TTO - Nghị định 38 của Chính phủ ban hành về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6, nhưng gần đến ngày thực thi lại lộ ra nhiều bất cập, gây khó cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Trường Sơn (đầu tiên, phải) trò chuyện cùng doanh nghiệp quảng cáo tại triển lãm VietAd ở TP.HCM - Ảnh: BÔNG MAI
Đại diện gần 450 hội viên là các doanh nghiệp truyền thông - quảng cáo, các cơ quan thông tấn, báo chí tham gia thực hiện dịch vụ quảng cáo, ông Nguyễn Trường Sơn - tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam - vừa gửi công văn đến Bộ Thông tin - truyền thông phản ánh bất cập của nghị định 38 về "Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo" sẽ đi vào thực thi từ ngày 1-6.
Bất cập đầu tiên là tại điểm b, khoản 2, điều 38 của nghị định 38, quy định phạt tiền từ 10-15 triệu đồng, nếu thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử "không ở vùng cố định quá 1,5 giây". Có nghĩa thời lượng quảng cáo tối đa 1,5 giây, sau đó người dùng có thể bấm nút bỏ qua.
Theo ông Sơn, quy định trên "thiếu thực tế, quá ngắn để có thể truyền tải thông điệp" bởi quảng cáo trực tuyến ngày càng phổ biến.
Hiện Facebook và Google (nền tảng xuyên biên giới) dẫn đầu thị phần doanh số quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam, chiếm hơn 80% tổng doanh thu. Giao diện của các nền tảng này hiện cho phép người xem chỉ có thể bỏ qua quảng cáo sau ít nhất là 5 giây.
Do đó, nếu quảng cáo trên báo chí của các doanh nghiệp trong nước đang bị siết chặt bởi quy định nghiêm ngặt của nghị định 38, thì các doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới lại có lợi thế vì không chịu ràng buộc này. Cơ quan quản lý nhà nước khó xử lý sai phạm của các nền tảng này khi họ không có trụ sở tại Việt Nam.
"Điều này đã tạo nên sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp quảng cáo trong nước/các cơ quan báo chí với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới, bảo hộ cho hoạt động quảng cáo của các nền tảng này trong khi hiện họ có rất nhiều vấn đề sai phạm về nội dung và chất lượng quảng cáo chưa được khắc phục triệt để", ông Sơn phân tích.
Các quảng cáo về "thần y" phát trên YouTube gây ám ảnh người xem - Ảnh: chụp màn hình
Bên cạnh đó, ông Sơn cũng cho biết: "Theo thông lệ quốc tế, với báo chí miễn phí tương tự như ở Việt Nam, quảng cáo được phép xen kẽ với nội dung tin/bài và tùy biến dựa trên đối tượng đọc báo. Người đọc có quyền nhấp chuột xem hay bỏ qua nội dung quảng cáo."
Tuy nhiên, nghị định 38 lại quy định xử phạt từ 10-15 triệu đồng nếu "thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin bài" (điểm c, khoản 2, điều 38).
Dù hướng đến mục tiêu bảo vệ quyền lợi độc giả, song quy định trên lại thiếu công bằng trong việc đảm bảo quyền của cá nhân/tổ chức mua dịch vụ quảng cáo, cũng như doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo. Các công cụ tiếp cận khách hàng thông qua sản phẩm truyền thông chính thống bị thu hẹp, gây nhiều trở ngại, khó khăn cho ngành quảng cáo.
Trong khi báo chí vốn là kênh uy tín để doanh nghiệp tiếp cận khách hàng. Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng kênh báo chí nhiều hơn để tiếp cận công chúng.
Ông Sơn cho rằng Luật quảng cáo đã ban hành cách đây 10 năm, tồn tại nhiều bất cập, không phù hợp với sự phát triển của công nghệ và truyền thông hiện đại. Nghị định 38 càng khiến những bất cập này trở thành rào cản đối với sự phát triển của ngành quảng cáo, khiến việc quảng bá sản phẩm, dịch vụ khó khăn hơn, ảnh hưởng chung đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Vì vậy, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã gửi công văn đề nghị Bộ Thông tin - truyền thông kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc rà soát, đánh giá lại tính khả thi của các quy định tại nghị định 38, sớm phê chuẩn kế hoạch sửa đổi Luật quảng cáo phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.