Chủ tịch HHQCVN: "Hành lang pháp lý chưa theo kịp tốc độ phát triển của ngành Quảng cáo"

Chủ tịch HHQCVN: "Hành lang pháp lý chưa theo kịp tốc độ phát triển của ngành Quảng cáo"

18/03/2024 326
(Tiếp thị & Gia đình) Tham dự Hội nghị công nghiệp văn hóa, ông Nguyễn Trường Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã có bài phát biểu về xu hướng, thách thức cùng nhiều kiến nghị của ngành quảng cáo.

Trình bày trước Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng toàn thể hội nghị trực tuyến toàn quốc về công nghiệp văn hóa, ông Nguyễn Trường Sơn nhận định, ngành quảng cáo đã và đang có những bước chuyển mình tích cực theo thời gian. Từ những sản phẩm quảng cáo tự phát nhỏ lẻ, nay đã phát triển thành một ngành công nghiệp có quy mô rộng lớn, gắn kết tất cả các lĩnh vực trong xã hội, là đòn bẩy cho sự phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở Việt Nam.

Tham luận của ông Nguyễn Trường Sơn đã trình bày rõ 5 luận điểm chính, bao gồm vai trò, sự phát triển, thách thức, xu hướng và những kiến nghị, đề xuất của ngành quảng cáo.

Ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch HHQCVN trình bày tham luận tại hội nghị

Quảng cáo là “món ăn tinh thần” không thể thiếu của mỗi người hiện nay. Ngành quảng cáo Việt Nam luôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm nặng nề của mình trong việc:

- Tuyên truyền chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Chính phủ; Quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; bảo vệ Nhà nước CHXHCN Việt Nam…

- Quảng bá sản phẩm phẩm, dịch vụ chất lượng; bảo vệ người tiêu dùng; bảo vệ sự trong sạch trong cuộc sống cộng đồng. 

- Sức ảnh hưởng của quảng cáo vô cùng lớn trong việc tạo ra xu thế của xã hội. Vì vậy, ngành quảng cáo phải tạo ra những xu thế mang tính tích cực đóng góp cho sự phát triển của đất nước. 

Ngành quảng cáo cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp, hỗ trợ, đồng hành, cùng gánh vác trách nhiệm với 11 ngành văn hóa theo định hướng của Đảng và Chính phủ. 

Với sự ra đời của hàng loạt công ty quảng cáo trên khắp mọi tỉnh thành, ngày 24/8/2001, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã chính thức ra đời, quy tụ những công ty quảng cáo lớn nhất cả nước. Sự phát triển với tốc độ vũ bão của ngành quảng cáo đã tạo ra sự lan tỏa rộng khắp toàn xã hội trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, cũng như thể hiện vai trò cầu nối giữa sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, cung cấp thông tin giúp người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm hàng hóa phù hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo thống kê của Statista, doanh thu quảng cáo của Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 2,192 tỷ USD, đứng thứ 5/11 quốc gia ASEAN, nhưng lại xếp thứ 2/11 quốc gia về tốc độ tăng trưởng 12,7%, chỉ sau Malaysia (18,9%). Trong đó, quảng cáo đóng vai trò là nguồn thu quan trọng của các cơ quan báo chí, truyền hình cũng như các hoạt động văn hóa, kinh tế, xã hội, giải trí, hội nghị, hội thảo…

Trong tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, ngành quảng cáo Việt Nam gặp không ít thách thức trong hội nhập, sánh vai cùng ngành quảng cáo thế giới. Trong đó, có một số vấn đề nổi bật như: rào cản trong các văn bản pháp lý; thách thức mới về công nghệ, kỹ thuật; xây dựng cơ sở dữ liệu trong các ngành công nghiệp văn hóa còn yếu…

Trong thời gian 5 năm tới, xu thế chuyển đổi số được dự đoán sẽ định hình ngành quảng, hay chính quảng cáo số lên ngôi. Làn sóng chuyển đổi số ngành quảng cáo sẽ đến từ trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), quảng cáo video, phát trực tiếp, kết hợp cùng KOLs, Influencers…

Tại hội nghị trực tuyến công nghiệp văn hóa Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cũng đưa ra những đề xuất mới nhằm tháo gỡ rào cản, thúc đẩy sự phát triển của ngành quảng cáo.

Hội nghị trực tuyến về "Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam" diễn ra với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính

Ông Nguyễn Trường Sơn nhận định: “Luật Quảng cáo đã được ban hành năm 2012 và có hiệu lực từ năm 2013. Sau 10 năm thực hiện, đã nảy sinh nhiều bất cập chưa phù hợp với tốc độ phát triển của thời đại, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý ngành cũng như chưa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quảng cáo phát huy hết tiềm năng”.

Đặc biệt, quảng cáo luôn thay đổi với nhiều hình thức thể hiện mới mà hành lang pháp lý chưa theo kịp. Việc Chính phủ sớm ban hành Luật Quảng cáo sửa đổi, bổ sung àm cơ sở pháp lý mới sẽ giúp phát triển ngành quảng cáo - một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa.