Cạnh tranh sôi động giành thị phần bia Việt Nam

Cạnh tranh sôi động giành thị phần bia Việt Nam

10/04/2018 1205
Trước sức hấp dẫn của thị trường bia Việt Nam khi cán mốc tiêu thụ 4 tỷ lít trong năm 2017 đã khiến các doanh nghiệp (DN) sản xuất bia cả nội lẫn ngoại liên tục tung ra những “chiêu” mới để tăng sản lượng, mở rộng thị phần. Tuy nhiên, nếu không có những chiến lược bài bản, cùng sự đầu tư trang thiết bị, công nghệ, đổi mới cả về hình thức lẫn chất lượng sản phẩm thì các hãng bia nội khó lòng cạnh tranh sòng phẳng.

Thị trường béo bở

 

Hiện nay, với mức thu nhập trung bình và nhu cầu tiêu dùng tăng cao, người tiêu dùng (NTD) Việt Nam đang ngày càng chú trọng hơn tới chất lượng của các sản phẩm bia. Họ đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao hơn, có xu hướng tiêu thụ các sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp hơn. Nếu trước đây bia Việt Nam chỉ phải cạnh tranh giành thị phần với các hãng bia ngoại do mở cửa hội nhập, thì nay sự cạnh tranh này lại đến từ chính các hãng bia trong nước, thậm chí còn gay gắt hơn trước trong việc đa dạng hoá sản phẩm. Điều này thể hiện ở các hãng bia trong nước liên tiếp ra mắt sản phẩm bia lon, chai mới với thiết kế bắt mắt, hiện đại, tinh tế và nhất là chất lượng ngày một cao với sự điều tra khẩu vị kỹ lưỡng hơn, để có thể làm hài lòng khách hàng nhằm gia tăng thị phần một cách nhanh chóng.

 

Bởi trên thực tế, các thương hiệu bia trong nước đã không còn độc chiếm thị phần theo vùng miền như trước mà đã mở rộng thị trường hơn. Ngay tại TP Hà Nội, trước kia là thị trường chính của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) với các sản phẩm bia Hà Nội, Trúc Bạch thì nay DN này đã không còn nắm thế độc tôn. Thay vào đó, ngày càng nhiều NTD ưa thích sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh khác như bia Saigon Special, Heineken, Tiger, Carlsberg, Budweiser,… Điều đó cho thấy, khi sự phân hóa thị trường theo vùng miền dần được xóa bỏ sẽ là tín hiệu tốt cho triển vọng phát triển thị phần của các hãng bia.

 

Đại diện Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Hà Nội cho rằng, trong 5 năm vừa qua, mức độ cạnh tranh ngành bia nói riêng chưa bao giờ lại khốc liệt như vậy. Bên cạnh hàng trăm cơ sở sản xuất bia trong nước thì đã có sự xuất hiện của nhiều hãng bia lớn nhất thế giới đến từ Đức, Bỉ, Nhật Bản, Thái-lan,... Các hãng bia ngoại với tâm lý muốn thôn tính thị trường Việt Nam cho nên họ rất linh hoạt trong chiến lược quảng cáo, tiếp thị, nhất là phần chiết khấu lại cho các nhà phân phối, đây là điều mà các DN sản xuất bia trong nước không thể chạy đua. Mặc dù các hãng bia nội vẫn đang thống lĩnh thị trường trong nước bằng việc tiếp tục đầu tư, mở rộng thị trường toàn quốc cũng như đa dạng các sản phẩm để tiếp cận thêm nhiều đối tượng khách hàng, nhưng để cạnh tranh và giữ vững được thị trường với các hãng bia ngoại thì các DN bia nội phải tập trung vào làm tốt việc xây dựng thương hiệu và hệ thống phân phối ngay từ đầu, cùng với đó là cần bảo đảm chất lượng của sản phẩm theo đúng khẩu vị truyền thống. Dù có lợi thế khi số lượng lớn NTD Việt thường ủng hộ các dòng sản phẩm trong nước, nhưng các hãng bia nội cần nỗ lực nhiều hơn để nâng cao hình thức bao bì, chất lượng, giá cả thật sự cạnh tranh thì mới giữ vững được thị trường lâu dài.

