Ngành quảng cáo, dệt may kiến nghị tháo gỡ khó khăn

Ngành quảng cáo, dệt may kiến nghị tháo gỡ khó khăn

01/12/2022 531
Những tháng cuối năm 2022, với rất nhiều khó khăn vì chính sách, đơn hàng, nhân sự và đặc biệt là lãi suất ngân hàng cao, thiếu vốn làm ăn... , doanh nghiệp các ngành dệt may, quảng cáo...đồng loạt kiến nghị tháo gỡ khó khăn.

Những tháng cuối năm 2022, với rất nhiều khó khăn vì chính sách, đơn hàng, nhân sự và đặc biệt là lãi suất ngân hàng cao, thiếu vốn làm ăn... , doanh nghiệp các ngành dệt may, quảng cáo...đồng loạt kiến nghị tháo gỡ khó khăn.

Ngành quảng cáo: Nhà nước nhanh chóng phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời

Theo ông Bùi Minh Quân - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Quảng cáo Kim Ngân, nổi bật nhất trong các khó khăn của ngành là việc quy hoạch quảng cáo ngoài trời ở nước ta hiện nay còn nhiều bất cập, dẫn đến việc hàng loạt biển quảng cáo xuất hiện một cách tự phát và lộn xộn, gây mất mỹ quan đô thị mà báo chí đã nêu trong thời gian qua.

“Khách hàng nước ngoài khi muốn ký hợp đồng với chúng tôi đều hỏi về vị trí lắp đặt biển quảng cáo đã được quy hoạch, có chấp thuận của cơ quan quản lý Việt Nam chưa. Tuy nhiên, do quy hoạch chưa đồng bộ nên rất khó cho chúng tôi khi giải thích với họ. Khá nhiều nơi có thể lắp biển quảng cáo nhưng phải chờ sự chấp thuận của các cơ quan quản lý nên không thực hiện được. Điều ấy gây ảnh hưởng đến việc ký hợp đồng với đối tác”, ông Quân chia sẻ. 

Nhìn ra thế giới, so sánh với các thành phố lớn ở châu Á như Thượng Hải, Bangkok, có những biển quảng cáo ngoài trời cao 7-8 tầng rất đẹp. Ở Việt Nam, Điều 34 Luật Quảng cáo quy định về biển hiệu quảng cáo chiều ngang tối đa 2m, chiều dọc tối đa 1m, khiến nhiều công ty quảng cáo ngoài trời khó có thể tạo ra những biển đẹp để tạo hình ảnh năng động, hiện đại cho thành phố và đáp ứng nhu cầu của đối tác nước ngoài. 

“Quảng cáo là ngành đi đầu trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, các đợt tuyên truyền theo chủ đề như những ngày lễ lớn, những ngày kỷ niệm quan trọng, nhất là tuyên truyền về an toàn giao thông. Bên cạnh nhiệm vụ chính  trị, chúng tôi rất mong tại TP.HCM được thí điểm lắp những màn hình quảng cáo LED kích thước lớn để tăng tính mỹ quan, đồng thời kích thích du lịch”, ông Quân nêu quan điểm.

Một khó khăn khác là chất lượng lao động không được như kỳ vọng khiến doanh nghiệp trong ngành quảng cáo khó triển khai hợp đồng đòi hỏi nhiều chất xám và yêu cầu cao của đối tác. 

Bên cạnh việc thiếu nhân sự, doanh nghiệp ngành quảng cáo còn gặp phải khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Việc siết chặt tín dụng, lãi suất ngân hàng tăng cao trong thời gian qua khiến nhiều doanh nghiệp khó xoay xở dòng tiền để duy trì hoạt động. 

Thiếu tiền nên không ít doanh nghiệp ngành quảng cáo buộc phải cắt giảm đơn hàng. Trước giờ, khách hàng bỏ số tiền A ra để nhận về 10 biển quảng cáo thì nay họ đòi phải được 20 biển, hoặc phải giảm giá 20-30%. Vì thế, những đơn hàng nào mà chi phí cao, lợi nhuận thấp thì chúng tôi không làm. Hoặc nhiều đơn hàng phải chuyển cho bạn bè ở công ty khác thực hiện”, ông Sơn chua xót cho biết. 

