Facebook, Google thu tiền quảng cáo sai luật ở Việt Nam

Facebook, Google thu tiền quảng cáo sai luật ở Việt Nam

26/10/2017 1367
Hiện có nhiều ý kiến cho rằng, việc thu tiền quảng cáo trực tiếp từ người dùng của Facebook, Google đã vi phạm các quy định pháp luật về quảng cáo của Việt Nam. Bên cạnh đó hai nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới còn không thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam.

Bất kỳ người dùng nào cũng có thể dễ dàng tự chạy quảng cáo trên Facebook.

Theo Nghị định 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 Quy định chi tiết một số điều của Luật Quảng cáo, điều 7 có quy định “Tổ chức, cá nhân Việt Nam có hàng hóa, dịch vụ muốn quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải thông qua người kinh doanh dịch vụ quảng cáo đã đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam”, như vậy có nghĩa là các tổ chức, cá nhân Việt Nam không được thanh toán trực tiếp cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, Google tiền quảng cáo mà phải ký hợp đồng thanh toán thông qua một đại lý hợp pháp. Nhưng trên thực tế thì Facebook, Google vẫn đang thu tiền quảng cáo trực tiếp từ người mua quảng cáo ở Việt Nam thông qua các tổ chức tín dụng từ nhiều cá nhân, tổ chức ở Việt Nam. Mỗi cá nhân hay tổ chức ở Việt Nam muốn chạy quảng cáo trên hạ tầng của Facebook, Google thì chỉ cần dùng thẻ tín dụng Visa hoặc Master đăng ký thanh toán quảng cáo là có thể dễ dàng mua được quảng cáo trên hai hạ tầng này mà không phải qua bất cứ một đơn vị trung gian nào, với việc xét duyệt và quản lý rất lỏng lẻo về nội dung quảng cáo.

 

Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng việc thu tiền quảng cáo trực tiếp từ người dùng của Facebook, Google đã vi phạm pháp luật về quảng cáo của Việt Nam. Trao đổi với ICTnews về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Giám đốc VTC Mobile cho rằng, do Google và Facebook là công ty quốc tế nên việc trả tiền quảng cáo liên quan đến thanh toán quốc tế, nếu áp dụng thì sẽ phải tuân thủ cả luật Việt Nam và luật quốc tế quy định về việc trả tiền quảng cáo cho Facebook và Google cũng như việc thanh toán quốc tế và thực hiện các nghĩa vụ về thuế.

 

Theo ông Bảo, hiện tại các cá nhân, tổ chức Việt Nam khi quảng cáo qua Facebook và Google thì đều phải trả thuế nhà thầu thay Google và Facebook. Ở đây chỉ có 1 điểm duy nhất đó là sự lớn mạnh gần như độc quyền quảng cáo online của Google và Facebook nên giá dịch vụ đưa ra không có sự cạnh tranh, và lợi nhuận có được của Google và Facebook thì không nộp thuế tại Việt Nam. Thêm vào đó, phát sinh thêm vấn đề ở 2 công cụ quảng cáo online của Google và Facebook là không quản lý được nội dung quảng cáo, không tuân thủ theo đúng phát luật của Việt Nam. Hiện nay các công ty nội dung số trong nước thì bị quản lý nội dung rất chặt, còn các doanh nghiệp nước ngoài thì không bị quản lý nên đã tạo ra một sự bất bình đẳng rất lớn trong thị trường dịch vụ nội dung số.

 

Trả lời ICTnews mới đây, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Giám đốc VTC Mobile cũng đã nêu ra kiến nghị, nhà nước cần có biện pháp yêu cầu Google và Facebook lập pháp nhân đại diện ở Việt Nam để thực hiện nghĩa vụ theo pháp luật Việt Nam, nhằm tạo ra sự cân bằng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 

Hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới điển hình là Facebook, YouTube, Google, NetFlix đã cung cấp nhiều dịch vụ nội dung cho người dùng Việt Nam như: quảng cáo online, game, phim ảnh, người dùng có thể mua trực tiếp các dịch vụ này và thanh toán bằng thẻ thanh toán quốc tế như Visa, Master, hoặc qua các ứng dụng trung gian thanh toán.

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thì việc cung cấp dịch vụ không con hạn chế bởi yếu tố vật lý, không còn một rào cản kỹ thuật nào. Nhu cầu sử dụng dịch vụ của con người là luôn tồn tại, nên dù quản lý không theo kịp thì dịch vụ vẫn phát triển bằng cách này hay cách khác để vượt qua rào cản của quản lý.

 

Với hợp đồng mềm với các đơn vị cung cấp hạ tầng, platform như Google, Facebook, Netflix và các công ty cung cấp Cloud (còn gọi tắt là "hạ tầng") thì người sử dụng đăng tải nội dung, dịch vụ lên phải tự chịu hoàn toàn trước pháp luật. Đây là một vấn đề lớn cho các doanh nghiệp trong nước phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài thì không bị quản lý.

 

Với việc không bị quản lý thì tất yếu sẽ tạo cơ hội cho các đối tượng cung cấp nội dung, dịch vụ xuyên biên giới như quảng cáo online, game, phim ảnh trên hạ tầng. Để có thể ngăn chặn thì sẽ cần quản lý được các đơn vị cung cấp hạ tầng về cả hạ tầng vật lý và kênh thanh toán. Bằng cách yêu cầu các công ty này phải thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam và tích hợp kênh thanh toán của Việt Nam.

Theo infonet.vn