Một quyết định mạnh tay, tập đoàn lớn phải thay đổi thói quen tiếp thị

Một quyết định mạnh tay, tập đoàn lớn phải thay đổi thói quen tiếp thị

15/01/2018 1181
Số lượng tin nhắn rác liên quan tới bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm tới các thuê bao trong năm 2017 đã giảm mạnh. Trước sự vào cuộc quyết liệt của Bộ TT&TT, các doanh nghiệp lớn đã phải thay đổi chiến lược tiếp thị tới người tiêu dùng.

Quyết liệt chặn tin nhắn rác

 

Ngay từ hội nghị triển khai nghiệm vụ năm 2017, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ, được rất nhiều thuê bao đồng tình, rằng doanh nghiệp di động phải chịu trách nhiệm chính trong quản lý SIM rác, tin rác. Nhà nước cấp đầu số cho doanh nghiệp, doanh nghiệp phải có biện pháp quản lý. Nếu không làm được mà để tin rác, SIM rác tồn tại thì phải thay người đứng đầu.

 

Sau khi Viettel, Vinaphone, MobiFone, Vietnamobile, Gtel đã ký cam kết với Bộ TT&TT việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối áp dụng từ ngày 1/11/2016, năm nhà mạng này ký thêm cam kết để mạnh tay xử lý vấn nạn SIM đã kích hoạt sẵn bán trên kênh phân phối. Đặc biệt, các nhà mạng đã thống nhất đồng loạt triển khai chặn tin nhắn rác từ ngày 1/7/2017.

 

Đến thời điểm hiện tại, 4 nhà mạng lớn là VNPT (VinaPhone), Viettel, MobiFone và Vietnamobile đều đã triển khai hệ thống chặn lọc tin nhắn rác thông minh như nội dung cam kết.

 

sim rác,tin nhắn rác,thuê bao di động,doanh nghiệp viễn thông
Siết chặt quản lý thuê bao

 

Đại diện VNCERT nhận định, trên cơ sở thống kê tin nhắn rác của các doanh nghiệp, sau khi nhà mạng lớn triển khai hệ thống chặn tin nhắn rác một cách hiệu quả. Các hình thức quảng cáo thông qua tin nhắn rác đã giảm đi rõ rệt.

 

Không chỉ các nhà mạng, các doanh nghiệp bất động sản lớn, doanh nghiệp bán lẻ, thương mại điện tử cũng được cơ quan chức năng yêu cầu tham gia chặn tin nhắn rác.

 

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, cho hay, cơ quan này đã phối hợp với Cục Viễn thông xử lý vấn nạn SIM rác, tin nhắn rác. Gần đây, Cục đã triển khai làm việc với doanh nghiệp sử dụng hình thức gọi điện và dùng tin rác để bán sản phẩm, dịch vụ.

 

Trong kết luận hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước tháng 11/2017 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã yêu cầu Cục Viễn thông trong tháng cuối cùng của năm 2017 phối hợp cùng Trung tâm VNCERT tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để xử lý triệt để tình trạng SIM kích hoạt sẵn và tin nhắn rác, cuộc gọi rác.

 

“Dịp cuối năm này, đã bắt đầu xuất hiện trở lại tình trạng phát tán tin nhắn rác. Cần thiết, thời gian tới có thể tổ chức lại các đoàn kiểm tra để xử lý nghiêm, công khai như thời gian vừa qua Bộ đã làm”, Bộ trưởng lưu ý.

 

Bộ trưởng cũng chỉ đạo Thanh tra Bộ TT&TT phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với những vấn đề gây bức xúc dư luận, trong đó có vấn đề SIM rác, tin nhắn rác.

 

Siết quản lý thuê bao

 

Cùng thời điểm đó, Thanh tra Bộ TT&TT cũng xử phạt đối với Viettel, VinaPhone, MobiFone vì có những sai phạm sử dụng chứng minh thư giả để đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước.

 

Hệ lụy của việc có nhiều thuê bao đăng ký thông tin không đúng, thậm chí có không ít trường hợp sử dụng giấy chứng minh nhân dân của người khác hoặc kê khai sai tên, địa chỉ, hoặc chỉ kê khai lấy lệ... đã và đang tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an ninh an toàn xã hội, vì số thuê bao di động có thể sử dụng vào nhiều hành vi phạm pháp, từ nhắn tin rác, gọi điện quấy rối thậm chí lừa đảo, tống tiền...

 

sim rác,tin nhắn rác,thuê bao di động,doanh nghiệp viễn thông
Sim rác không còn bán tràn lan

 

Nghị định số 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành được xem là công cụ hữu hiệu, tạo hành lang pháp lý vững chắc, giúp siết chặt quản lý thuê bao di động trả trước, “triệt tiêu” sim rác, tin nhắn rác, bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ viễn thông,...

 

Để siết chặt quản lý thuê bao di động, Nghị định 49/NĐ-CP cũng yêu cầu doanh nghiệp viễn thông hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin thuê bao. Nếu các thông tin thuê bao bị phát hiện chưa tuân thủ các quy định mới trong Nghị định, người đứng đầu doanh nghiệp có thể sẽ phải chịu phạt số tiền tới 100 triệu đồng, doanh nghiệp có thể phải chịu phạt tới 200 triệu đồng.

 

Tuy nhiên, số tiền phạt thực tế thậm chí có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng bởi ngoài các khoản phạt nêu trên, doanh nghiệp viễn thông còn phải nộp lại tổng số tiền tương đương tổng số tiền đã được nạp vào tài khoản chính của SIM sau ngày 14/4/2018.

 

Đây được xem là động thái cứng rắn của cơ quan quản lý trong việc “dẹp loạn” sim “rác”, tin nhắn “rác” với doanh nghiệp. Doanh nghiệp viễn thông sẽ có 12 tháng (tức là đến ngày 24/4/2018) để hoàn thành cơ sở dữ liệu thông tin về thuê bao theo quy định mới.

 

Với sự quyết tâm của Bộ TT&TT, của các nhà mạng, thị trường viễn thông đang có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng sim rác, tin nhắn rác sẽ dần được loại bỏ.

 

Nam Hải

Theo vietnamnet.vn