Hồ Công Hoài Phương: 'Quảng cáo là chiếc áo đẹp cho thương hiệu'

Hồ Công Hoài Phương: 'Quảng cáo là chiếc áo đẹp cho thương hiệu'

30/10/2017 1094
"Dành cho những ai từng tin rằng 'Quảng cáo nói láo ăn tiền'". Đó là lời mở đầu cuốn sách vừa ra mắt của chuyên gia marketing và truyền thông Hồ Công Hoài Phương.

Đâu đó, mỗi chúng ta, dù trong tâm thế chủ động hay bị động đã tiếp nhận không ít quảng cáo.

 

Bạn đã bao giờ tự hỏi "Làm sao họ có thể tạo ra câu chuyện cảm động, gần gũi như thế?", "Tại sao có những quảng cáo khi xem xong mình lập tức muốn biết về thứ đó luôn", "Tại sao người ta quảng cáo hoài?"...

 

Nếu bạn đã từng đạt ra những câu hỏi như vậy, cuốn sách Quảng cáo không nói láo đích thực dành cho bạn.

 

Nếu chưa, những kiến thức mà Hồ Công Hoài Phương chia sẻ trong cuốn sách sẽ khiến bạn đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác mà một trong số đó là sự khẳng định: quảng cáo thực chất là một môn khoa học. 

 

Trải qua hơn 10 năm làm planning (Hoạch địch chiến lược) tại các agency (tên thường gọi của các công ty dịch vụ tiếp thị - quảng cáo) như Chuo Senko, Lowe, Dentsu One, tác giả cuốn sách có một cái nhìn rộng và tổng quát về chiến lược, kế hoạch trong ngành tiếp thị - truyền thông. 

Ho Cong Hoai Phuong: 'Quang cao la chiec ao dep cho thuong hieu' hinh anh 1
Hồ Công Hoài Phương trong buổi ra mắt cuốn sách về quảng cáo của mình.

Lời bào chữa cho ngành quảng cáo

 

- Động lực nào đã thúc đẩy anh viết cuốn sách này trong bối cảnh thị trường tràn ngập sách về tiếp thị - quảng cáo?

 

- Đúng là hiện nay tràn ngập sách quảng cáo, tiếp thị. Nhưng tôi thấy có vài lý do để mình viết cuốn sách này. 

 

Đầu tiên là đa phần các sách đó đều do các tác giả nước ngoài viết. Do đó, kiến thức và quan điểm sẽ mang tính toàn cầu hóa nên người đọc sẽ thấy chưa gần gũi lắm. Tôi tin rằng cuốn sách của mình với những ví dụ thực tiễn tại Việt Nam sẽ mang một góc nhìn mới, thú vị hơn. 

 

Thứ hai, rất ít sách viết về quảng cáo, tiếp thị được nhìn dưới góc độ khoa học và đa chiều. Các sách đó đa phần rất chủ quan từ góc độ người viết (vì họ muốn bán dịch vụ của họ chẳng hạn) hoặc chỉ nhìn quảng cáo, tiếp thị dưới một góc nhìn duy nhất. Tôi muốn cuốn sách của mình khi viết về quảng cáo sẽ rất thực tế, đặt dưới lăng kính khoa học và mang góc nhìn đa chiều. 

 

Và điều cuối cùng, tôi muốn góp phần giúp cho các bạn trẻ thấy được niềm tin, niềm vui và niềm tự hào khi dấn thân và ngành này.

 

- Tại sao lại là "Quảng cáo không nói láo"? Đây có phải là lời bào chữa cho định kiến về quảng cáo bấy lâu nay?

 

- Chính xác là lời bào chữa. Thật ra đó là một định kiến không công bằng cho quảng cáo. Nếu bạn thấy những quảng cáo hay, xúc động, nó không hề nói láo. Nó thể hiện nỗi lòng, câu chuyện đời thật của người tiêu dùng. Nó nói về cuộc sống, ước mơ, hạnh phúc của họ.

 

Nếu bạn nhìn quảng cáo dưới góc độ khoa học và nhân văn, bạn sẽ thấy quảng cáo chẳng qua là chiếc áo đẹp cho thương hiệu và gìn giữ những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống này. Quảng cáo không nói láo, quảng cáo chỉ góp nhặt hạnh phúc đời thường và kể lại cho bạn nghe mà thôi.

Ho Cong Hoai Phuong: 'Quang cao la chiec ao dep cho thuong hieu' hinh anh 2
Theo Hồ Công Hoài Phương thì quảng cáo không nói láo mà chỉ là kể lại câu chuyện người ta muốn nghe.

Quảng cáo để làm gì?

 

- Nhiều người không còn tin vào sức mạnh của quảng cáo, tiếp thị. Họ tập trung nhiều hơn vào bài toán tăng trưởng. Góc nhìn của anh đối với quan niệm này như thế nào?

 

- Trong cuốn sách của tôi có đề cấp đến 2 loại quảng cáo. Thứ nhất là quảng cáo có tác dụng duy trì bộ nhớ vì xa mặt sẽ cách lòng. Nếu không quảng cáo, người tiêu dùng sẽ quên bạn. Loại quảng cáo này không có sức mạnh ghê gớm giúp tăng trưởng nhưng nó giúp bạn bảo vệ thị phần bạn đang có nếu đối thủ cũng quảng cáo.

