Tin liên quan:
- Hà Nội: Ai đang bao che cho những sai phạm của Vinasing? (Bài 2)
Ngày 4/8/2016 UBND TP Hà Nội ra thông báo đồng ý cho Công ty CPTM & TT Vinasing thực hiện dự án tài trợ xây 1000 nhà VSCC, đổi lại công ty này được quyền khai thác quảng cáo trên hệ thống cầu vượt dành cho người đi bộ trong vòng 10 năm, tuy nhiên sau 2 năm thực hiện, dự án bộc lộ nhiều sai phạm.
Ngày 27/7/2016, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chủ trì cuộc họp của lãnh đạo UBND thành phố xem xét đề xuất của Công ty cổ phần Thương mại và Truyền thông Vinasing (Công ty Vinasing), để công ty này tài trợ hệ thống 1.000 nhà VSCC, 10 xe bồn chuyên dụng (Hàn Quốc), 50 cây lọc nước công cộng uống trực tiếp, 200 ghế gang đúc phục vụ công ích cho thành phố. Đổi lại, Vinasing được khai thác quảng cáo trong phạm vi cho phép, theo đúng các quy định của pháp luật trên các cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới trên địa bàn thành phố trong thòi gian 10 năm để thu hồi vốn, đồng thời, chịu trách nhiệm duy tu, duy trì các cầu vượt theo quy định.
Cụ thể, Thông báo số 272/TB-UBND của UBND TP.Hà Nội ngày 4/8/2016 đánh giá, đề xuất của Cty Vinasing là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của thành phố về việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư, huy động mọi nguồn lực của xã hội phục vụ cho phát triển và các hoạt động của thành phố. Bởi thực tế hiện nay, hệ thống nhà VSCC cũng như thiết bị cung cấp nước uống, ghế ngồi tại các nơi công cộng trên địa bàn thành phố còn rất thiếu và không đồng bộ. Qua đó, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã đồng ý với đề xuất của Công ty Vinasing.
Ngày 18/5/2017, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định số 2856/QĐ-UBND về chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống nhà VSCC phục vụ cộng đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tiếp theo đó, ngày 22/3/2018, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã có công văn số 183/SGTVT-QLKCHTGT gửi Công ty Vinasing thống nhất danh mục các cầu vượt dành cho người đi bộ lắp đặt biển quảng cáo là 45 cầu vượt do Sở GTVT quản lý, duy trì chủ yếu nằm trên địa bàn các quận nội thành.
Tuy nhiên, không cần đến công văn số 183/SGTVT-QLKCHTGT, thời gian từ cuối năm 2017, Công ty Vinasing đã tiến hành cho lắp đặt biển quảng cáo ở một số vị trí cầu đi bộ trọng yếu, mật độ tham gia giao thông cao vi phạm một số quy định về quảng cáo ngoài trời của UBND thành phố Hà Nội, Luật Quảng cáo, Luật Giao thông đường bộ, dẫn đến đã có văn bản kiến nghị từ Hiệp hội Quảng cáo gửi UBND thành phố Hà Nội về vấn đề này.
Tại công văn số 51/CV-VNS gửi Sở GTVT Hà Nội ngày 23/4/2018, phía Công ty Vinasing đã nhấn mạnh “Sau khi có ý kiến tham gia về vấn đề thiết kế với Sở Xây dựng, nhà đầu tư chúng tôi đã tiến hành điều chỉnh thiết kế với diện tích biển quảng cáo không quá 40m2, chiều cao không quá chiều cao lan can của cầu, chiều dài của biển đã được điều chỉnh không còn nằm phía dưới gầm của ray tuyến đường sắt…”
Thế nhưng, theo ghi nhận của PV, hiện trong 6 biển quảng cáo đã dựng là Cầu vượt Trần Duy Hưng, Cầu vượt Nguyễn Trãi, Cầu vượt Đào Duy Anh, Cầu Vượt Thái Hà, Cầu Vượt Võ Chí Công (Xuân La), Cầu Vượt Võ Chí Công (Bưởi) thì có 2 biển lắp quá lan can cầu là biển quảng cáo trên Cầu Vượt Trần Duy Hưng và Đào Duy Anh.
Cầu Vượt Trần Duy Hưng với diện tích là 39m2 (ngang 3m, dài 13m) đảm bảo về diện tích dưới 40m2 nhưng biển quảng cáo vượt lan can cầu
Cầu Vượt Đào Duy Anh với diện tích 35m2 (ngang 3.5m, dài 10m), biển quảng cáo cũng vượt lan can cầu.
Như vậy, việc thi công biển quảng cáo mới bắt đầu vào giai đoạn thi công mang tính thí điểm đã có nhiều sai phạm. Công ty Vinasing đã vi phạm điều 13 Quyết định 01/2016/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 20/1/2016. Điều 13 xác định vị trí treo quảng cáo là treo, gắn trên lan can, tường tại mặt phía trong của cầu vượt, đường hầm dành cho người đi bộ. Đối với cầu vượt dành cho người đi bộ thì chiều cao bảng quảng cáo không vượt quá chiều cao lan can cầu, không ảnh hưởng đến mỹ quan của cầu và cảnh quan khu vực.
Bên cạnh đó, để thi công được những biển quảng cáo này, phía Công ty Vinasing đã dịch chuyển biển báo khác sang vị trí khó nhìn hơn, như vậy là vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Việc che khuất các biển báo, màu sắc lòe loẹt rất dễ ảnh hưởng đến an toàn khi tham gia giao thông của các phương tiện vào giờ cao điểm.
Rõ ràng rằng, việc đổi quảng cáo lấy nhà VSCC của UBND thành phố Hà Nội là một chủ trương xã hội hóa được sự đồng thuận cao từ các cấp chính quyền, tuy nhiên trong quá trình đi vào thực hiện lại lộ diện ra nhiều bất cập, sai phạm. Quá trình thi công & lắp đặt biển quảng cáo phía Vinasing đã vi phạm nhiều quy định của pháp luật hiện hành.
Một trong những nhà VSCC do Công ty Vinasing xây dựng
Đề nghị các cơ quan chức năng như UBND thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa Thể thao, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng vào cuộc, xem xét, xử lý không để những sai phạm như việc thi công & lắp đặt bảng quảng cáo của Công ty Vinasing tái diễn.
Môi trường Đô thị Việt Nam điện tử sẽ thông tin tiếp trong những bài viết sau.
Theo moitruongvadothi.vn