Ông chủ nội thất tự phục vụ chia sẻ bí quyết marketing 0 đồng

Ông chủ nội thất tự phục vụ chia sẻ bí quyết marketing 0 đồng

05/03/2018 1842
Không chỉ sở hữu chuỗi 10 cửa hàng nội thất tự phục vụ trên địa bàn TP.HCM, Đỗ Thanh Tịnh, chủ thương hiệu nội thất Tứ Hưng còn có niềm đam mê viết sách và đi dạy.

1 năm xuất bản 3 cuốn sách về khởi nghiệp

 

Với Tịnh, đi dạy là niềm vui còn viết sách là thôi thúc tự tâm can. “Ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, tôi đã xây dựng bộ quy trình chi tiết và đầy đủ cho mọi phòng ban. Các trưởng bộ phận cứ bám theo đó mà làm. Không có tôi, doanh nghiệp vẫn chạy tốt. Thời gian rảnh, tôi đi dạy và viết sách. Đó không chỉ là đam mê chia sẻ những kinh nghiệm của mình với cộng đồng mà còn là hình thức marketing không đồng rất hiệu quả”, Tịnh cho hay.

 

Với chương trình “Lò ấp khởi nghiệp”, đến nay, Tịnh đã tham gia giảng dạy nhiều khóa học với số học viên lên tới hơn 1.000 người.

 

Đáng chú ý, chỉ trong năm 2017, Tịnh đã cho xuất bản 3 cuốn sách về khởi nghiệp, mỗi cuốn xuất bản 3.000 bản. “Mỗi cuốn sách đến tay người đọc là thêm 1 cơ hội marketing miễn phí cho Tứ Hưng. Hóa ra mình cho đi nhưng nhận lại rất nhiều”, Tịnh chia sẻ.

 

 

Cuốn đầu tiên “Khởi nghiệp 0 đồng chinh phục triệu đô”. Đây là cuốn sách chia sẻ về cảm hứng khởi nghiệp dựa trên câu chuyện có thật từ hành trình khởi nghiệp kinh doanh của Tịnh.

 

Cuốn thứ hai “Khởi nghiệp thực chiến cận thị trường”. Nội dung cuốn sách viết sâu về chiến lược kinh doanh, cách bán hàng, làm marketing… để giúp việc kinh doanh đạt hiệu quả cao.

 

Với cuốn “Kiếm tiền đường phố”, Tịnh tiếp tục chia sẻ công thức khởi nghiệp, những sự chuẩn bị cần thiết của một người khi bước chân vào con đường kinh doanh riêng.

 

 

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp ngay từ khi mới khai sinh

 

Tịnh chia sẻ, có nhiều doanh nghiệp chỉ lo kiếm lợi nhuận chứ không để tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Nhiều chủ doanh nghiệp còn cho rằng, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp chỉ dành cho những doanh nghiệp lớn.

 

 

 

“Ai cũng chăm chăm lo kiếm tiền nhưng lại không biết rằng, văn hóa chính là cái gốc của doanh nghiệp. Gốc mà không vững thì sao doanh nghiệp đứng vững. Vì vậy, bất cứ khi nào doanh nghiệp được khai sinh, thì từ lúc đó bạn phải lo tạo dựng và giữ gìn văn hóa doanh nghiệp mình. Xây dựng văn hoá doanh nghiệp cũng là một trong những đòn bẫy giúp doanh nghiệp đi xa, đặc biệt doanh nghiệp đang trong giao đoạn startup”, Tịnh khẳng định và cho rằng, có 7 bước xây dựng văn hoá doanh nghiệp ít tốn kém dành cho các starup.

 

Thứ nhất là nghi thức ghi nhận. Đó là một buổi “tiệc nhỏ” chào mừng thành viên mới, “tiệc vừa” để chia tay nhân viên nghỉ việc, “tiệc lớn” vừa để khen thưởng tập thể, cá nhân xuất sắc hàng tháng và để tổ chức sinh nhật cho nhân viên. Mọi hoạt động này cần lồng ghép vào chính sách công ty và truyền thông nội bộ để tất cả các nhân viên được biết.

 

Thứ hai là đi chơi cùng nhau. Hằng năm nên tổ chức cho công ty đi du lịch từ 2 đến 4 lần để các thành viên công ty có thời gian ở bên nhau chia sẻ buồn vui, tâm tư từ cả 2 phía giúp mọi người hiểu nhau hơn.

 

Thứ ba là chia sẻ ước mơ. Những ông chủ hãy biết chia sẻ công khai những hoài bão của mình để “mưa dầm thấm lâu”, nhân viên biết ý và nỗ lực cùng phát triển công ty.

 

Thứ tư là chia sẻ giá trị sống nhân văn. Công ty nên có các hoạt động giúp đỡ những thành viên khó khăn như ốm đau, mất mát. Hoặc giúp đỡ cộng đồng thông qua các chương trình thiện nguyện.

 

Thứ năm: xây dựng chính sách cùng phát triển. Bạn làm chủ khi thành công bạn được gì, nhân viên theo bạn họ được gì, hãy rõ ràng những chính sách thưởng để cả công ty cùng phát triển như chia cổ phần, hỗ trợ mua nhà, cưới hỏi…

 

Thứ sáu: xây dựng văn hoá ứng xử. Nếu chủ doanh nghiệp chửi thề, nhân viên sẽ chửi thề, chủ doanh nghiệp không cam kết cao thì nhân viên cũng hay hứa lèo với khách hàng. Mọi thứ cần được đưa vào khuôn mẫu để “sóng trước xô sao, sóng sau xô đó”.

 

Thứ bảy, xây dựng môi trường văn hoá thể thao lành mạnh. Nếu có đủ người hãy thành lập đội bóng, mở phòng gym… trong công ty để nhân viên rèn luyện thể thao, tạo động lực cho nhân viên gắn bó với công ty hơn.

 

A.D

Theo Tri thức trẻ