Cứu sống vợ nhờ xem quảng cáo sơ cứu

Cứu sống vợ nhờ xem quảng cáo sơ cứu

28/09/2017 1118
Nhờ xem một đoạn quảng cáo hướng dẫn cấp cứu người bị ngừng tim, anh Derek Burt, 49 tuổi, người Anh đã cứu được tính mạng vợ.

Theo BBC news, đoạn quảng cáo này nằm trong chiến dịch vận động của Hội Tim mạch Anh nhằm kêu gọi người dân không hô hấp nhân tạo mà chỉ cần ép lồng ngực thật mạnh khi thực hiện thủ thuật hồi sức tim-phổi. Video ngắn này có sự tham gia của cựu cầu thủ bóng đá Vinnie Jones, giờ đã chuyển sang nghiệp diễn viên.

Trước đó, chị Angela, 43 tuổi, vợ anh Burt không hề có tiền sử bị tim. Anh Burt, 49 tuổi cũng không nghĩ là có gì bất thường cho đến khi anh thức dậy và nghe thấy tiếng ho rất lạ của vợ.

"Tôi đã nghĩ có điều gì đó không ổn, nên đã dậy bật điện. Tôi thấy mắt cô ấy đang mở, miệng cũng vậy nhưng lại không thở. Tôi liền kéo cô ấy xuống khỏi giường và đặt trên sàn nhà. Điều đầu tiên lướt qua tâm trí của tôi chính là những gì trong quảng cáo của Vinnie Jones", anh Burt kể lại.  

sfdf

Vợ chồng anh Burt. Ảnh: Thiinconocast.

"Tôi đã xem quảng cáo này khá chăm chú vì có Vinnie Jones đóng. Nếu đó là một người bác sĩ đóng thì có lẽ tôi đã không chú ý đến như thế. Nói thực là có nằm mơ tôi cũng không nghĩ đến lúc mình sử dụng nó", anh cho biết thêm.

Theo Thenew24, khi đặt vợ xuống nền nhà, anh Burt đã liên tục thực hiện động tác ép lồng ngực trong khoảng 5 phút và gọi cho cấp cứu. Khi nhìn thấy màu má của vợ thay đổi thì anh biết mình đã làm điều đúng. 

Nếu anh Burt không xem đoạn quảng cáo đó vài tuần trước có lẽ vợ anh đã không thể sống.

Kể từ khi clip này được load lên mạng đã có 2,4 triệu lượt người xem và có rất nhiều câu chuyện về những bệnh nhận được cứu sống. Theo Hội Tim mạch Anh, bất cứ ai không được đào tạo thủ thuật này thì chỉ nên tập trung vào việc ép lồng ngực mạnh và nhanh thay vì hô hấp nhân tạo.

Một khảo sát mới đây tại Anh với sự tham gia của 2.000 người cho thấy, một nửa thực hiện sai thủ thuật hồi sức tim-phổi vì thiếu kiến thức. Với những người không qua đào tạo thì việc thực hiện hô hấp nhân rạo rất khó. Một số người lo sợ bị lây bệnh khi làm việc này. Cứ 10 người được hỏi thì có đến 4 người lo mình sẽ bị kiện nếu thực hành sai.

Việc hô hấp nhân tạo vẫn là một tiêu chuẩn vàng nếu cứu người bị đột quỵ, ngừng tim, tuy nhiên nếu một người không được đào tạo thì cách tốt nhất là chỉ nên ép lồng ngực. Cụ thể là đan hai tay vào nhau và ấn xuống ngực sâu 5-6 cm, 100 đến 120 lần một phút.

Giáo sư Peter Weissberg, thuộc Hội Tim mạch Anh cho biết: "Điều tuyệt vời nhất là bạn không cần bất cứ kỹ năng cơ bản nào hoặc nhớ phải làm gì để có thể thực hành đúng việc hô hấp nhân tạo. Chúng tôi biết được ít nhất có 28 người vẫn sống ngày hôm nay là bởi vì người đứng bên cạnh khi thấy họ đột quỵ đã làm theo những gì mà Vinnie bảo với họ trong đoạn quảng cáo".

Tại Anh, cứ 30.000 người thì có một trường hợp bị ngừng tim mỗi năm và một nửa số những người chứng kiến không có hành động gì vì không biết làm gì.

Phương Trang

Theo vnexpress