Nhượng quyền thương mại ở Việt Nam "nóng" trở lại

Nhượng quyền thương mại ở Việt Nam "nóng" trở lại

26/06/2019 1163
Đã có nhiều hãng thực phẩm và đồ uống của Singapore tiến vào thị trường Việt Nam thông qua con đường nhượng quyền thương mại như Ya Kun Kaya Toast, Jumbo Group, Xiao Ban...

nhuong-quyen-thuong-mai-o-Viet-Nam-nong-tro-lai-1
BreadTalk – một trong những thương hiệu thực và phẩm đồ uống đa quốc gia đã thành công tại thị trường Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực.

 

“Sân chơi” hấp dẫn của các thương hiệu lớn

 

Đáng chú ý mới đây đã có một đoàn gồm 14 công ty do Enterprise Singapore dẫn đầu đã đến thăm Việt Nam để khám phá tiềm năng các doanh nghiệp bán lẻ, thực phẩm và đồ uống.

 

Lý giải về sự quan tâm của các thương hiệu đến từ Singapore đối với thị trường Việt Nam, ông Ted Tan, Phó giám đốc điều hành của Enterprise Singapore cho biết, tầng lớp trung lưu của Việt Nam ngày càng tăng, tỷ lệ dân số trẻ cao, đây chính là tiềm năng rất lớn để các doanh nghiệp Singapore có cơ hội mang đến các món ăn và trải nhiệm mới từ Singapore. Trong khi đó, Singapore là một thị trường nhỏ bé, nên hầu hết các doanh nghiệp nội địa luôn mong muốn mở rộng vươn ra toàn cầu và khu vực. "Các doanh nghiệp Singapore với thế mạnh là có ý tưởng tốt cho hoạt động nhượng quyền thương mại ra nước ngoài, trong đó có thể kể đến như BreadTalk - một trong những thương hiệu thực và phẩm đồ uống đa quốc gia đã thành công tại thị trường Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực", ông Ted Tan chia sẻ.

 

Là một trong những doanh nghiệp cũng tham gia đoàn doanh nghiệp Singapore tới khảo sát thị trường Việt Nam lần này, bà Angel Chong - Giám đốc chuỗi nhà hàng Hawker cho biết: “Ẩm thực đường phố khá phổ biến ở Việt Nam, và doanh nghiệp chúng tôi cũng đến từ một đất nước có nền ẩm thực đường phố. Với điểm tương đồng đó, chúng tôi hy vọng có thể đến Việt Nam để cung cấp các món ăn từ Singapore để người Việt Nam có thể thưởng thức, so sánh và có nhiều lựa chọn hơn, thông qua hình thức nhượng quyền thương hiệu hoặc liên doanh.

 

Bên cạnh các doanh nghiệp Singapore, thì các công ty thực phẩm và đồ uống của Hàn Quốc cũng đang “ráo riết” tìm kiếm cơ hội mới ở thị trường nước ngoài thông qua nhượng quyền thương mại, vì ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống của Hàn Quốc hiện đang bão hòa.

 

Theo báo cáo của Tập đoàn Nông nghiệp & Thực phẩm Hàn Quốc, Việt Nam là điểm đến được lựa chọn bởi 43% các công ty Hàn Quốc. Cụ thể, hiện nay có tổng số 360 cửa hàng thuộc các công ty thực phẩm và đồ uống Hàn Quốc tại Việt Nam. Trong đó có thể kể đến như, Tous Les Jours, một thương hiệu bánh mì Hàn Quốc thuộc sở hữu của CJ Foodville Vietnam.

 

Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch của Retail & Franchise Asia, cho biết Việt Nam đứng thứ 8/12 thị trường hàng đầu được Hiệp hội Nhượng quyền Quốc tế xác định là có giá trị nhất cho việc mở rộng toàn cầu. Các lĩnh vực tiềm năng cho các doanh nghiệp nhượng quyền bao gồm thực phầm và đồ uống, giáo dục, y tế và dinh dưỡng, dịch vụ kinh doanh, khách sạn, thời trang, làm đẹp và chăm sóc da, giải trí, dịch vụ trẻ em và cửa hàng tiện lợi.

 

"Trong 3 năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến của các thương hiệu quốc tế, đặc biệt là các thương hiệu khu vực”, bà Nguyễn Phi Vân nhận định.

 

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, năm 2018 đã có 203 chuỗi nhượng quyền đã vào thị trường Việt Nam, trong đó có 36% trong ngành phục vụ, 28% chuỗi trong các ngành dịch vụ giáo dục và 18% trong ngành thời trang… với các thương hiệu lớn từ châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á.

 

Thách thức nhận nhượng quyền thương mại

 

Mặc dù tiềm năng thị trường nhượng quyền thương hiệu của Việt Nam là rất lớn, nhưng vẫn còn những thách thức.

 

Ông Calvin Lam - CEO của iBasic cho biết, một trong những thách thức quan trọng nhất đối với các thương hiệu nhượng quyền tại Việt Nam là chi phí thuê mặt bằng, thậm chí còn cao hơn chi phí sản xuất.

 

Hơn nữa, phần lớn mặt bằng được sử dụng để thực hiện kinh doanh nhượng quyền đều đi thuê; nếu việc gia hạn hợp đồng thuê không thuận lợi, sẽ buộc người nhận nhượng quyền phải chuyển địa điểm kinh doanh, làm mất đi lượng khách hàng quen thuộc, khiến hoạt động kinh doanh trở nên khó khăn hơn.

 

Ngoài ra, bà Nguyễn Phi Vân cũng chỉ ra một trong những điểm hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động nhượng quyền thương hiệu là thiếu kinh nghiệm. Vì vậy, doanh nghiệp bản địa cần phải có thời gian tìm hiểu các kinh nghiệm, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh doanh khi nhận nhượng quyền.

 

"Trước tiên, doanh nghiệp nhận nhượng quyền thương hiệu cần thay đổi tư duy. Bởi hiện nay, một số doanh nghiệp địa phương vẫn xem nhượng quyền thương mại như một cách để kiếm tiền nhanh chóng bằng cách sử dụng thương hiệu của người khác. Đây là cách tiếp cận hoàn toàn sai lầm và có nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng cho các hệ thống nhượng quyền thương mại”, bà Vân nhấn mạnh.

 

Ngọc Hà

Theo enternews.vn