Các hình thức quảng cáo truyền hình

Các hình thức quảng cáo truyền hình

17/03/2017 3061

Sau khi người cậy quảng cáo (chủ quảng cáo) đã bằng lòng về một đài hay mạng truyền hình nào rồi, người ấy bắt đằu nghĩ đến hình thức quảng cáo có hiệu quả nhất so với ngân khoản dự chi của mình.

 

Nên quảng cáo mặt hàng hay quảng cáo tên tuổi ? 

 

Chúng ta biết rằng có hai loại quảng cáo: quảng cáo công dụng để giới thiệu hiệu năng của một thương phẩm ( mới ra lò hay trở lại thị trường sau một thời gian vắng bóng tùy theo giai đoạn nào trong chu kỳ phát triển (PLC = Product Life Cycle) của thương phẩm đó) và lối quảng cáo tô bồi hình ảnh (Image) hay để nâng cao uy tín và danh tiếng (Notoriety) cho hãng nói chung.

 

Lối quảng cáo thứ nhất dựa trên định đề là thương phẩm cũng như con người có sinh, lão, bệnh, tử và ...đi đầu thai kiếp khác. Lúc đầu thương phẩm được tung ra thị trường (thời kỳ A trong đồ biểu), được phát triển (thời kỳ B), trải qua một thời kỳ toàn thịnh (thời kỳ C), sau đó thị trường bão hòa thì nó cũng bắt đầu suy thoái (thời Kỳ D). Điều đó không có nghĩa là nó sẽ gục chết. Các nhà tiếp thị sẽ đem nó xuất khẩu qua một quốc gia hay khu vực khác mà người ta mới bắt đầu biết tới nó. Như thế, nó bước vào chu kỳ phát triển quốc tế của thương phẩm (IPLC hay International Product Life Cycle) và điều đó không ngăn cản nó trở về lại nơi cha sinh mẹ đẻ khi được nhập cảng ngược trở lại (Reverse Importing) và tái sinh (Revival) trên thị trường.

 


Chu kỳ phát triển (quốc tế). Thương phẩm suy thoái (thời kỳ D ở nước X, Y) được chuyển qua thị trường kế tiếp (thời kỳ A ở nườc Y, Z). Trongthời đại kinh doanh toàn cầu (mô hình thác nước (waterfall) như hình vẽ trên nhìn theo chiều ngang) có thể được thay thế bằng mô hình vòi sen (shower) , theo đó, một mặt hàng được tung ra và toả ra theo hình nón đồng thời ở cả ba thị trường X,Y,Z.

 

Lúc mới được tung ra thị trường, thương phẩm cần được giới thiệu ồ ạt nhất là khi nó phải đương đầu với các đối thủ, nhưng sau đó nó chỉ cần được nhắc nhở là đủ, trừ khi người chế tạo cho nó thêm một chức năng nào khác và giới thiệu nó lần nữa trên thị trường.

 

Lối quảng cáo thứ hai này dựa trên khái niệm "tài sản của nhãn hiệu" (Brand Equity) nghĩa là " tên tuổi của một mặt hàng cũng là tài sản của hãng" vì nó làm cho hàng của hãng sản xuất ra nó bán chạy và bán cao giá hơn đầu về mặt nguyên liệu và phẩm chất, nó có thể chỉ ngang ngữa với các sản phẩm cùng lứa. Những "nhãn hiệu có giá" nhất có thể ước tính bằng số tiền chủ quảng cáo đổ vào để gây dựng nên nó. Theo Moules (dẫn bởi D. Bennett trong S.Monye, 1997), sau đây là năm nhãn hiệu đắt tiền nhất thế giới tính theo đơn vị tỷ đô-la:


 

1) Marlboro 44,6
2) Coca-Cola 43,4
3) McDonald's 18,9
4) IBM 18.5
5) Disney 15,4

 

Quảng cáo sản phẩm Coca-Cola nói chung và quảng cáo Coca Diet với độ đường thấp đặc biệt dành cho người kiêng thức ngọt là hai hình thức quảng cáo khác nhau. Loại đầu tiên có thể dùng lối quảng cáo bằng chương trình tiết mục truyền hình (sponsoring commercial hay time commercial), loại thứ nhì có thể dựa trên phim (ngắn) truyền hình (spot commercial).

