Marketing hiện đại: Hãy chạm, đừng nói!

Marketing hiện đại: Hãy chạm, đừng nói!

26/06/2019 1214
Doanh nghiệp cần liên tục nắm bắt những xu hướng marketing hiện đại, và kịp thời thay đổi tư duy, tầm nhìn để đưa ra các chiến dịch marketing hiệu quả.

Phương pháp marketing hiện đại manh nha xuất hiện ở Việt Nam khoảng 10 năm trước, có lẽ bắt đầu “nở rộ” từ… chiến dịch quảng cáo của Close Up.

 


Chiến dịch “Ngày hội hoa hướng dương” của Công ty Dược phẩm Eco đã lan truyền rất mạnh trên mạng, thậm chí đứng đầu tìm kiếm google tháng 11/2018 ở Việt Nam

 

Tìm em nơi đâu?

 

“Chiều hôm đó, trời Sài Gòn mưa tầm tã, mọi người vội vàng dừng chân trú mưa tại một bến xe buýt. Trong số những người đông đúc ấy, bỗng có một cô bé cực xinh. Nụ cười và ánh mắt đáng yêu của cô ấy làm tim mình đập loạn xạ. Mưa rồi cũng ngớt hạt, em khoác áo mưa ra đi.

Sao mình nhát thế nhỉ, có thế mà cũng không dám bắt chuyện.

Đột nhiên em quay lại, và chìa cho tôi chiếc áo mưa mới mua, rồi vội vàng đi mất. Oa, em không những đẹp, mà còn tốt bụng nữa chứ. Tôi rất muốn gặp lại em. Nếu người ấy là em, hãy liên lạc blog của tôi nhé.”

 

Khi câu chuyện lãng đãng đáng yêu tuổi mới lớn này xuất hiện trên blog Yahoo360 (thời đó chưa có Facebook), Youtube và các diễn đàn mạng, đã thu hút ngay được sự quan tâm “không hề nhẹ” của giới trẻ. Mọi người đổ xô vào blog của bạn trai để bình luận, chia sẻ trên các diễn đàn và tìm kiếm cô gái dễ thương kia.

 

Các nhãn hàng cũng không đứng ngoài cuộc. Close Up nhảy vào đồng hành với công cuộc tìm kiếm, như một cách để cổ vũ các bạn trẻ hãy tự tin tìm kiếm tình yêu của mình. Website timem.com.vn được xây dựng. Bốn cuộc thi được đồng thời tổ chức với chủ đề dự đoán kết quả cuộc tìm kiếm. Một loạt các hội thảo về tình yêu, sự tự tin diễn ra dành cho giới trẻ. Các bài chia sẻ, tâm sự phủ kín cả báo lẫn mạng.

 

marketing-hien-dai-hay-cham-dung-noi-2
Vườn hoa ước nguyện hồng tràn ngập những ước nguyện của các em bệnh nhi.

 

Sự việc càng trở nên đình đám với sự kiện “500 cặp tình nhân hôn tập thể” dịp Valentine năm đó. Sự kiện “hot” này đã thu hút sự chú ý của hàng trăm ngàn bạn trẻ và giới truyền thông online. Hàng loạt tờ báo lớn nhỏ đăng tin về sự kiện này. Website timem. com.vn tăng đột biến về traffic (hơn 40.000 người truy cập/ngày).

 

Cuối cùng, người ta cũng biết toàn bộ câu chuyện khuấy động giới trẻ cả mấy tháng trời chỉ là một chiến dịch marketing của Close Up, và không hề có chàng trai, cô gái “mưa” nào cả. Chiến dịch thành công rực rỡ, giúp doanh số của Close Up tăng 45%, đạt giải Bạc về marketing của AME.

 

Giới marketing Việt “choáng váng”, họ được biết một phương pháp marketing rất mới và vô cùng mạnh mẽ. Họ hiểu rằng, mọi thứ đã bắt đầu thay đổi!

