Ngành y tế quyết liệt xử phạt nghiêm vi phạm quảng cáo thực phẩm, dược phẩm

Ngành y tế quyết liệt xử phạt nghiêm vi phạm quảng cáo thực phẩm, dược phẩm

11/12/2017 1190
SKĐS - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa chỉ đạo Thanh tra Bộ lập tổ phản ứng nhanh để kiểm tra, giám sát các sai phạm trong quảng cáo thực phẩm, dược phẩm.

Các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm các quy định về cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt; công khai Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã cấp và kiểm tra hoạt động quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc trách nhiệm quản lý...

 

Liên tiếp xử phạt các đơn vị thổi phồng công dụng của sản phẩm

 

Cách đây không lâu, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty cổ phần Phát triển thảo dược Việt Nam vì đã quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPCN/TPBVSK) Hamomax trên website mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; Quảng cáo sản phẩm TPCN/TPBVSK Hamomax dưới hình thức bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế để quảng cáo sản phẩm nêu trên. Cùng với phạt tiền, Cục ATTP đã buộc Công ty cổ phần Phát triển thảo dược Việt Nam tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm, cải chính thông tin.

 

 

Cục ATTP cũng đã xử phạt Công ty TNHH An Minh Southern và Công ty CP Dược phẩm Quốc tế Á Châu mỗi công ty 50.000.000 đồng với hành vi: Quảng cáo TPCN/TPBVSK Smarto và quảng cáo TPCN/TPBVSK: AC-samin; Sinus plus; HepaB Extra; Beauty Skin; Viên nang US-Jinkgo trên các trang web gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Cùng với hình thức phạt tiền, Cục ATTP đã buộc 2 công ty nói trên tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm, cải chính thông tin quảng cáo sản phẩm TPCN.

 

Hay một công ty khác cũng bị Cục ATTP xử phạt vi phạm hành chính là Công ty CP Phúc Nguyên Việt Nam với số tiền phạt 85 triệu đồng vì đã có 2 hành vi: Quảng cáo sản phẩm TPCN/TPBVSK Boils toxic u nhọt trên website mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung và quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

 

Xử lý nghiêm sai phạm về quảng cáo thuộc lĩnh vực quản lý

 

Không chỉ các đơn vị cố tình quảng cáo thổi phồng sản phẩm thực phẩm, dược phẩm mà  theo Bộ Y tế, thời gian qua xuất hiện quảng cáo các sản phẩm hàng hóa thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành y tế, đặc biệt là thực phẩm, dược phẩm. Phải kể đến là quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin; quảng cáo sai lệch, không đúng chất lượng sản phẩm hàng hóa, thổi phồng công dụng của thực phẩm, dược phẩm, TPCN... gây tổn thất, thiệt hại và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng...

 

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân của tình trạng trên là do sự phối hợp giữa các ngành trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quảng cáo; công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt còn gặp khó khăn, chưa bắt kịp các loại hình quảng cáo đa dạng, quảng cáo xuyên quốc gia.

 

Để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc Bộ Y tế và Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành tổ chức triển khai nghiêm túc, quyết liệt về lĩnh vực quảng cáo, tăng cường tổ chức thanh kiểm tra phát hiện các hành vi vi phạm... Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu Thanh tra Bộ Y tế thiết lập tổ phản ứng nhanh về kiểm tra, giám sát hoạt động quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc trách nhiệm quản lý của ngành.

 

Các cơ quan chuyên môn gồm Cục ATTP, Cục Quản lý Dược, Sở Y tế các tỉnh/ thành phố, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh/ thành phố... cần thực hiện nghiêm các quy định về cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo; đồng thời phải phối hợp tích cực với Bộ, ngành, hiệp hội liên quan rà soát và dẹp “loạn” quảng cáo trên mọi “mặt trận” thông tin như hiện nay.

 

Bộ Y tế sẽ tăng cường phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin về việc cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo và trao đổi thông tin về tình hình quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế; Bộ Y tế phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong phổ biến các quy định của pháp luật về quảng cáo; rà soát các quy định của pháp luật về quảng cáo và các lĩnh vực có liên quan nhằm đánh giá tính phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đề xuất giải pháp khắc phục...

Việc phối hợp này nhằm phát hiện và xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm liên quan đến quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế trên báo chí, trên xuất bản phẩm, trên hệ thống mạng và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và trên các phương tiện quảng cáo ngoài trời.

 

Thái Bình

Theo suckhoedoisong