 

Trong khuôn khổ lối quảng cáo thứ hai, ta cũng có thể mở một dấu ngoặc để nói đôi lời về lối quảng cáo mà chính hãng buôn tự quảng cáo cho hình ảnh của mình (Corporate Advertising), còn gọi là quảng cáo giao tế xí nghiệp (PR Advertisng) hay quảng cáo khuyếch trương nghiệp vụ (Institutional Advertising). Hãng ATT (Viễn Thông Hoa Kỳ) đã thử lối quảng cáo này từ năm 1908 (theo Bellaire) và được các hãng khác như Dupont (Hoá học), United States Steel (Luyện kim), General Electric (Điện khí), Chrysler (Ô -Tô)... theo gót. Truyền hình được coi như môi thể lý tưởng cho loại này vì nó sử dụng vừa hình ảnh, vừa âm thanh, vừa động tác ....và có độ truyền đạt đến quảng đại quần chúng. Để thu hoạch được hảo ý của khán thính giả, họ thường nói về mình qua những chủ đề như sự lương thiện, khả năng mướn nhân viên, có nhiều cổ đông, yêu đất nước, chuộng tự do, tiên khu trong kỹ thuật, cung cấp mặt hàng có chất lượng cao vv...Cùng lúc, họ cũng đề ra những mục đích cao đẹp hay "sứ mạng" của họ nữa.

 

I. QUẢNG CÁO BẰNG CHƯƠNG TRÌNH, TIẾT MỤC TUYỀN HÌNH (TIME COMMERCIAL)

 

Để thực hiện hình thức quảng cáo này, quảng cáo chủ phải đạt được những điều kiện sau:

- Có trong tay chương trình hay tiết mục truyền hình với nội dung mong muốn

- Có trong tay khoanh giờ nhiều khán giả xem để chiếu nó ra.

Chủ quảng cáo có thể chọn một trong ba lối sau đây để có trong tay chương trình tiết mục để chuyên chở thương điệp của mình:

- Mua sản phẩm của đài hay mạng truyền hình làm ra;

- Mua sản phẩm của đài và của nhà sản xuất chuyên nghiệp hợp tác làm ra;

- Mua thành phẩm của nhà sản xuất chuyên nghiệp dành cho truyền hình (packager). Lối này hiện nay phổ biến nhất.

Từ năm 1959, A. Bellaire đã phân loại cách bảo trợ (sponsorship) chương trình để dùng nó như công cụ quảng cáo cho mình theo những phương thức như sau:

1) Phương thức một mình một cõi (Full Program Sponsorship) trong đó người chủ quảng cáo cung cấp chương trình mỗi tuần.

2) Phương thức trao đổi luân lưu (Alternate Sponsorship) hai chủ quảng cáo thay nhau mỗi người chịu trách nhiệm một tuần nhưng chủ quảng cáo bạn cũng được góp mặt mỗi tuần.

3) Phương thức phân chia nhiều mảnh (Segment Sponsorship) một số chủ quảng cáo cắt chương trình (thường dài trên một tiếng đồng hồ) một buổi ra từng mảnh và chia phí tổn.

4) Phương thức giải toả ngân sách (Budget Relieve) tùy theo mùa và tùy theo lợi ích của mình, hai chủ quảng cáo có thể nhường phần chương trình mình đang nắm cho bạn để hai bên cùng có lợi.

5) Phương thức tiết mục thịnh diễn (Special Event): cung cấp chương trình đặc biệt có tỷ lệ thính thị cao như tuyển cử, phát thưởng, trận đấu thể thao.

6) Phương thức tiết mục đặc biệt (Special Program): cung cấp chương trình như kịch, âm nhạc, phóng sự, tạp hý nhưng không thuộc loại thường xuyên hàng tuần mà chỉ được lập trình đặc biệt ở một thời điểm nào đó.

7) Phương thức chương trình thời sự (News Program)

8) Phương thức chương trình giờ trống (Participating Program) bằng cách cung cấp những chương trình vào giờ trống (Fringe Hours) như trước 9 giờ sáng và sau 11 giờ đêm để được giá rẻ.

