Quảng cáo đang làm mất mỹ quan đô thị

Quảng cáo đang làm mất mỹ quan đô thị

20/12/2017 2549
Ở mỗi đô thị phát triển, quảng cáo đóng vai trò quan trọng trọng việc đưa thông tin cần thiết đến với người dân. Nhưng quảng cáo cũng mang lại sự lộn xộn, mất mỹ quan thậm chí còn gây ô nhiễm môi trường.

Trong mọi ngõ ngách, chỉ cần người dân mở cửa ra thì đập vào mắt họ là những vết sơn quảng cáo xanh đỏ được vẽ nguệch ngoạch trên tường nhà, hoặc các tờ giấy in chữ màu đen dán chi chít khắp nơi. Nội dung thì vô cùng phong phú, từ quảng cáo khoan cắt bê tông đến mua đồ cũ, hút bể phốt…Người dân cứ bóc tờ giấy quảng cáo đi hoặc sơn xóa những vết sơn quảng cáo đó đi thì ngay hôm sau, chúng lại xuất hiện.

 

Hơn thế nữa, những bức tường, hàng rào của người dân, các trụ sở cơ quan, doanh nghiệp… vốn được sơn rất đẹp cũng bị những dòng chữ sơn đen, đỏ, tờ giấy dán quảng cáo làm cho lem nhem, bẩn thỉu.

 

Cùng chung số phận, các cột điện cũng bị dán quảng cáo chi chít từ trên xuống dưới, khiến cho bộ mặt độ thị ngập trong rác quảng cáo. Thậm chí cả những nhà chờ xe buýt cũng bị dán thập cẩm những tờ quảng cáo từ cho vay lãi đến đòi nợ thuê. Những hình ảnh không mấy đẹp đẽ này đã gây phản cảm đến hình ảnh của đô thị, gây nên sự bức xúc không ít cho người dân.

 

Nguyễn Văn Thanh (sinh viên trường báo chí) chia sẻ: “Hàng ngày bọn em đứng chờ xe buýt đến trường mà những tờ rơi dán trong nhà chờ dày ken lại, cái nọ trồng lên cái kia, nội dung câu chữ thì lộn xộn, hôm nào mưa hoặc có gió to là các tờ giấy dán quảng cáo rơi lả tả đầy nhà chờ, nhìn rất mất mỹ quan”.

 

Đó là những tờ rơi quảng cáo nhỏ, còn ở trên các đường phố những biển quảng cáo to được treo đầy trên phố làm che lấp tầm nhìn của người tham gia giao thông vẫn hiện hữu nhan nhản. Những biển quảng cáo siêu lớn và đặt không đúng chỗ đã làm bộ mặt bộ thị trở nên lộn xộn.

 

Mặc dù chính quyền Hà Nội đã từng ra tay dọn rác quảng cáo, nhưng việc chỉnh trang mỹ quan đô thị vẫn chưa thực sự quyết liệt nên sau một thời gian dài ra quân rầm rộ để cạo bóc những mẩu tin quảng cáo thì những bức tường loang lổ những vết sơn vẫn còn và vẫn có những tờ rơi quảng cáo lén lút dán lên ngày một dày. Thậm chí quảng cáo còn được thay hình thức tinh vi “khó đỡ” hơn đó là đóng dấu lên tường.

 

Vẫn biết quảng cáo là một nhu cầu tất yếu trong xã hội phát triển, việc tiếp thị đến người tiêu dùng là một sự tương tác hiệu quả của thương hiệu. Nhưng quảng cáo cũng cần phải có bản sắc và văn hóa để không gây phản cảm, nhếch nhác mất mỹ quan đô thị. Lúc đó thương hiệu mới được người dân chú ý đến.

 

PGS.TS Phạm Hùng Cường - Trưởng bộ môn Quy hoạch, Khoa Kiến trúc - Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh: “Phải hiểu rằng, quảng cáo là một loại hình, một bộ phận của không gian nhưng không phải là yếu tố chủ đạo, làm biến đổi không gian. Theo đó, phải trả lời được câu hỏi quản lý quảng cáo thế nào? Trách nhiệm thuộc về ai? Hiện nay công tác quảng cáo tại đô thị đang giao toàn quyền cho các cơ quan văn hoá quản lý, thiếu hẳn bước thiết kế đô thị làm định hướng khung cho quảng cáo, dẫn đến các nhà làm quảng cáo và các nhà quản lý hết sức lúng túng, thực hiện tuỳ tiện.

 

Đã đến lúc phải có những quy định cụ thể hơn cho việc thiết kế quảng cáo trong đô thị mà nội dung thiết kế đô thị phải có một vai trò quan trọng trong việc đề xuất yêu cầu, nguyên tắc kiểm soát quảng cáo”.

 

Nhằm đưa hoạt động quảng cáo vào trật tự, nề nếp, đúng quy định, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa có Kế hoạch số 337/KH-SVTTT về tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo. Sở sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành, quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố tới các ngành, các cấp và nhân dân, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo.

 

Hi vọng với những quy chế quản lý hoạt động quảng cáo chặt chẽ, Hà Nội sẽ không còn bị bủa vây bởi rác quảng cáo.

Hạ Ly

Theo baoxaydung.com.vn