Bộ TT&TT đề xuất phối hợp liên ngành trong quản lý quảng cáo trên mạng, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nói gì?

Bộ TT&TT đề xuất phối hợp liên ngành trong quản lý quảng cáo trên mạng, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nói gì?

16/11/2024 107
(Tiepthigiadinh.vn) Theo nhà báo, đạo diễn Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn toàn có đủ năng lực để quản lý và xử lý các vấn đề trên không gian mạng. Tuy nhiên vẫn cần sự phối hợp của các Bộ chuyên ngành để xử lý có hiệu quả những quảng cáo vi phạm mang tính chuyên ngành.

Tại phiên họp sáng 12/11, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, công tác quản lý hoạt động quảng cáo thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội còn gặp khó khăn. Vì vậy, cần tăng cường hoạt động quản lý quảng cáo trên môi trường mạng. 

Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện nhiều biện pháp quản lý đối với hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng; phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đẩy mạnh các biện pháp kỹ thuật về rà quét, phát hiện các quảng cáo vi phạm pháp luật, trong đó tập trung vào các nền tảng mạng xã hội lớn, có nhiều vi phạm như: Facebook, Youtube, Tiktok… Tuy nhiên, hoạt động quản lý trên môi trường mạng vẫn còn nhiều lỗ hổng. 

Cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý?

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, một trong những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế với hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng là do vì chưa bổ sung trách nhiệm quản lý nội dung quảng cáo lĩnh vực chuyên ngành trên không gian mạng.

Liên quan đến kế hoạch phối hợp chuyên ngành, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để xây dựng công cụ rà quét, phát hiện quảng cáo sai sự thật để xác định danh tính, tiến tới ngăn chặn các quảng cáo sai phạm. Đối với lĩnh vực công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông nếu cần sẽ phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) để xác định danh tính, ngăn chặn các hành vi vi phạm. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn tại phiên họp sáng 12/11.

Nhằm nâng cao hoạt động quản lý đối với hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các nhãn hàng, các quảng cáo có nội dung vi phạm pháp luật; tập trung đấu tranh với nền tảng xuyên biên giới để yêu cầu tuân thủ Luật pháp Việt Nam.

Tuy nhiên, nguồn lực cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra còn hạn chế. Do đó, tất cả các bộ ngành, các địa phương cần thiết phải tham gia vào hoạt động quản lý, xử lý các vi phạm về quảng cáo trong lĩnh vực của mình. Thực hiện được điều này, hiệu quả quản lý sẽ nhân lên nhiều lần, giúp giảm đi các quảng cáo sai sự thật.

Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức tập huấn cho cơ quan thanh tra, kiểm tra, bộ, ngành địa phương liên quan đến quảng cáo trên môi trường số. Bộ trưởng nhấn mạnh, giải pháp chính để hạn chế quảng cáo sai sự thật là cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các bộ ngành, địa phương, đơn vị, cá nhân quản lý gì trong đời thực thì cũng quản lý cái đó trên không gian mạng.

Theo đó, Bộ Y tế phải vào cuộc trong vấn đề quảng cáo sai sự thật đối với thuốc, thực phẩm chức năng. Bộ Công Thương phải vào cuộc để kiểm soát quảng cáo, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng…

“Về mặt thể chế, thực thi, chúng ta hoàn toàn có thể yêu cầu các nền tảng số, các mạng xã hội, nền tảng quảng cáo xuyên biên giới thực thi pháp luật Việt Nam. Nếu họ không tuân thủ, chúng ta có đủ điều kiện, kỹ thuật, hạ tầng để ngăn chặn, khiến các nền tảng này ngừng hoạt động. Chúng ta có đủ năng lực để quản lý và xử lý các vấn đề trên không gian mạng” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh. 

Thấy gì từ kế hoạch phối hợp liên ngành trong quản lý quảng cáo trên mạng?

Bàn luận về các ý kiến trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trong phiên chất vấn ngày 12/11 liên quan đến vấn đề quảng cáo trên mạng, nhà báo, đạo diễn Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam khẳng định, Bộ trưởng đã đưa ra các ý kiến, đánh giá sát với thực tiễn, nhìn nhận trực diện vào các khó khăn vướng mắc trong hoạt động quản lý quảng cáo trên mạng. 

Từ đó, các giải pháp khá căn cơ được đưa ra, từ việc tăng cường vai trò tham gia chủ động tích cực của các bộ ngành liên quan đến việc bổ sung các quy định cụ thể về quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, trách nhiệm cụ thể của các chủ thể tham gia cung cấp dịch vụ, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (KOL, KOC)... trong Luật Quảng cáo. 

Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam
Nhà báo - đạo diễn Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam bàn luận về các ý kiến trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trong phiên chất vấn ngày 12/11 cùng VTV.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, cái khó để xử lý quảng cáo chuyên ngành hiện nay là sự chủ động phối hợp của các Bộ ngành. 

“Bộ Thông tin và Truyền thông có thế mạnh quản lý hạ tầng, nền tảng. Tuy được giao quảng cáo trên mạng nhưng khó trong việc bao quát quản lý quảng cáo thuộc nhóm lĩnh vực của các bộ ngành khác. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng không thể thay cho các bộ ngành khác trong việc xác định các quảng cáo vi phạm lĩnh vực chuyên ngành. 

Mặt khác, các bộ ngành chỉ quen quản lý ở đời thực nên còn lúng túng khi quản lý trên môi trường mạng, khó khăn khi cần tìm đối tượng vi phạm trên mạng, yêu cầu mạng xã hội nước ngoài gỡ chặn. Do đó, cơ chế phối hợp giữa các bộ để cùng xử lý các vi phạm quảng cáo trên môi trường mạng là vô cùng cần thiết” -  Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nêu. 

Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nêu rõ, chỉ khi nào các vi phạm được định nghĩa tường minh thế nào là quảng cáo sai phạm, hay phản cảm thì Bộ Thông tin và Truyền thông mới xử lý được. Việc “định nghĩa tường mình” theo Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam là thuộc về trách nhiệm của các Bộ chuyên ngành. 

“Nếu Bộ chuyên ngành không đứng ra xác định, tuyên bố loại nào là vi phạm, dịch vụ nào là hợp pháp thì người dân vẫn còn bị mắc bẫy dài. Vì vậy, phải có xác định của bộ chuyên ngành thì Bộ Thông tin và Truyền thông mới yêu cầu gỡ chặn được” - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam khẳng định.

Liên quan đến hoạt động quảng cáo trên mạng, trong phiên chất vấn ngày 12/11, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, ngành có liên quan thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra, tập trung nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, đầu tư phương tiện, hệ thống công cụ kỹ thuật thực hiện nhiệm vụ quản lý thông tin trên không gian mạng. Phát triển hệ thống giám sát, tập trung đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để rà quét, phát hiện các vi phạm về quảng cáo trên các nền tảng số.