Đứng trước khó khăn hiện nay, doanh nghiệp ngành quảng cáo mong được Nhà nước nới lỏng tín dụng, hạ lãi suất ngân hàng. Doanh nghiệp ngành quảng cáo cũng mong Nhà nước nhanh chóng phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời để có cơ sở pháp lý hoạt động. 

Hội Quảng cáo TP.HCM đã kiến nghị lên các cấp về những khó khăn của doanh nghiệp và kiến nghị quy hoạch sớm biển quảng cáo ngoài trời, kiến nghị Chính phủ xem xét cho doanh nghiệp quảng cáo được giảm thuế thu nhập, thuế đất, cho vay vốn ưu đãi. 

Ngành dệt may: Cần có gói tín dụng riêng để hỗ trợ doanh nghiệp

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trước những ảnh hưởng lạm phát trên thế giới, các doanh nghiệp dệt may sẽ gặp khó khăn từ quý IV/2022, dự kiến ảnh hưởng kéo dài tới quý I/2023, thậm chí nửa đầu năm 2023.

Ngành dệt may đã bắt đầu có dấu hiệu "ngấm đòn" bởi lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu khi kim ngạch xuất khẩu tháng 9 đã giảm gần 1,2 tỷ USD, tương ứng với mức giảm 27% so với tháng 8, xuống chỉ còn 3,2 tỷ USD.

Đây là tháng có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất của ngành dệt may kể từ tháng 3/2022 đến nay, thậm chí nếu không tính tháng 2 bị ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán thì đây sẽ là tháng có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

Từ quý IV/2021 đến hết tháng 7/2022, số lượng đơn hàng nhiều do nhu cầu sau dịch. Tuy nhiên, đến hiện tại, do lạm phát tăng cao, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu chính của dệt may như Mỹ, EU lên tới 6-7% nên lượng tiêu thụ giảm rõ rệt, (châu Âu đã giảm tới 60%, trong khi Mỹ giảm 30-40%), tồn kho tăng lên chiếm 20-25% dẫn đến quý IV/2022 và quý I/2023 khách hàng hạn chế hoặc không đặt đơn hàng mới.

Đơn hàng cho tháng 11 và 12 thiếu khoảng 35-50% năng lực hoặc có đơn hàng nhưng cạnh tranh gay gắt về giá, nhiều khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 50% so với mức bình thường, thậm chí có khách hàng đưa ra chỉ bằng 40%. Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraine cũng ảnh hưởng đến dệt may, nhất là về vận chuyển, nguyên liệu. Xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Nga chiếm 90-95% trong khu vực, tuy nhiên từ khi xung đột xảy ra đến giờ, hàng dệt may Việt Nam vào nước này đang âm 40-42% so với năm trước. Giá dầu thế giới có thể sẽ bị đẩy lên mức cao, tình trạng thiếu hụt xăng dầu tại TP.HCM vẫn chưa được tháo gỡ, khiến chi phí vận chuyển tăng mạnh; tỷ giá USD/VND tăng mạnh, trong bối cảnh trên 90% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là nhập khẩu; lãi suất tăng nhanh làm chi phí vốn sản xuất của doanh nghiệp tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp lỗ nặng.

Hiện EU đưa ra chiến lược mới về dệt may nhằm xanh hóa chuỗi cung ứng cũng như truy xuất nguồn gốc. Sắp tới, sản phẩm dệt may có thể tái chế, thay thời trang nhanh bằng thời trang bền vững... Thậm chí, EU yêu cầu ngay từ khâu thiết kế đã phải có một tỷ lệ tái sử dụng được, sản xuất phải sạch, không gây ô nhiễm môi trường, tiêu dùng với tuổi thọ cao hơn bắt buộc doanh nghiệp dệt may phải đầu tư MMTB, công nghệ mới, công nghiệp 4.0 nhưng room bị siết, lãi tăng, doanh nghiệp không có vốn.

Các chính sách về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022 sắp hết hạn (31/12/2022) cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Trước khó khăn đó, ngành dệt may kiến nghị ngân hàng cần nới room tín dụng thêm 1-2%, giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn các khoản vay đến hạn, cho vay tồn kho, tín chấp. Chính phủ nới điều kiện cho vay với gói hỗ trợ lãi suất 2%. Cần thiết phải thiết kế gói tín dụng riêng để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời hơn. Gia hạn các chính sách miễn giảm thuế phí đến hết năm 2023 để vực dậy các doanh nghiệp.