Bộ TT&TT tìm giải pháp ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền trên OTT

Bộ TT&TT tìm giải pháp ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền trên OTT

15/06/2017 1593
Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam để tìm giải pháp ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet đang diễn ra khá nghiêm trọng.

Báo cáo tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Bộ TT&TT hôm 5/6/2017, đại diện Lãnh đạo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, trong tháng 6, Cục và Thanh tra Bộ sẽ chủ trì tổ chức kiểm tra các đơn vị có hợp tác khai thác quảng cáo với các doanh nghiệp ở Việt Nam. Đồng thời, Cục sẽ triển khai kế hoạch phối hợp với Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam để tìm giải pháp quản lý hành vi vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet.

 

Báo cáo của Bộ TT&TT tháng 5/2017 cũng chỉ rõ việc vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet diễn ra khá nghiêm trọng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và doanh thu các doanh nghiệp truyền hình trả tiền.

 

Bên cạnh việc tìm biện pháp ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền trên OTT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn giao cho Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử kiểm tra việc cung cấp nội dung của các trang thông tin điện tử xem có đúng theo Giấy phép đã được cấp hay không. Theo Bộ trưởng, có một số trang tin điện tử có dấu hiệu cung cấp nội dung không đúng với giấy phép nên phải kiểm tra để chấn chỉnh sai phạm.

 

Đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho hay, trong tháng 5 Cục đã có một số hoạt động tăng cường công tác quản lý nhà nước ở địa phương, theo đó Cục ký kết với Sở TT&TT Hà Nội để phối hợp triển khai các công tác quản lý trên địa bàn, sau khi ký kết hai bên đã tiến hành công tác hậu kiểm về công tác kinh doanh game online và các trang mạng xã hội trên địa bàn.

 

Rất nhiều chương trình truyền hình của VTV bị vi phạm bản quyền trên Internet.

 
 

Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) gần đây cũng lên tiếng mạnh mẽ về việc nhiều chương trình của Đài bị xâm phạm bản quyền. Mặc dù VTV đã nhiều lần gửi công văn, bằng chứng vi phạm để yêu cầu chấm dứt những sai phạm nhưng các đơn vị này đều phớt lờ. Thậm chí, mức độ vi phạm còn nghiêm trọng hơn. Theo VTV, Đài này đang là nạn nhân bị xâm phạm bản quyền lớn nhất ở Việt Nam, không chỉ gây tổn thất lớn về mặt kinh tế mà còn ảnh hưởng uy tín của VTV với các đối tác. Còn khán giả cũng bị thiệt hại khi có thể không được theo dõi những chương trình chất lượng tốt, do đối tác không ký hợp đồng vì lo ngại về vấn đề vi phạm bản quyền.

 

Trên thực tế, việc vi phạm bản quyền truyền hình và điện ảnh trên Internet diễn ra khá nhức nhối. Điển hình nhất là vụ VTVcab lần thứ hai bị đối tác truất quyền phát sóng trực tiếp hai giải đấu bóng đá Cúp C1 và Cúp C3 vì bị rất nhiều các trang tin điện tử, báo điện tử sử dụng trái phép các video hình ảnh giải đấu Cúp C1 và Cúp C3. Dù VTVcab là nạn nhân nhưng đã bị đối tác cắt quyền phát sóng, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế và uy tín của VTVcab. Khán giả Việt Nam cũng bị thiệt thòi vì không được xem hai giải đấu này trên sóng truyền hình.

 

Theo ý kiến của một số chuyên gia, các hình thức vi phạm bản quyền truyền hình Internet ở Việt Nam phần lớn là do tín hiệu gốc không có biện pháp bảo vệ chặt chẽ, từ đó các ứng dụng lậu sẽ sử dụng chính tín hiệu đó và phát lên ứng dụng của mình. Điển hình nhất là VTVcab đã hai lần bị ngừng phát sóng giải đấu Cúp C1 và C3 vì bị nhiều đơn vị OTT vi phạm bản quyền. Trong khi đó, không có ứng dụng lậu nào thu được tín hiệu stream của Netflix hay K+ bởi giải pháp bảo vệ của các đơn vị này được đầu tư bài bản hơn. Dịch vụ OTT lậu vẫn tràn lan vì việc lấy tín hiệu gốc các chương trình truyền hình của Việt Nam quá đơn giản và khó kiểm soát, trong khi nhu cầu người dùng thì ngày càng tăng cao trên nền tảng OTT.

 

Với các nhà cung cấp nội dung như Ngoại hạng Anh, kênh quốc tế, phim Hollywood nếu muốn phân phối nội dung của họ trên nền OTT thì bắt buộc phải tuân thủ quy trình và công nghệ DRM mà họ yêu cầu, bởi vậy với các kênh của K+, kênh quốc tế sẽ khó bị sử dụng lậu hơn là các kênh trong nước. Tuy nhiên việc đầu tư cho hệ thống này tốn kém rất nhiều và đôi khi làm giảm chất lượng dịch vụ streaming vì phải áp dụng quá nhiều hình thức bảo vệ và hầu hết các server bảo vệ này đều nằm ở nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng nếu cáp quang bị đứt.

 

Rõ ràng là nếu các nhà cung cấp dịch vụ OTT vẫn chưa chú trọng đầu tư nghiêm túc vào giải pháp kỹ thuật thì nạn vi phạm bản quyền truyền hình và VOD vẫn tiếp diễn không có hồi kết.