Chatbot có thể thay thế tiếp thị qua email

Chatbot có thể thay thế tiếp thị qua email

04/10/2018 992
Với tỷ lệ phản hồi của khách hàng cao hơn, sử dụng thuận tiện hơn và có thể cá nhân hoá, chatbot được dự báo có thể thay thế việc tiếp thị qua email.

Haravan, nền tảng cung cấp giải pháp thương mại điện tử, mới đây công bố khảo sát cho thấy tỉ lệ phản hồi từ chatbot với khách hàng cao hơn rất nhiều so với việc tiếp thị qua email.

 

Ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc Tiếp thị Haravan, dẫn khảo sát cho biết tỷ lệ phản hồi của khách hàng đối với chatbot đạt 85%, tương đương với tỷ lệ tin nhắn SMS quảng bá được người nhận mở đọc. Trong khi đó, thông tin tiếp thị của doanh nghiệp khi gửi qua email chỉ đạt tỷ lệ đọc 5-7%.

 

chat-bot-co-the-thay-the-tiep-thi-qua-email-1

Chatbot của Biti's Hunter trên Facebook - Ảnh chụp màn hình

 

Chatbot là công cụ trả lời tự động thông qua các ứng dụng nhắn tin OTT. Một khi khách hàng đặt câu hỏi thông qua ứng dụng thì hệ thống sẽ tự động trả lời, không chủ động gửi tin nhắn trước đến người dùng như trường hợp gửi email. Đây là lý do chính khiến tỷ lệ người dùng tương tác với chatbot hơn email.

 

Ngoài ra, người kinh doanh có thể dùng chatbot để gửi tin nhắn hàng loạt đến khách hàng nếu muốn. Trên Facebook Messenger, nội dung tin nhắn có thể được cá nhân hoá dựa trên hành vi của người dùng.

 

“Nhiều khả năng chatbot sẽ thay thế tiếp thị qua email trong ngành bán lẻ trong tương lai gần.”, ông Tấn nói.

 

Bên cạnh đó, chatbot còn có lợi thế hơn dịch vụ nhắn tin SMS là không tốn chi phí, trong khi đó, giá một tin nhắn tiếp thị dao động từ 500-800 đồng tin. Theo ông Tấn, chi phí trung bình để có được một đơn hàng thông qua quảng cáo trên Facebook hiện nay là 40.000 đồng đến 80.000 đồng. Việt Nam xếp ở vị trí thứ 7 về số lượng người dùng Facebook với 58 triệu người dùng vào đầu năm 2018, (theo thống kê của Hootsuite và We Are Social). Do đó, tiếp cận khách hàng qua chatbot có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm một khoản chi phí không nhỏ.

 

Khảo sát của Haravan dữ liệu của 50.000 người kinh doanh trực tuyến và hơn 5 triệu người tương tác thông qua dịch vụ chatbot của công ty là Harafunnel mỗi tháng. Các bên tham gia khảo sát ngoài các cá nhân, cửa hàng nhỏ bán hàng trực tuyến còn có các doanh nghiệp như Vinamilk, Juno, Hnoss, Nguyễn Kim…

 

Haravan được thành lập vào 3/2014, là một trong các dự án được đầu tư  bởi quỹ tư nhân khá quen thuộc trong giới công nghệ là SeedCom. Hiện tại, Haravan có hơn 20.000 doanh nghiệp trả phí sử dụng nền tảng thương mại điện tử hàng năm, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất như Vinamilk, Bitis, Thiên Long.

 

H.Đ

Theo ictnews.vn