 

Loại quảng cáo thứ 2 là quảng cáo giải quyết thách thức của thương hiệu và giúp tăng trưởng. Dĩ nhiên là doanh nghiệp phải tập trung vào bài toán tăng trưởng và bao lâu nay vẫn thế. Và quảng cáo nếu giúp tăng giá trị thương hiệu, kích thích hành vi, thay đổi thái độ vẫn sẽ giúp doanh nghiệp tăng trưởng.

 

Giữa tăng trưởng và quảng cáo, tôi thấy có sự liên quan. Nếu không thì không ai làm quảng cáo cả. 

 

- Là một chuyên gia hoạch định chiến lược, anh đánh giá như thế nào về môi trường của ngành tiếp thị - quảng cáo tại Việt Nam?

 

- Nói riêng về quảng cáo tại Việt Nam, hiện nay mình thấy có khá nhiều người làm dễ dãi với ý tưởng của mình. Họ cho rằng các chiêu thức sex, sốc, sến sẽ tạo ra quảng cáo triệu người xem.

 

Đa phần chúng ta nhầm lẫn giữa quảng cáo giúp thương hiệu bán được hàng và quảng cáo nhiều người xem. Khi nhìn rộng ra, quảng cáo ở Việt Nam khá an toàn, theo lối mòn và có tầm nhìn ngắn hạn.

 

- Không ít những agency Việt Nam có năng lực cạnh tranh rất mạnh, không thua kém nhiều so với các đơn vị quy mô toàn cầu. Theo anh ở lĩnh vực quảng cáo, các đơn vị nội địa có được lợi thế gì?

 

- Nếu xét về lợi thế am hiểu người Việt của các công ty quảng cáo bản địa thì chưa chắc vì ngày nay đa phần nhân lực cấp cao của công ty quảng cáo toàn cầu cũng là người Việt.

 

Tuy nhiên, công ty nhỏ bản địa có sự linh hoạt, cơ cấu nhỏ gọn nên tốc độ sáng tạo, khả năng thích nghi luôn cao hơn công ty toàn cầu. Mà trong bối cảnh hiện tại, khách hàng cần quảng cáo phải nhanh và linh hoạt hơn. Và đó là lợi thế của công ty trong nước.

Ho Cong Hoai Phuong: 'Quang cao la chiec ao dep cho thuong hieu' hinh anh 3
Sách Quảng cáo không nói láo của tác giả Hồ Công Hoài Phương.

Có đủ đam mê và tài năng, quảng cáo chấp nhận bạn

 

- Anh làm nghề trước rồi mới đi học chuyên sâu về quảng cáo, tư duy về nghề trước và sau khi đi học của anh có khác biệt như thế nào?

 

- Có sự khác biệt. Trước khi học, chúng ta không biết hoài nghi, chúng ta có xu hướng chấp nhận những gì mình biết, những kinh nghiệm từ người đi trước. Khi học xong, ngoài nền tảng kiến thức vững vàng, chúng ta đã bắt đầu biết phản biện, tư duy cởi mở và linh hoạt hơn.

 

Và điều thú vị là khi bạn càng học nhiều lý thuyết, bạn càng thấy không có lý thuyết gì là tuyệt đối và luôn cần những sự linh hoạt nhất định khi ứng dụng lý thuyết vào thực tế. Đi học không phải để kết thúc bởi một cái bằng. Đi học là khởi đầu cho một hành trình học, tự học, nghiên cứu cả đời.

 

- Nhân vật nào là người có ảnh hưởng nhiều nhất tới anh trong sự nghiệp? Anh đã học hỏi được những gì từ người đó?

 

- Với người mình đã từng làm việc thì đó là sếp của tôi trước đây, anh Indraneel Guha, người Ấn Độ, hiện là người sáng lập công ty quảng cáo Ki Saigon. Neel là người sinh ra để làm quảng cáo và là một nhà hoạch định quảng cáo rất nhiều năng lượng sáng tạo cũng như một người sếp nhiều cảm hứng. Neel truyền cho cộng sự niềm tin vào quảng cáo.

 

Với người tôi đã từng đọc thì đó là Martin Weigel, hiện đang là trưởng bộ phận hoạch định chiến lược tại công ty quảng cáo W+K. Tôi có nhắc đến nhân vật này trong cuốn sách của mình và thừa nhận những tư duy của bản thân về quảng cáo đều bắt nguồn từ nhân vật này.

 

- Là một người trái ngành nhưng thành công trong nghề, anh có lời khuyên gì với những bạn trẻ chưa có nền tảng tiếp thị - truyền thông khi bắt đầu sự nghiệp với ngành này?

 

- Làm trái ngành không là vấn đề, làm việc mình không thích và không giỏi mới là vấn đề. Truyền thông tiếp thị thật ra không nhất thiết phải học từ trường lớp. Phần lớn những người thành công trong ngành mà tôi biết cũng không hề được đào tạo về lĩnh vực này.

 

Tin vui cho tất cả các bạn yêu thích ngành truyền thông, tiếp thị là ngành này cực kỳ “dễ chịu” và chấp nhận hầu hết những ai có đủ đam mê, tài năng cho nó. Nền tảng bạn có thể học, những đam mê và tài năng thì không phải ai cũng có.

 

Dù bạn học ngành gì đi nữa, nhưng nếu bạn sống thú vị, yêu thích sáng tạo và thấu hiểu con người, có khả năng thấu cảm cuộc sống, bạn hãy mạnh dạn bước chân vào ngành truyền thông tiếp thị. Ngành này luôn cần những người như bạn.

Theo news.zing