 

Gia tăng vị thế bia Việt

 

Với nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn, yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao cũng đặt ra cho các DN sản xuất bia phải nỗ lực đổi mới trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Và thực tế, cuộc cạnh tranh trên thị trường bia ngày càng sôi động với sự mở rộng đầu tư của các công ty bia trong nước nhằm gia tăng vị thế. Thương vụ được trông đợi nhất với những nhà sản xuất bia từ cuối năm 2017 đã có kết quả khi Tập đoàn ThaiBev của tỷ phú Thái-lan thông qua một pháp nhân tại Việt Nam là Công ty TNHH Vietnam Beverage đã mua lại gần 54% số cổ phần nhà nước tại Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

 

Đây được xem là tín hiệu khởi đầu cho một cuộc chiến mới giữa các hãng bia. Bởi vừa qua, Sabeco đã đặt mục tiêu nâng thị phần bia trong nước từ 40% lên 50% và đạt sản lượng tăng từ 1,7 tỷ lít bia lên 2 tỷ lít bia trong thời gian tới khi đẩy mạnh đưa sản phẩm vào mạng lưới bán lẻ của hãng bia ThaiBev. Tham vọng này của Sabeco là hoàn toàn có thể đạt được do hãng này hiện có tới 10 công ty thương mại khu vực với khoảng 1.200 đại lý cấp 1.

 

Đặc biệt, ThaiBev hiện cũng đang nắm cổ phần lớn hoặc cổ phần chi phối tại những DN hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực phân phối hay ngành hàng thực phẩm chế biến tại Việt Nam như Vinamilk, đại siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam, hệ thống phân phối Phú Thái hay khách sạn 5 sao Melia Hà Nội. Chưa kể tới một đồng hương Thái-lan khác cũng đang nắm giữ hệ thống siêu thị Big C, một hệ thống bán lẻ lớn bậc nhất và rất nhộn nhịp tại Việt Nam.

 

Với sự đầu tư mạnh mẽ cùng chiến lược kinh doanh bài bản thừa hưởng từ ThaiBev, nhiều người tin rằng Sabeco sẽ có thêm trợ lực để gia tăng vị thế trước các đối thủ. Ngoài ra, Sabeco đang có hơn 20 nhà máy sản xuất bia trên cả nước khai thác mạnh tại thị trường miền nam và dần đẩy mạnh ra thị trường miền trung và miền bắc. Đồng thời, Sabeco còn có cả quy trình sản xuất khép kín bao bì kim loại riêng. Như vậy, khi sở hữu được một nền tảng quá vững chắc sẽ tạo được một lực đẩy không hề nhỏ cho Sabeco dần chiếm lĩnh thị trường bia Việt Nam trước các đối thủ cả nội lẫn ngoại.

 

Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam Nguyễn Văn Việt cho rằng: “Việt Nam đang trở thành thị trường đáng chú ý nhờ vào văn hóa ẩm thực đường phố khiến mức tiêu thụ bia liên tục tăng. Vì vậy, việc mua số lượng lớn cổ phần các công ty bia trong nước để tham gia ngay vào thị trường là chiến lược đúng hướng mà các tập đoàn nước ngoài đang nhắm đến, đặc biệt mong muốn được sở hữu các nhà máy bia với công suất lớn hiện có cùng hệ thống phân phối rộng khắp, lâu đời của các hãng bia trong nước. Đây chính là điểm nhấn mà các hãng bia lớn đã đổ bộ vào Việt Nam trong thời gian qua.

 

Trước thực tế nêu trên, đòi hỏi các DN sản xuất bia trong nước phải tạo lối đi riêng, trong đó việc đẩy mạnh đầu tư thiết bị, công nghệ, nâng cao chất lượng, thay đổi nhãn mác, bao bì… là điều tất yếu để tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, để DN sản xuất bia Việt Nam cạnh tranh tốt cần có những chính sách hỗ trợ của Nhà nước về các giải pháp, chính sách... Bên cạnh đó, việc giữ vững và phát triển thương hiệu cũng như uy tín đòi hỏi DN cần có sự chủ động, dự đoán chính xác và có chiến lược phù hợp với những biến động trên thị trường, qua đó cải thiện hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trong ngành”.

 

Minh Dũng

Theo Báo Nhân Dân