9) Phương thức chương trình ngắn buổi trưa: ví dụ chương trình ngắn 15 phút như phim kịch chương hồi, đố vui, tạp hý, dạy làm đẹp ...nhắm các bà nội trợ.

 

Trước đây, các hãng quảng cáo phụ trách cả việc chế tác cho khách chương trình tiết mục dành vào việc quảng cáo. Đó là truyền thống có vào thời kỳ chỉ có quảng cáo truyền thanh. Ngày nay, các hãng quảng cáo tuy bắt buộc phải có kiến thức tối thiểu về phim ảnh để được việc cho khách nhưng ít khi trực tiếp nhúng tay vào việc chế tác chương trình tiết mục nữa. Các hãng quảng cáo hàng năm kiểm tra các mặt hàng (văn bản, băng từ và phim đủ mọi tiết mục) để góp ý với khách và có lúc, môi giới cho khách những nhà sản xuất có thể thực hiện chương trình thích hợp với yêu cầu.

 

Quảng cáo chủ nhiều khi ký tên đài thọ một chương trình tạp hý (varieties) mà chỉ biết sơ qua tên tuổi người chủ trương, các vai chính, khái lược về nội dung là cùng. Đó là một thiếu sót nhưng khó làm khác hơn vì lý do kỹ thuật. Trong lãnh vực phim truyển truyền hình, họ có thể có cơ hội xem "phim mẫu" (pilot film), phần giáo đầu của bộ phim trường thiên, trong đó người ta cho biết về tài tử, nhân vật và một số diễn tiến của truyện phim để lôi cuốn người ta xem những phần sau. Nếu họ hài lòng với "phim mẫu", chủ quảng cáo có thể đòi hỏi thêm phần "cương yếu" (outline, phần tách rời rõ ràng vai trò và trách nhiệm của những người chế tạo toàn bộ phim) để tránh việc những đoạn phim sau có thể thiếu chất lượng so với đoạn phim mẫu. Chủ quảng cáo thường dựa trên những thành quả đã đạt được của nhà sản xuất cũng như kinh nghiệm sử dụng phim của chính mình. Tuy nhiên, họ khó có thể cẩn thận đến cùng vì chuyện "đầu voi đuôi chuột " trong giới sản xuất vẫn thường xảy ra và ý thích của quần chúng không phải bất di bất dịch.

 

Ý thích của quần chúng (độ thính thị) dẫn dắt đến quyết định lựa chọn chương trình và lựa chọn đài truyền hình của các quảng cáo chủ. Arther Bellaire đã phân loại chương trình dùng làm cơ sở cho quảng cáo ở Mỹ làm 7 loại như sau:

 

1) Phim Kịch (Drama) như phim truyện thông thường, phim trinh thám, phim mạo hiểm, phim cao bồi Viễn Tây ...)
2) Chương trình thi đố (Quiz) với sự tham gia của khán giả,
3) Chương trình tạp hý (Varieties) ( chung chung, thiên về âm nhạc hay hài hước ...)
4) Tiểu thuyết truyền hình liên tải (Sitcom hay Situation Comedy)
5) Thể thao (Sports)
6) Thời sự (News)
7) Các loại khác (âm nhạc, phỏng vấn ...)

 

Chủ quảng cáo sẽ nghiên cứu các thể loại nói trên để xem loại nào hợp với tên tuổi và mặt hàng của mình, và trong một thể loại nào đó, đâu là chương trình cá biệt có thể sử dụng đựơc. Một trong những tiêu chuẩn lựa chọn có thể là độ thính thị. AC Nielsen cho biết phim cao bồi Viễn Tây có độ thính trị trung bình 27% nhưng trong nhóm này có loại ăn khách (47%) và loại kém ăn khách (20%). Mặt khác, phim hồi hộp trung bình có độ thính thị 27% chẳng hạn thì có phim thu hút khách 36% khán giả, phim khác chỉ có 11% thôi. Lúc đó, tiêu chuẩn kinh phí sẽ được đặt ra để chọn chương trình thích hợp nhất hay hay một pha trộn (cocktail) chương trình nào đem đến hiệu quả nhất.

