của quảng cáo hiện đại tại Việt Nam cũng như trên thế giới chính là “Hướng đến những cảm xúc của khách hàng”.
 
Như quảng cáo Tết vừa rồi của Neptune đã lay động hàng triệu triệu trái tim người Việt. Chỉ vỏn vẹn hơn 3 phút nhưng đoạn clip đã mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem. Trong đó, cái đáng quý nhất chính là khơi dậy trong hầu hết chúng ta ý nghĩa thật sự của ngày Tết đoàn viên, và giá trị thiêng liêng nhất không gì sánh bằng tình thân gia đình.
 
Ai cũng có thể dễ dàng nhận ra chính bản thân mình trong đoạn video clip Tết của nhãn hàng dầu ăn Neptune. Bởi chắc chắn trong chúng ta, ai cũng đã từng một lần gọi điện thoại cho gia đình xin vắng mặt trong những ngày lễ hay dịp Tết. Cuộc sống bận rộn đôi khi khiến chúng ta thờ ơ với những điều đơn giản nhất, sự sum họp cùng gia đình.
 
Vì thế, ngay khi vừa xuất hiện đoạn clip đã nhận được hơn 6.814 lượt thích và gần 1.000 bình luận chia sẻ, đồng cảm. Nội dung tuy đơn giản, gần gũi nhưng lại có sức “nặng”. Ai cũng chợt bừng tỉnh nhận ra bấy lâu đã thật sự vô cảm trước sự mong ngóng của cha mẹ ở quê nhà.
 
Hình ảnh hai ông bà loay hoay đón Tết một mình, chạnh lòng trước giây phút quây quần của gia đình hàng xóm với con cháu khiến người xem không khỏi xót xa. Và rồi câu nói “Cái gì cũng có, chỉ thiếu chúng nó” của người bà như làm vỡ oà cảm xúc.
 
Có thể nói, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên vàng của quảng cáo. Các quảng cáo được thể hiện đã đi theo rất nhiều chủ đề, cũng như rất nhiều những hướng đi Nếu như ở năm ngoái, các quảng cáo được chú ý nhất thường đánh mạnh vào tình cảm, xúc động và lòng trắc ẩn thì đến với xu hướng năm nay, các quảng cáo đã phong phú hơn rất nhiều với những chủ đề của cuộc sống. 
 
Điều đó cho thấy các nhà tiếp thị đang nỗ lực đa dạng hóa chiến lược để gây bất ngờ cho người tiêu dùng. Nếu nhất thiết phải chỉ ra một nét chung thì đó là các nhà tiếp thị đang ngày càng đẩy mạnh các công cụ truyền thông trực tuyến, và dựa vào sức mạnh của sự chia sẻ để tăng độ phổ biến và hiệu quả của các chiến dịch quảng cáo. 
 
Và có thể nói: “Làm kinh doanh mà không có quảng cáo thì giống như nháy mắt tỏ tình với 1 cô gái trong bóng đêm. Bạn biết bạn đang làm gì nhưng chẳng ai khác biết cả.” Chính vì vậy quảng cáo đã trở thành một hoạt động kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường. 
 
                                                                                                                                                                           (Còn nữa)