 

Từ nói… đến chạm

 

Thời xưa, truyền thông chỉ có vài tờ báo, vài đài phát thanh, vài kênh TV nên quảng cáo có rất nhiều cơ hội lọt vào mắt người xem. Nhiệm vụ của các nhà quảng cáo lúc này là “Nói sao cho người ta tin”. Thế là sản phẩm nào cũng có chuyên gia này tin dùng, giáo sư nọ bảo đảm, thử nghiệm kia chứng minh… nhắc đi nhắc lại khắp mọi nơi.

 

Rồi internet ra đời, truyền thông bùng nổ, đủ các loại thông tin từ báo chí, internet, hàng trăm kênh TV, chat, mạng xã hội ập tới. Mọi người bị “lụt” trong thông tin, các thông điệp marketing cũng chìm nghỉm theo. Các nhà quảng cáo lúc này đã xoay xở chuyển sang một phương pháp marketing khác, “mạnh hơn lời nói”, một thứ thực sự hấp dẫn người dùng, cho người dùng giá trị thật, lôi kéo họ vào những trải nghiệm thật ngoài đời.

 

marketing-hien-dai-hay-cham-dung-noi-3
Biểu đồ về Top 10 chiến dịch quảng cáo tốt nhất trong dịp Tết Kỷ Hợi, trong đó Lắc Xì Momo đứng thứ nhất.

 

Nếu những trải nghiệm đó thực sự thú vị, mọi người sẽ chia sẻ với bạn bè, trên mạng xã hội, tạo nên sự “truyền miệng” cho chiến dịch marketing.

 

Trước đây, khi lên một chiến dịch marketing, những người sáng tạo thường hỏi nhau: “Mình làm cái gì cho người ta nhớ?”. Còn bây giờ, câu hỏi sẽ là: “Mình sẽ bày cái gì để người ta hành động?”.

 

Cứ mỗi khi chuẩn bị tung ra một mùa phim mới, đội làm phim The Walking Dead lại cho một đoàn hóa trang thành xác sống diễu hành đầy đường, kéo những người dân ở đó tham gia trò “diệt zombie” luôn. Việc này trở thành truyền thống đến mức cứ khi nào nhìn thấy zombie xuất hiện ngoài đường, người ta biết một mùa phim mới chuẩn bị lên hình.

 

Phương pháp đó người ta gọi là marketing tương tác, không chỉ nói, mà còn phải hành động, và đặc biệt, muốn thành công, hành động đó phải “chạm” được vào người dùng.

 

Hay như những trải nghiệm tương tác của Lắc Xì của Momo như vòi lì xì, lì xì cho người thân, lắc trúng thưởng vào dịp Tết Kỷ Hợi vừa qua rất hợp với phong tục của người Việt Nam, “chạm” được vào truyền thống thói quen của người Việt nên đã tạo ra được làn sóng lan truyền mạnh mẽ.

 

Còn nhớ cuối năm 2018, “Ngày hội hoa hướng dương” cũng có thể coi là một chiến dịch tương tác thành công. Công ty Dược phẩm Eco tuyên bố cứ mỗi một bức vẽ hoa hướng dương đăng lên Facebook kèm theo vài hashtag nhất định, họ sẽ tặng 30.000 đồng cho bệnh nhi ung thư. Chiến dịch này đã lan truyền rất mạnh trên mạng, thậm chí đứng đầu tìm kiếm Google tháng 11/2018 ở Việt Nam. Chiến dịch này thành công vì hành động quyên tiền cho bệnh nhi ung thư đã “chạm” được vào lòng trắc ẩn đang rất “mốt” của cư dân mạng.

 

Thời đại thay đổi, công nghệ thay đổi khiến hành vi con người thay đổi và quảng cáo cũng phải thay đổi theo. Kiểu marketing này tồn tại vì phù hợp với nhịp sống, vốn càng lúc càng ồn ã, người ta cần sự tương tác hơn bao giờ hết. Nhưng muốn “chạm”, quảng cáo vẫn phải thấu hiểu người dùng, và kỹ năng này vẫn là bắt buộc của người làm marketing, không thay đổi, cho dù cả trăm năm qua

 

Cáp Tần

Theo enternews.vn