 

Chủ quảng cáo còn có thể chơi sang khi lựa chọn một chương trình đặc biệt, hiếm có, tuy đắt tiền nhưng gây được tiếng vang.Một tháng trước mùa Giáng Sinh, họ có thể tung ra một chương trình thông báo trước về kế hoạch Đại hạ giá nhằm lôi cuốn khách hàng. Nói khác đi, họ cũng có thể bằng lòng với một chương trình thông thường, khiêm tốn trong dài hạn. Chủ quảng cáo chỉ muốn nhằm vào các bà nội trợ sẽ dùng loại phim liên tải (chương, hồi), kịch, đố vui, tạp hý, nấu nướng vào những ngày trong tuần. Muốn đánh vào một đích nhắm rộng lớn hơn, họ phải đợi ngày cuối tuần. Ví dụ chương trình thi đấu thể thao quan trọng cho chiều thứ Bảy hay chương trình văn hoá, giáo dục đám đông yêu chuộng ngày Chủ Nhật.

II. QUẢNG CÁO BẰNG THƯƠNG ĐIỆP ĐỘC LẬP VỚI CHƯƠNG TRÌNH (SPOT COMMERCIAL)

 

Quảng cáo truyền hình lồng khung trong một chương trình tiết mục truyền hình thường đựơc diễn ra trên mạng quốc gia và có dính líu đến nội dung chương trình. Ngược lại, quảng cáo bằng thương điệp lẻ, độc lập, lưu động hơn. Người ta thường phóng nó lỗ chỗ (spot) trên những đài địa phương vào những giờ trống mà không cần dính dáng gì đến chương trình. Nếu thương điệp lồng dài và đóng khung trong những chương trình ăn khách thì thương điệp lẻ ngắn, chen vào các chương trình thông thường như dự báo thời tiết, tin tức, thể thao.....Có người đã so sánh hai thứ thương điệp này khác nhau như thể nhật báo với tạp chí vậy.

 

Loại thương điệp lẻ là những thông báo lỗ chỗ (Spot Announcement) đựơc dùng nhiều nhất khi người ta đặt nó xen kẻ vào hai chương trình (Spot) hay vào giữa chương trình (Participation).

 

Tại sao ta phải đi phân biệt làm chi thương điệp lẻ với thương điệp lồng trong chương trình vì nhiều khi nó xuất phát từ một gốc. Bellaire giải thích là trong quảng cáo bằng chương trình (Time Commercial) người ta không cần phải sửa soạn công phu. Thương điệp có cơ hội hiện ra trong một hoàn cảnh thích nghi để nói chuyện buôn bán vì chủ quảng cáo đã bỏ tiền ra đài thọ một chương trình hợp ý khán giả. Khán giả đến đó như đến "một chỗ hẹn" và sẵn sàng xem quảng cáo. Trong khi đó những người xem thương điệp lẻ thường không hẳn chú ý tới khung cảnh chung quanh nó cho lắm, mải bận trò chuyện với người khác hay bận tay chỗ này chỗ nọ không chừng.Do đó, nghệ thuật làm thương điệp lẻ là làm sao cho người xem phải chú ý ngay đến mình từ xen đầu đến xen cuối (from first to last scene).

 

III. TIÊU CHUẨN LỰA CHỌN MỘT TIẾT MỤC TRUYỀN HÌNH, KHUNG QUẢNG CÁO

 

Tiết mục truyền hình giống như một chiếc xe để chuyên chở thương điệp nhưng chính bản thân nó cũng là một thương điệp nữa. Chủ nhân quảng cáo cần nghiên cứu kỹ càng mối tương quan giữa tiết mục trình bày và quần chúng khán giả. Chương trình như thế nào thì hấp dẫn khán giả loại nào, tài tử nam nữ nào sẽ lôi kéo được người xem thuộc thành phần nào. Chủ nhân quảng cáo phải "nhận diện" đựơc khán giả một tiết mục truyền hình có phảI là giới khách sẽ mua món hàng của mình hay không, tiết mục ấy có liên quan gần xa gì với món hàng bán hay không. Sau đó ông ta phải biết độ thẩm thấu của tiết mục đó trong quần chúng: người ta xem tiết mục ấy vì tên tài tử, tên người hoạt náo chương trình hay tên tuổi của đài truyền hình ....

