H&M và chiến lược tiếp thị "vô tình" lộ mẫu thiết kế

H&M và chiến lược tiếp thị "vô tình" lộ mẫu thiết kế

15/02/2019 1228
Mỗi thương hiệu có một chiến lược quảng bá truyền thông khác nhau, tuy nhiên Balmain và H&M có lẽ đã rất khôn khéo khi “ngầm” đồng ý làm rỏ rỉ trọn bộ sưu tập (BST) trước ngày công bố, khiến các tín đồ thời trang đứng ngồi không yên.

Vào ngày 10/10/2015, vụ việc rò rỉ 99 mẫu thiết kế của H&M và Balmain từ một tài khoản Instagram đã gây xôn xao cho các tín đồ thời trang trên toàn thế giới. Trái ngược với dự đoán của mọi người, cả 2 bên đều tỏ ra không mấy ngạc nhiên, thay vì phẫn nỗ vì vụ rò rỉ trên họ lại bày tỏ sự “phấn khích” trước những phản ứng tích cực từ các tín đồ thời trang trên khắp thế giới.

 

Trước khi bị rò rỉ, hãng thời trang và nhà bán lẻ này đã từ từ tung ra một số chi tiết, hình ảnh của BST dự kiến sẽ phát hành công khai vào ngày 5/11/2015. Vụ “cố tình” để rò rỉ này có thể là một chiến lược khéo léo của cả hai nhằm tạo nên “cơn sốt” mang tên “Balman Nation” trong giới mộ điệu.

 

H&M đã tận dụng chính sức nóng từ vụ rò rỉ này như một lợi thế để lôi cuốn hàng trăm ngàn tín đồ đổ bộ vào ngày ra mắt BST sắp tới. “Rất nhiều thương hiệu đang sử dụng phương tiện mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm trước ngày phát hành nhằm tạo ra những ảnh hưởng tích cực và khơi dậy sự hứng khởi, phấn khích cho người tiêu dùng và nắm lấy nó như một “cơn sốt” có sức lây lan mạnh mẽ", bà Mollie Reynolds - nhà quản trị truyền thông tại MDG Advertising cho biết.

 

Chiến dịch “nhá hàng”

 

Vào ngày 6/10/2015, một phụ nữ ở Chicago tên là Kathryn Swartz Rees đã đăng hàng chục mẫu trang phục và phụ kiện của BST HMBalmaination vào tài khoản Instagram của mình.

 

Tuy BST gồm 99 mẫu nhưng cô chỉ tung ra gần một nửa để kích thích sự tò mò theo dõi của người dùng. “Tình cờ tìm kiếm trong Google, tôi thấy xuất hiện một đường link chứa đầy đủ các sản phẩm của BST này. Tôi đã kịp tải chúng xuống ngay khi nó bị gỡ bỏ khỏi Google”, Swartz Rees giải thích với tạp chí New York.

 

Đây có thể là bài học cho những thương hiệu khác về vấn đề bảo mật thông tin trên mạng xã hội. Tuy nhiên, đối với vụ rỏ rỉ của H&M và Balmain, nó được nhận định như là chiến lược tiếp thị khôn khéo.

 

Trở lại tháng 5/2015, Giám đốc sáng tạo Olivier Rousteing đã tham dự Giải thưởng âm nhạc cùng với hai người mẫu nổi tiếng là Kendall Jenner và Jourdan Dunn đều mặc trang phục trong BST BalmainxHM.

 

Ông đã khuấy đảo dư luận khi thông báo chính thức hợp tác với H&M trong tháng 11/2015 để trình làng các mẫu thiết kế đậm chất “chiến binh” của Balmain.

 

Khoảng một tuần trước khi xảy ra vụ rò rỉ, H&M đã có cuộc thảo luận với ông Rousteing thông qua Twitter, ông đã chia sẻ về những nét phác thảo đầu tiên của BST cũng như đưa ra vài gợi ý nhằm kích thích người tiêu dùng tò mò, tưởng tượng.

 

Trong lúc đó, một bức ảnh quảng cáo được cả 2 bên tung ra với sự góp mặt của những người mẫu lừng danh như Jenner, Gigi Hadid, Hao Xiang Yun... trên một tàu điện ngầm. Bức ảnh không để lộ nhiều thông tin ảnh hưởng tới BST sắp tới.

 

h-m-va-chien-luoc-tiep-thi-vo-tinh-lo-mau-thiet-ke-1

 

Sau khoảng 1 tháng “nhá hàng”, các hình ảnh rò rỉ này có thể duy trì sự quan tâm của người tiêu dùng trong một thời gian dài hơn. Điều đó giải thích vì sao H&M không hề phàn nàn hay tức giận về việc bị rỏ rì mà họ lại bày tỏ sự thích thú trước các phản ứng nhận được.

 

Trong một tuyên bố, nhà bán lẻ này cho biết: “Chúng tôi đang rất ngạc nhiên bởi người hâm mộ của chúng tôi đang tích cực tìm hiểu thêm về BST và chúng tôi mong muốn chia sẻ nhiều hơn về HMBalmaination trong tuần tới”.

 

“Nếu bạn có một sản phẩm tốt thì việc công bố trên phương tiện truyền thông từ một vài tháng trước cũng không hề ảnh hưởng đến doanh thu của sản phẩm, thậm chí nó có thể được bán hết trong vòng vài giờ sau khi chính thức ra mắt”, bà Reynolds phân tích.

 

Cẩn tắc vô ưu

 

Hãng sản xuất ô tô Bentley đã “nhá hàng” chiếc Bentayga đầy kỳ vọng cho năm 2016 thông qua các hình ảnh, video hé lộ một phần thiết kế của nó để tránh rủi ro rò rỉ thông tin nghiêm trọng từ các nguồn khác.

 

Trong các trường hợp khác, thương hiệu chủ động để cho truyền thông “nhá hàng” trước. Một ví dụ điển hình là Chanel với chiến dịch hồi sinh dòng nước hoa thanh lịch, tinh tế Coco Mademoiselle thông qua các clip ngắn trên mạng xã hội có sự góp mặt của đại sứ nước hoa Keira Knightley.

 

Điều đáng nói là chiến dịch này hoàn toàn chưa được công bố thì các tạp chí thời trang như British VogueElle và các hãng tin The TelegraphThe Huffington Post đã tung ra những đoạn phim quảng cáo trên website của họ vài ngày trước khi nó chính thức lên kệ của Chanel.

 

Tuy nhiên, chiến lược tiếp thị "nhá hàng" này cũng giống như con dao hai lưỡi. Vì vậy, dù cho có sử dụng "chiêu" nào thì cũng đừng quên rằng mục đích cuối cùng của bạn vẫn là cho ra đời những sản phẩm/dịch vụ tốt nhất để duy trì thương hiệu và lợi nhuận lâu dài.

Theo Doanh Nhân Sài Gòn Online