Tiếp thị thành công: Không được quên 8 quy tắc cơ bản này

Tiếp thị thành công: Không được quên 8 quy tắc cơ bản này

14/02/2019 1019
Mọi nhà tiếp thị đều làm theo những quy tắc của riêng mình. Một số người thích cách làm đơn giản, một số lại thích những cách làm độc đáo hoặc liều lĩnh, số khác lại thích làm tiếp thị theo... cảm tính. Tuy nhiên, vẫn có những quy tắc chung mà tất cả nhà tiếp thị đều nên tuân theo.

Chẳng hạn, 8 quy tắc tiếp thị thành công dưới đây nhận được sự đồng tình của mọi marketer, theo Entrepreneur:

 

1. Hiểu biết về sản phẩm và khách hàng

 

Quy tắc quan trọng đầu tiên là phải hiểu rõ sản phẩm/dịch vụ của mình từ đầu đến cuối, từ trong ra ngoài. Đây là một quy tắc bắt buộc: ngay từ đầu, bạn phải hiểu thứ mà mình đang bán và những người mà bạn đang bán cho họ. Nhờ đó, bạn mới có thể tiếp thị thành công.

 

2. Hiểu biết về thị trường mình đang cạnh tranh

 

Có một cái nhìn tổng quan về ngành công nghiệp và thị trường mình đang tham gia cạnh tranh (phân khúc thị trường, nhân khẩu học, khu vực…) là một quy tắc quan trọng khác phải tuân theo. Bởi vì nhu cầu, sở thích và những sự đòi hỏi của khách hàng sẽ rất khác biệt ở từng thị trường.

 

Việc tìm hiểu kỹ giúp bạn có thể dành sự ưu tiên cần thiết cho phân khúc khách hàng của mình.

 

3. Xác định rõ các mục tiêu

 

Bất kỳ chiến lược marketing nào cũng phải đảm bảo có một tỷ suất hoàn vốn (ROI) tốt. Nếu không, đầu tư cho tiếp thị chỉ là một sự tiêu tốn thời gian và nguồn lực một cách vô ích.

 

Các mục tiêu cần xác định có thể là doanh thu bán hàng, tỷ lệ chuyển đổi, khả năng hiển thị… Hãy xác định rõ những mục tiêu bạn muốn đạt được, sau đó rút ra các số liệu có thể đo lường được. Sau đó thường xuyên theo dõi và điều chỉnh lại các chiến lược sao cho phù hợp nhất.

 

4. Đừng bao giờ… bán sản phẩm

 

Chiếc chìa khóa quan trọng để bán được sản phẩm của bạn là… “Đừng bán sản phẩm!”. Hãy nhớ rằng, khách hàng của bạn không quan tâm đến việc bạn có thể bán cái gì, mà họ quan tâm đến việc bạn có thể giải quyết các vấn đề của họ như thế nào.

 

5. Quy tắc 80/20

 

Công việc marketing đòi hỏi rất nhiều tiền bạc. Vì vậy các công ty thường xem bộ phận marketing giống như một “cỗ máy đốt tiền” (trừ trường hợp các công ty hoàn toàn B2C – nơi mà nhiệm vụ trực tiếp của marketing là tạo ra doanh thu).

 

Điều quan trọng là tập trung và phân tích các dữ liệu từ ma trận BCG (viết tắt của Boston Consulting Group) – lý thuyết được xây dựng nhằm giúp doanh nghiệp định hướng chiến lược tăng trưởng thị phần bằng cách đưa các danh mục sản phẩm vào 4 nhóm, xác định vị trí của các sản phẩm này trên thị trường để ra quyết định có đầu tư hay không.

 

Hãy dành 80% thời gian và tiền bạc cho những sản phẩm mang về cho bạn tỷ suất hoàn vốn tối đa, và dành 20% thời gian và ngân sách để làm việc với các kỹ thuật mới, chiến lược mới và đầu tư cho các công cụ marketing mới.

 

6. Thường xuyên phân tích chiến lược marketing

 

Việc phân tích những nỗ lực tiếp thị của mình và tác động của chúng nên là một phần việc hằng ngày của các marketer.

 

Điều này sẽ giúp hạn chế những sai lầm trong quá trình thực hiện một chiến lược marketing nào đó. Đồng thời đảm bảo vấn đề truyền thông được thông suốt, biết được cách mà khách hàng hoặc người tiếp nhận thông điệp phản ứng như thế nào đối với thông điệp đó, và chúng tác động đến họ ra sao…

 

7. Cá nhân hóa

 

Một kích cỡ không thể vừa vặn với tất cả mọi người. Hãy chắc chắn rằng bạn đã xác định rõ ràng mọi trải nghiệm của khách hàng (customer journey) lẫn khách hàng tiềm năng.

 

Điều này không còn là một thử thách lớn trong thời đại ngày nay. Việc sử dụng một phần mềm marketing tự động sẽ giúp ích cho bạn, giúp xác định rõ những trải nghiệm khách hàng và những xu hướng hành động ưa thích của họ.

 

8. Cởi mở với các phản hồi

 

Một người làm marketing phải luôn luôn giữ cho mọi giác quan của mình rộng mở. Chúng ta nên biết kiểu đàm thoại nào nên tránh hoặc từ chối, nhưng đồng thời, chúng ta cũng phải hiểu cách để cởi mở đón nhận phản hồi.

 

Thật tuyệt vời khi được nghe những lời tích cực, nhưng không phải mọi việc sẽ luôn diễn ra như vậy. Những lời nhận xét mang tính xây dựng nên được chào đón và chỉ có chúng mới có thể giúp cho thương hiệu trở nên mạnh mẽ hơn.

 

Bích Trâm

Theo Báo Doanh Nhân Sài Gòn Online