 

Chủ nhân quảng cáo xem tiết mục truyền hình tượng trưng cho "bản mặt" của họ và đánh giá nó theo tác dụng chuyển dịch tình cảm của khán giả đối với nó về phía người quảng cáo cũng như chính món hàng.

 

Thương điệp lồng khung trong một tiết mục truyền hình thường dài (30 đến 60 giây hay hơn nữa) so với một thương điệp trình bày lẻ loi. Trong khi thương điệp lẻ phải "phấn đấu" để nói lên tiếng nói của mình vì được đặt trong một môi trường xa lạ, Thương điệp lồng không bị bức bách, nó cứ nương theo nội dung tiết mục trình diễn mà đi. Một tiết mục trình diễn nhiều khi được "đồng hóa" với chủ nhân quảng cáo và như thế, tăng thêm đựơc uy lực cho thương địêp. Ở Nhật chẳng hạn, đài TBS đã dành khâu giờ từ 20 giờ ngày thứ hai cho hãng điện khí Matsushita nên khâu giờ này được gọi là "khâu giờ Matsushita". Cùng một thể ấy, khâu giờ từ 21 giờ ngày thứ hai là "khâu giờ Toshiba". Sự liên kết chặt chẽ giữa một tên hãng với một khâu giờ rất quan trọng vì nó tạo ra khả năng đồng hóa giữa hai vật thể cá biệt nói trên và "điều kiện hóa" phản xạ của khán giả. đến nổi người ta có thể nghĩ nếu ngày nào Matsushita hay Toshiba không bỏ tiền quảng cáo nữa thì hai khâu giờ kia chắc cũng đến mất luôn.

 

Chúng ta còn thấy một điều nữa là các chủ quảng cáo luôn luôn tìm cách kết hợp nội dung của tiết mục trình diễn với ngành nghề của họ mà mục đích nhằm gồm thâu tất cả thiện cảm khán thính giả dành cho chương trình. Những "tình cờ phi lý" có thể xảy ra như khi hãng hàng không JAL (Japan Air Line) của Nhật giới thiệu chương trình đố vui Sekai Fushigi Hakken (Khám Phá Điều Hay Lạ Trên Thế Giới) trong đó, khán giả được đưa đi thăm các danh lam thắng cảnh, cung điện đền đài...như một khách du lịch. Hãng truyền hình TBS đã chiếu một kịch bản chương hồi mà trong đó cứ hồi nào, nhân vật chính của câu chuyện, một thám tử tư, cũng phải đi vào hiệu thuốc tây để mua một hộp thuốc của Công ty dược phẩm Sankyo.

 

Trong những năm 60, hãng buôn Marui đã mua hết chương trình thể thao "Sport News" để chỉ quảng cáo về mình. Cũng vậy, hãng rượu sake Sanraku đã chiếu 40 lần phim quảng cáo rượu của mình vào mỗi ngày chủ nhật. Đó là những hình thức quảng cáo có tính chất toàn trị và áp đặt đã gây nhiều phản ứng không tốt đẹp từ phía những người bênh vực cho sự trong sáng của văn hóa truyền hình.Người chủ quảng cáo, ở Nhật hay ở đâu cũng thế trước hết quan tâm về hiệu quả của thương điệp mình phóng ra. Họ phải nhận xét xem khán giả của một đài nào đó vào một khâu giờ nào đó có phải đích nhắm của mình không đã. Một cuộc điều tra năm 1995 (Yokoyama dẫn, 1997) cho biết 77,1% chủ quảng cáo thương đặt câu hỏi " Những người này có phải là khán thính giả tôi hằng mong đợi không ?", so với 73,4% muốn biết "Nội dung của chương trình có dính líu gì đến hàng tôi bán ra hay không?" và 55,9% đặt trong tâm ở mức độ thẩm thấu trong quần chúng của chương trình qua tỷ suất thính thị. Sau đó mới đến những câu hỏi về giá chế tạo và phóng ảnh, tiếng tăm của đài truyền hình và những người trình diễn cũng như chương trình của các hãng cạnh tranh cung cấp. Hơn phân nữa (57%) các chủ quảng cáo xem phim quảng cáo như "mặt mũi "của mình, 52% coi nó như là phương pháp dễ lôi kéo thiện cảm của khán thính giả đối với mặt hàng.