Quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo là cần thiết!

Quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo là cần thiết!

09/10/2017 1422
(HNM) - Luật Quảng cáo được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2013, tiếp tục khẳng định vai trò của hoạt động quảng cáo trong đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, cần sớm được điều chỉnh... Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với bà Ninh Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) về nội dung này.

- Thưa bà, sau 5 năm triển khai thực hiện, Luật Quảng cáo đã phát huy hiệu quả như thế nào trong đời sống xã hội?

- Việc triển khai thực hiện Luật Quảng cáo đã đạt được kết quả nhất định. Dễ thấy nhất là luật và các văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý tương đối hoàn thiện, đồng bộ, giúp công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo đạt hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực về nhiều mặt, như: thông báo sản phẩm quảng cáo; chấn chỉnh biển hiệu, bảng quảng cáo; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; quy hoạch quảng cáo... 

Luật Quảng cáo tạo sự thông thoáng nhờ có quy định rõ ràng về hoạt động quảng cáo trên các phương tiện; về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; về hoạt động quảng cáo có yếu tố nước ngoài; cải cách thủ tục hành chính... Cùng với đó, những quy định cấm đối với hoạt động quảng cáo; quy định nội dung, hình thức, điều kiện quảng cáo... đối với hàng hóa, dịch vụ đặc biệt phải bảo đảm tính trung thực, chính xác đã giúp người dân có thêm thông tin để lựa chọn hàng hóa, dịch vụ phù hợp, góp phần đưa hoạt động quảng cáo vào nền nếp.

- Bên cạnh hiệu quả thấy rõ, sau một thời gian triển khai thực hiện, luật cũng bộc lộ một số bất cập. Những hạn chế đó là gì và cần có sự điều chỉnh, bổ sung ra sao?

- Luật có tính đổi mới, tiến bộ, khả thi; sự hạn chế chủ yếu liên quan đến các văn bản hướng dẫn và quá trình thực hiện. Đối với Luật Quảng cáo, nếu có gì cần sửa đổi, bổ sung thì đó là quy định về hàng hóa, dịch vụ hạn chế quảng cáo. Cụ thể, theo quy định về hàng hóa, dịch vụ bị cấm quảng cáo được nêu tại Điều 7 thì ngoài các loại hàng hóa, dịch vụ bị cấm ra, các loại khác đều được quảng cáo. Như vậy thì sẽ có hàng hóa cùng loại với hàng hóa bị cấm nhưng chỉ khác một chút là vẫn được quảng cáo. Do vậy, cần có quy định cụ thể, rõ ràng hơn

Còn một vài điểm hạn chế như quy định khống chế thời lượng, diện tích quảng cáo trên báo nói, báo hình, báo in, tạp chí - như các cơ quan báo chí kiến nghị - thì sửa hay không cũng không có giá trị nhiều, vì thực tế là các cơ quan báo chí cũng chưa sử dụng hết thời lượng, diện tích quảng cáo cho phép. Trong trường hợp cá biệt, với một số cơ quan báo chí có hoạt động quảng cáo phát triển mạnh thì đã có quy định về việc xin phép ra kênh, chương trình, phụ trang, phụ bản chuyên về quảng cáo rồi.

- Để triển khai thực hiện luật hiệu quả thì cần có sự phối hợp, tăng cường trách nhiệm giữa các bộ, ngành liên quan. Điều đó thể hiện như thế nào trong thời gian qua?

- Sự phối hợp thể hiện qua một số việc cơ bản trong công tác ban hành văn bản pháp luật cũng như tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp với các bộ liên quan trong công tác soạn thảo văn bản pháp luật; thanh tra, kiểm tra, lấy ý kiến khi xuất hiện tình huống liên quan tới công tác quản lý; thường xuyên cập nhật thông tin về hoạt động quảng cáo để bảo đảm có được sự phối hợp hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, trong công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo, các bộ liên quan cần chú trọng hơn đến việc thông báo kế hoạch thực hiện và kết quả thanh tra, kiểm tra cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tránh tình trạng chồng chéo hoặc bỏ sót, kịp thời nắm bắt vấn đề phát sinh để có giải pháp xử lý hiệu quả, kịp thời.

- Tại hội nghị tổng kết 5 năm triển khai, thực hiện Luật Quảng cáo, nhiều đại biểu đề xuất ban hành Quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo. Bà có thể cho biết thêm về điều này...?

- Trên thế giới hiện có ba hình thức quản lý: Thứ nhất là Nhà nước quản lý hoàn toàn, thứ hai là ban hành cơ chế tự quản ngành và thứ ba là hình thức đồng quản - kết hợp cả hai hình thức trên.

Nếu áp dụng phương pháp Nhà nước quản lý hoàn toàn thì sẽ hạn chế sự phát triển của hoạt động quảng cáo; áp dụng cơ chế tự quản ngành thì không phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam. Do vậy, để có thể vừa thúc đẩy hoạt động quảng cáo phát triển, vừa tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, Việt Nam cần áp dụng phương pháp đồng quản. Nhà nước quản lý bằng pháp luật, cộng đồng doanh nghiệp tự quản lý trên cơ sở nâng cao ý thức trách nhiệm. Việc ban hành Quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo chính là giải pháp giúp cộng đồng doanh nghiệp nâng cao năng lực, trách nhiệm tự quản. Một khi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và quy tắc đạo đức cùng được đưa vào đời sống, vận hành tốt thì hoạt động quảng cáo sẽ phát triển lành mạnh, thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp, sản phẩm với người tiêu dùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, Quy tắc ứng xử đang được xây dựng với mục tiêu cơ bản là đưa ra được các tiêu chuẩn nhằm tăng cường tính tự giác tuân thủ pháp luật trong hoạt động quảng cáo; thúc đẩy tinh thần quảng cáo có trách nhiệm và khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng cơ chế tự quản, góp phần định hướng hoạt động quảng cáo tại Việt Nam phát triển phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

- Xin cảm ơn bà!

Thanh Thủy

Theo hanoimoi.com