Tạo ra kênh thanh toán riêng và đồng tiền riêng, Facebook trực tiếp đe dọa đến nhiều nền tảng khác.
Động thái đầu tiên của Facebook liên quan đến thanh toán điện tử đó chính là Facebook đã đàm phán với nhiều công ty trong lĩnh vực tài chính và thương mại điện tử, bao gồm cả Visa và Mastercard, nhằm hỗ trợ kế hoạch thanh toán tiền điện tử.
Facebook được cho là đang phát triển một loại tiền kỹ thuật số để người dùng dịch vụ WhatsApp có thể gửi cho nhau, hoặc Facebook có thể sử dụng để thưởng cho người dùng mạng xã hội xem các quảng cáo.
Với hơn 1,5 tỉ người dùng mạng xã hội Facebook hiện nay, xem như Công ty Facebook đã có sẵn một thị trường rộng lớn. Thị trường này được đo đạc hành vi và xu hướng tiêu dùng kỹ lưỡng lâu nay, thông qua việc "bán hàng online" trở nên quá phổ biến.
Theo nhận định của ông Hoàng Hà, Giám đốc CTCP Sáng tạo ý tưởng kinh doanh (BCI) hướng đi này của Facebook sớm hay muộn cũng sẽ diễn ra, do Facebook có lượng người dùng quá lớn nhưng chưa được khai thác dịch vụ tài chính và để làm được điều này, bắt buộc Facebook phải cộng sinh với các doanh nghiệp tài chính khác.
Ban đầu, Facebook tạo sân chơi cho người dùng và sau đó là một số dịch vụ thương mại điện tử xuất hiện. Tuy việc kinh doanh ngày một “nở rộ” nhưng chưa có kênh thanh toan chính thức nên Facebook chưa thể trở thành một sàn thương mại điện tử.
Chính vì vậy, sau khi đã thống trị lĩnh vực mạng xã hội, Facebook đang tìm kiếm các đối tác trong lĩnh vực tài chính và dân kinh doanh trực tuyến, nhằm giúp gã khổng lồ công nghệ này xây dựng hệ thống thanh toán bằng tiền điện tử (cryptocurrency).
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, Facebook đang nhìn vào WeChat – một mạng xã hội của Trung Quốc, bởi WeChat đang trở thành công cụ thanh toán cho người dùng. Nếu Facebook không cập nhật sẽ bị bỏ lại phía sau, WeChat với ứng dụng thanh toán WeChat Pay đã vươn xa ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc, nó xuất hiện ở Nhật Bản, Thái Lan, thậm chí Việt Nam và bất cứ đâu có lượng lớn khách du lịch Trung Quốc đến để tiện cho việc thanh toán.
“Nó đã trở thành tiện ích cho thanh toán không dùng tiền mặt khiến cho người bán cũng phải sử dụng. đây là đối thủ nặng ký trên toàn cầu của Facebook, buộc Facebook phải có động thái thêm kênh thanh toán” – ông Hoàng Hà nhận định.
Có thể thấy, Facebook chưa phát huy hết “công suất” có thể của mình, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử. “Hiện nay, người dùng mới chỉ đăng sản phẩm lên Facebook giống như một gian trưng bày. Như vậy, mạng xã hội mới chỉ là nơi “người mua” gặp “người bán” chứ không diễn ra hoạt động mua bán, đó được xem như một tiện ích mới cho người dùng để tạo ra chợ điện tử trên nền tảng này” – ông Hoàng Hà cho biết.
Trong tương lai Facebook có thể trở thành đối thủ nặng ký không chỉ của WeChat lẫn các sàn thương mại khác. Bởi khác với các sàn thương mại điện tử thông thường dành cho mọi người đăng sản phẩm lên để bán hàng. Facebook là mạng xã hội mà người dùng chủ động tham gia và có hai dạng kinh doanh là fanpage hoặc trang cá nhân, điều mà sàn thương mại điện tử không có. “Sự cá nhân hóa chính là lợi thế của Facebook so với các sàn thương mại điện tử khác” – Giám đốc BCI nhấn mạnh.
Nguyễn Long - Diễm Ngọc
Theo enternews.vn