Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng startup công nghệ đình đám của Trung Quốc Xiaomi (tức Tiểu Mễ - hạt gạo nhỏ) cũng chính thức gia nhập thị trường smartphone Việt Nam thông qua nhà phân phối Digiworld. Với dân số trẻ, yêu thích công nghệ, thị trường Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn đối với các hãng điện thoại trên thế giới nhưng cạnh tranh cũng rất khắc nghiệt. Chính vì thế, cả người tiêu dùng và giới kinh doanh đều đặt câu hỏi: Xiaomi chuẩn bị gì khi đến Việt Nam?
Xiaomi không còn đỉnh
Theo thông tin từ cuộc họp báo hồi giữa tháng 3 vừa qua, việc hợp tác với Digiworld sẽ giúp sản phẩm của Xiaomi được phân phối ở 6.000 điểm bán hàng trên toàn quốc. Về phần mình, Xiaomi sẽ thăm dò thị trường với 1 mẫu smartphone cao cấp Mi Mix giá 16,9 triệu đồng, 2 mẫu ở phân khúc trung bình có Redmi Note 4 là 4,7 triệu đồng và Redmi 4A 2,9 triệu đồng.
Với Mi Mix, giới kinh doanh đều hiểu mục đích chính của Xiaomi là làm thương hiệu, Redmi Note 4 và Redmi 4A mới là dòng sản phẩm chủ đạo. Theo thống kê của Công ty Nghiên cứu Thị trường IDG Việt Nam, giá bán lẻ smartphone trong năm 2016 trung bình là 4,8 triệu đồng. Như vậy với Redmi Note 4 và Redmi 4A, Xiaomi bỏ qua phân khúc từ 1-3 triệu đồng và tham gia trực tiếp vào phân khúc sôi động nhất là từ 3-7 triệu đồng, vốn tập trung nhiều thương hiệu trên thị trường hiện nay. Theo IDC, tính đến quý IV/2016, Samsung đang dẫn đầu thị trường với 29% thị phần, kế đến là OPPO (27%) và Apple (10%).
Mặc dù vậy, ông Wang Xiang, Phó Chủ tịch cao cấp của Xiaomi, cho rằng việc gia nhập thị trường Việt Nam là không trễ. “Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi lên 4G, đây là thời điểm của chúng tôi. Từ trước đến nay, chúng tôi chưa có tiền lệ đưa sản phẩm sử dụng công nghệ kết nối 2G và 3G ra khỏi Trung Quốc”, ông Wang Xiang nói.
Trong trang phục đen, phong thái điềm đạm, ông Wang Xiang luôn nhắc đến khả năng công nghệ của các sản phẩm Xiaomi với mức giá rất cạnh tranh, có thể cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu lớn ở Việt Nam. Nhưng Wang Xiang và các đồng nghiệp của ông không thể giấu sự thật rằng Xiaomi đã không còn mạnh như cách đây 5 năm. Thị phần của hãng đã sụt giảm mạnh ở Trung Quốc hồi năm ngoái: từ vị trí số 1, Xiaomi rớt xuống vị trí số 4, nhường chỗ cho OPPO, Vivo và Huawei. Từ đỉnh cao 45 tỉ USD, chuyên gia phân tích Richard Windsor dự đoán giá trị của Xiaomi chỉ còn khoảng 3,6 tỉ USD.
“Việc mở rộng sang thị trường nước ngoài nhằm tìm lại mức tăng trưởng của hãng. Thật ra không chỉ Xiaomi, nhiều hãng điện thoại Trung Quốc khác cũng áp dụng chiến lược này vì thị trường nội địa giờ đã khó khăn trước sự thống trị của Huawei, OPPO và Vivo”, ông Võ Lê Tâm Thanh, chuyên gia phân tích của IDC Việt Nam nhận định.
Thực tế cho thấy, không chỉ các hãng điện thoại, các nhà sản xuất thiết bị gốc của Trung Quốc cũng qua Việt Nam để tìm kiếm cơ hội vì tốc độ tăng trưởng smartphone ở Việt Nam vẫn cao so với thế giới. Bluboo là một điển hình, ông Quách Thoại Vũ, Giám đốc Công ty Sao Việt, đơn vị phụ trách phân phối và phát triển thị trường Bluboo, cho biết, đối tác đang tìm kiếm cơ hội với các sản phẩm ở mức giá từ 2 - 5 triệu đồng.
