Luật Quảng cáo, được QH Khóa XIII thông qua ngày 21.6.2012 và có hiệu lực từ 1.1.2013, đã đánh dấu bước tiến mới, khẳng định vai trò của hoạt động quảng cáo trong đời sống kinh tế - xã hội, là cơ sở để hoàn thiện hệ thống pháp luật về quảng cáo. Sau 5 năm thi hành, Luật đã đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả khả quan. Công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền, phổ biến Luật được triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, sinh động. Riêng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành đã ban hành hơn 100 văn bản, hướng dẫn thực hiện Luật.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên phát biểu tại Hội nghị |
Đến nay, cả nước đã tiếp nhận hơn 93 nghìn hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo, trong đó nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội. Doanh thu kinh doanh dịch vụ quảng cáo đạt trên 1 tỷ USD. Phương tiện chiếm doanh thu lớn nhất trong hoạt động quảng cáo là truyền hình 40,8%, internet 23,5%, báo in 16,2% và quảng cáo ngoài trời 5,9%. Công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo được nghiêm túc thực hiện bằng chế tài nghiêm khắc với các đối tượng vi phạm. Từ năm 2013 đến nay, cả nước đã xử lý 1.148 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo với tổng số tiền xử phạt lên tới 4 tỷ đồng.
Tuy vậy, quá trình hoạt động quảng cáo đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến việc bảo đảm an toàn giao thông và đời sống nhân dân. Các văn bản luật liên quan và các văn bản hướng dẫn dưới Luật còn chưa triệt để, thủ tục hành chính ở địa phương còn rườm rà, nhiêu khê, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Công tác phối hợp trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động quảng cáo giữa các đơn vị chức năng còn hạn chế, chồng chéo, thiếu sâu sát.
Ông Trường Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký thay mặt HHQCVN nhận Bằng khen của Bộ VHTTDLvì " Đã có thành tích xuất sắc trong triển khai và thực hiện tốt Luật Quảng cáo". |
Quảng cáo trên báo chí, truyền hình, mạng xã hội còn có hiện tượng phóng đại quá mức về tác dụng sản phẩm, kéo dài quá thời gian quy định, phát sóng sản phẩm nhạy cảm vào giờ vàng, một số nội dung thông tin chưa được kiểm duyệt. Thậm chí, những năm gần đây, hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội phát triển cực kỳ nhanh và mạnh, song Luật Quảng cáo chưa có quy định để quản lý.
Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương và Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam kiến nghị các bộ, ngành, cơ quan quản lý tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo hiện hành và các văn bản pháp quy của nhà nước về hoạt động quảng cáo, phù hợp với xu thế hiện nay. Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách hợp lý nhằm phát triển hoạt động quảng cáo phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương và doanh nghiệp triển khai hoạt động. Việc xem xét điều chỉnh các quy định về diện tích, vị trí đặt bảng quảng cáo phù hợp với hạ tầng đô thị ngày càng phát triển như hiện nay là vô cùng cần thiết. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cấp, ngành tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm rốt ráo và mạnh mẽ hơn nữa.
Toàn cảnh Hội nghị |
Đặc biệt, đại diện doanh nghiệp kiến nghị ban hành quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo, góp phần tối giản thủ tục hành chính; được đối thoại trực tiếp với cơ quan quản lý nhà nước nhằm giải quyết khó khăn và phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Vương Duy Biên đã tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho 18 tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai và thực hiện tốt Luật Quảng cáo tại địa phương.