Ăn dầm nằm dề để… đòi lại thương hiệu

Ăn dầm nằm dề để… đòi lại thương hiệu

15/11/2017 2254
(Dân Việt) Nhiều doanh nghiệp đã phải khăn gói đi kiện khắp nơi, “ăn dầm nằm dề” ở các cơ quan công quyền để đòi lại thương hiệu do chính họ gây dựng nên.

Đây cũng là hệ quả của việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái đang vốn rất nhộn nhịp, bát nháo trên thị trường hiện nay.

 

Ông Thái Tuấn - Giám đốc công ty TNHH Chế biến thực phẩm Tân Huê Viên, chủ thương hiệu bánh pía Tân Huê Viên, cho biết, nhiều năm liền, ông là nạn nhân của các đối tượng sản xuất hàng giả, hàng nhái.

 

Bức xúc vì bị giả thương hiệu, ông Tuấn từng phải khăn gói ra tận Hà Nội, bỏ công bỏ việc, “ăn dầm nằm dề” mấy tháng trời ngoài Bắc để đòi lại thương hiệu. Ông Tuấn kể uất ức lên đến tột đỉnh khi vài lần ông đi siêu thị, thấy quầy bánh pía Tân Huê Viên bị chèn thêm bánh của một doanh nghiệp khác, có cơ sở ở Hà Nội. Khi cầm sản phẩm lên xem thử thì thấy, doanh nghiệp này cũng lấy hiệu “đặc sản Sóc Trăng” do ông Tuấn đã đăng ký bản quyền.

 

“Họ bán giá rẻ hơn sản phẩm thật. Trong khi chúng tôi vì bị nạn hàng giả mà rơi vào khó khăn, mất thị trường, mất khách hàng và thương hiệu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chưa kể, có giai đoạn công ty còn phải ngưng sản xuất, cả ngàn công nhân không có việc làm… Thế nhưng, khi tôi khởi kiện, đơn vị sai phạm chỉ bị xử phạt 100 triệu đồng” – ông Tuấn kể.

 

“an dam nam de” de… doi lai thuong hieu hinh anh 1Một lô hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng trị giá hơn 20 tỷ đồng vừa được cơ quan chức năng TP.HCM tiêu hủy

 

Cũng là một trong những doanh nghiệp nhiều lần “than trời” vì hàng giả, hàng nhái, lãnh đạo Công ty Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân (Bita’s) bức xúc vì việc khiếu nại, thời gian xử lý các đối tượng làm hàng giả, hàng nhái kéo dài và… hầu như không có kết quả gì.

 

Vị này cho biết, nếu như một sản phẩm dép xăng-đan của công ty có giá 300.000 – 400.000 đồng/đôi thì ở trên thị trường, một đôi dép có mẫu mã tương tự, chất liệu na ná chỉ có giá hơn 100.000 đồng. Chưa kể, các sản phẩm giày dép công ty bị làm nhái với các dấu hiệu nhận diện hoàn toàn giống nhau, người tiêu dùng dễ nhầm lẫn. Mặc dù vậy, Bita’s đã nộp đơn khiếu nại lên cơ quan chức năng nhưng gần… 6 năm qua vẫn chưa được xem xét. 

 

Tại tọa đàm về chống hàng gian, hàng giả tổ chức mới đây ở TP.HCM, luật sư Đỗ Hải Bình - Văn phòng luật sư Quốc Anh (Đoàn luật sư TPHCM), cho rằng các chế tài đối với việc sản xuất hàng giả đã được quy định đầy đủ nhưng mức xử phạt hiện chưa đủ sức răn đe.

 

Theo đó, Bộ luật Hình sự hiện hành đã có mức chế tài tăng nặng, ngoài xử phạt còn chế tài cả pháp nhân, tước giấy phép kinh doanh, phạt tù... Nhưng thực tế, việc tước giấy phép không ngăn chặn được hành vi sản xuất hàng giả, bởi những người có ý đồ làm ăn gian dối có thể thành lập công ty mới một cách dễ dàng... Chưa kể, việc tố cáo, phát hiện các cơ sở sản xuất hàng gian, hàng giả của cơ quan chức năng cũng chưa thật sự quyết liệt.

 

Theo Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, từ đầu tháng 11 đến nay, các đội quản lý thị trường kiểm tra, phát hiện hơn 360 tấn hóa chất công nghiệp, phân bón các loại là hàng trôi nổi, không có hóa đơn chứng từ... Hải quan TPHCM cũng đã kiểm tra, phát hiện khoảng 130 vụ buôn lậu, gian lận thương mại. Tổng trị giá hàng hóa lên tới 120 tỷ đồng. Còn theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TPHCM, trong 10 tháng đầu năm nay, có 142 đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái bị xử lý, phạt hành chính hơn 2,7 tỷ đồng.

 

Theo danviet