Nhưng với 85% doanh thu đến từ việc kinh doanh smartphone, theo Công ty Nghiên cứu Thị trường Counterpoint Research, việc mở rộng sang các nước như Việt Nam cũng không dễ dàng cho Xiaomi hay bất cứ hãng điện thoại Trung Quốc nào. Bởi vì, ở Trung Quốc, Google không được thành lập công ty, nên các hãng điện thoại Trung Quốc có thể kiếm thêm thu nhập từ mảng phần mềm và dịch vụ. Thứ đến, thương mại điện tử ở Trung Quốc rất mạnh, chi phí rẻ, các hãng điện thoại có thể tận dụng kênh này để bán hàng nên dù bán giá thấp họ cũng có lợi nhuận.
Mục tiêu khiêm tốn
Nhưng ở nước ngoài, như Việt Nam chẳng hạn, Google thống trị mảng phần mềm, Xiaomi chỉ có nguồn thu chính từ bán điện thoại. Trong khi đó, thương mại điện tử Việt Nam vẫn chưa phổ biến bằng bán lẻ truyền thống. Với mức giá bán tương đương ở Trung Quốc, thật khó để giải bài toán lợi nhuận của Xiaomi ở Việt Nam khi dùng chiến lược giá rẻ. “Chúng tôi hiểu rằng ở Việt Nam, bán lẻ truyền thống mặt hàng công nghệ vẫn phổ biến. Thực tế, ngay cả ở Trung Quốc, chúng tôi vẫn có cửa hàng bán lẻ, hiện là 52 cửa hàng và dự định sẽ mở 200 cửa hàng trong năm nay”, ông Wang Xiang nói.
Không chỉ riêng thị trường Việt Nam, Ấn Độ hay Đông Âu cũng gặp tình trạng tương tự. Chiến lược của Xiaomi đầu tiên là giành thị phần bằng cách chịu lỗ các dòng sản phẩm chính. Bởi vì, theo ông Wang Xiang, Công ty có thể kiếm thêm lợi nhuận từ các dòng sản phẩm IoT (Internet of Things - xu hướng nhiều thiết bị kết nối internet) như đồng hồ, nồi cơm điện hay xe đạp, TV thông minh. Năm ngoái có hơn 55 triệu thiết bị IoT kết nối vào hệ thống của Xiaomi.
Ở một thị trường mới nổi khác là Ấn Độ, sau 2,5 năm gia nhập Xiaomi hiện đứng thứ 2 thị trường sau Samsung và đang bắt đầu kinh doanh các thiết bị IoT và các dịch vụ dựa trên nền tảng này vốn được kỳ vọng Xiaomi sẽ đưa Công ty về thời đỉnh cao chứ không phải từ bán các thiết bị phần cứng.
“Ở Việt Nam, chúng tôi không đặt nặng doanh thu trong 2 năm tới, mục tiêu chính là phát triển người sử dụng”, ông Wang Xiang cho biết. Tuy nhiên, ngay cả mục tiêu này cũng không hề dễ đối với Xiaomi. Trong đó, nặng nhất là cáo buộc về các phần mềm gián điệp tự động chuyển dữ liệu người dùng Xiaomi về Trung Quốc. Vị đại diện Xiaomi cho rằng rắc rối này xuất phát từ các thiết bị nhập khẩu không qua chính hãng, việc này sẽ chấm dứt kể từ khi đại diện Digiworld phân phối chính thức thiết bị cũa Hãng trong thời gian tới. Cũng phải nói thêm, Digiworld từng phân phối thiết bị Obi, Lumia, Wiko nhưng các sản phẩm này cho đến nay vẫn chưa tạo nhiều dấu ấn ở thị trường Việt Nam.
Cả Digiworld và Xiaomi đều không trả lời về thời hạn của việc hợp tác này nhưng nhiều thông tin cho thấy hợp đồng này có thể kéo dài 2 năm. Với khoảng thời gian ngắn ngủi này, Xiaomi có làm nên chuyện lớn ở thị trường Việt Nam?
Huy Vũ
* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư